Ở Việt Nam, lên bục giảng là Giáo viên hay Thợ dạy?
Ngô Đức Thế
12/05/15 08:04
(GDVN) - Chúng ta đang chứng kiến một logic ngược đời: những người thầy
lại có cách thức tiếp cận công việc và làm việc như những người thợ: thợ
dạy, thợ giảng.
Nếu bạn đi vào nhà máy, bạn sẽ gặp những người thợ với công việc đều
đặn, lặp đi lặp lại hàng ngày: đến đúng giờ, ngồi vào dây chuyền sản
xuất và cần mẫn làm đúng vai trò được phân công của mình, hết giờ tan
ca, quay về nhà nghỉ ngơi.
Họ chỉ có một số thời gian nghỉ ngắn ngủi tại phòng nghỉ tập trung,
ăn uống, nghỉ ngơi lấy sức, rồi lại trở lại công việc hối hả, không cần
một bàn làm việc riêng, một văn phòng để giải quyết các công việc giấy
tờ.
Điều này khá dễ hiểu bởi họ là những người thợ làm các công việc mang tính chất dây chuyền theo chuyên môn hóa của công nghiệp.
Tưởng chừng điều này chỉ bắt gặp ở nơi công xưởng với những người thợ
chuyên trách các công việc chuyên môn hóa thì ở Việt Nam, chúng ta thấy
hình thức này cũng phổ biến cả ở môi trường giáo dục, nơi những nhà
giáo hàng ngày đảm nhiệm việc dạy học, truyền bá tri thức với một lượng
sách vở giấy tờ lớn cần giải quyết.
Tôi được thực chứng những giáo viên ở Việt Nam, từ miền nông thôn với
điều kiện kinh tế kém hơn, tới thủ đô Hà Nội giàu có: hàng ngày lên lớp
dạy học sinh với giáo án soạn sẵn, đúng giờ được phân công, và hết giờ
thì về nhà (hoặc chạy xô đi dạy thêm ở các nơi khác).
Thời gian giải lao chờ chuẩn bị tiết học, họ thường tập trung tại văn
phòng nhà trường, một văn phòng đủ rộng để mỗi người có một ghế ngồi,
cùng uống nước đàm đạo trước giờ lên lớp.
Tất cả các công việc khác ngoài giảng dạy trên lớp như chấm bài, soạn
giáo án, viết sáng kiến kinh nghiệm,… giáo viên buộc phải mang về nhà
làm vì họ không có một góc làm việc riêng cho họ.
Giáo viên buộc phải mang việc về nhà làm vì họ không có một góc làm việc riêng. Ảnh minh họa |
Những tưởng điều này chỉ xảy ra ở các cấp học từ phổ thông trở xuống, nhưng hóa ra không phải thế.
Cách thức làm việc như vậy cũng rất phổ biến ở các giảng viên đại
học, nơi việc đào tạo và truyền bá tri thức ở cấp độ chuyên sâu hơn và
khối lượng kiến thức lớn hơn nhiều so với cấp học phổ thông: giảng viên
cũng chỉ lên lớp như những người thợ mà không hề biết một góc làm việc
riêng, một văn phòng để ngoài giờ dạy họ có thể ngồi làm việc, để sinh
viên có thể tìm họ thảo luận về bài học, về các vấn đề nghiên cứu,..
Một số trường đại học lớn đã cố gắng cải thiện tình trạng này nhưng
thực trạng các giảng viên đại học không có một bàn làm việc riêng với
một máy tính cá nhân là rất phổ biến trong các trường đại học và cao
đẳng ở Việt Nam.
Thậm chí ngay cả với những giáo sư, những người đứng đầu các nhóm
nghiên cứu, là các giảng viên cao cấp, thì thực trạng nhiều giáo sư
không có bàn làm việc riêng cũng rất phổ biến.
Tôi từng nghe các đồng nghiệp nước ngoài phàn nàn với tôi rằng không
hiểu sao thư điện tử họ gửi cho nhiều giáo sư ở Việt Nam thường mất tăm
mất tích không thấy phản hồi.
Tôi giải thích rằng nhiều giáo sư ở Việt Nam không có văn hóa làm
việc qua e-mail, và điều này xuất phát từ một thực tế là họ không hề có
góc làm việc riêng.
Họ đến trường chỉ để lên lớp dạy, và nếu có cần thì đi họp ở các cuộc
họp hành chính, và nếu cần thì làm trong phòng thí nghiệm, còn lại chỗ
làm việc riêng vẫn còn là xa xỉ.
Tôi chứng kiến nhiều giáo sư phải tận dụng một góc phòng thí nghiệm
của mình thành bàn làm việc riêng, và có nhiều giảng viên buộc phải dùng
căn-tin, quán nước để thảo luận với sinh viên về các vấn đề chuyên
môn.
Nhưng tôi lại chứng kiến một thực tế phi lý ở một số trường đại học
lớn ở Hà Nội: các nhân viên phòng quản trị bảo vệ có văn phòng riêng,
bàn uống nước, điều hòa,.. trong khu giám hiệu thì nhiều giảng viên lại
không hề có lấy một bàn làm việc riêng.
Một người bạn tôi làm giảng viên một trường đại học ở Thành phố Hồ Chí
Minh thậm chí còn kể rằng nhiều vị chủ nhiệm khoa của trường đại học
cũng không có nổi lấy một bàn làm việc tử tế. Có lẽ đây là một thực tế
mà các đồng nghiệp quốc tế không thể nào hiểu nổi vì văn phòng làm việc
là một điều kiện làm việc tối thiểu ở bất kỳ trường học nào ở các nước.
Tôi thậm chí tìm hiểu trường mẫu giáo ở Đan Mạch nơi con tôi theo
học, cô giáo của cháu cũng có một bàn làm việc với máy tính để từ đó có
thể hàng ngày cập nhật trên blog liên lạc giữa giáo viên với các phụ
huynh.
Điều này có nghĩa là toàn bộ các hoạt động giáo dục của chúng ta bị
gói gọn trong lớp học, trong những giờ học cứng nhắc. Học sinh sinh viên
khó có thể tiếp cận giảng viên của mình để mở rộng thảo luận ngoài giờ
(vì nếu muốn thì không thể biết tìm ở đâu), phát triển thêm bài học và
kiến thức, tương tác giữa người học và người thầy vốn đã hạn chế càng
trở nên hạn chế hơn.
Và chúng ta thấy một logic ngược đời: những người thầy lại có cách
thức tiếp cận công việc và làm việc như những người thợ: thợ dạy, thợ
giảng.
Sự thiếu thốn về điều kiện làm việc tối thiểu – một văn phòng làm
việc nhỏ với thiết bị kết nối thông tin đã cắt đi những động lực tìm tòi
kiến thức mới, các động lực tự học nâng cao chuyên môn.
Đồng thời việc này cũng dồn gánh nặng lên vai người giáo viên khi họ
buộc phải mang bài vở về nhà làm việc do thiếu góc làm việc riêng tại cơ
quan.
Không biết đã có ai từng đặt câu hỏi rằng nếu một giáo viên mang bài
vở của học sinh về nhà chấm bài thì tính riêng tư trong bài học của mỗi
học sinh có thể bị xâm phạm (bởi người nhà của giáo viên chẳng hạn?).
Thực trạng này không phải do lỗi từ các giáo viên, mà ở các nhà quản
lý giáo dục đã không cố gắng tạo điều kiện làm việc tốt cho các nhà
giáo.
Trong điều kiện đất nước Việt Nam hiện nay, việc xây dựng cho mỗi
giáo viên một phòng làm việc riêng có thể là điều không khả thi, nhưng
việc tạo cho mỗi giáo viên một góc làm việc riêng ngăn cách nhau, bao
gồm một bàn làm việc với giá sách, đồ dùng văn phòng, một ngăn tủ cá
nhân nhỏ, cùng với một máy tính kết nối internet là điều hoàn toàn khả
thi (và ít nhất khả thi ở các thành phố, ở các địa phương không phải
vùng sâu vùng xa với điều kiện kinh tế quá nghèo nàn).
Và khi ấy, giáo viên có thể giành hoàn toàn 8 giờ vàng ngọc tại
trường: giảng dạy trên lớp trong giờ học, ngồi làm việc tại bàn của mình
ngoài giờ giảng (soạn bài, chấm bài, trao đổi với học sinh sinh viên về
bài học, tìm kiếm trao đổi thông tin để nâng cao chuyên môn) và họ sẽ
ít phải bù đầu với bài vở tại nhà.
Nhà nước hàng năm tiêu tốn hàng ngàn tỉ cho đổi mới giáo dục, và mỗi
chính sách đổi mới thường khiến các nhà giáo lại bị quay cuồng giữa các
yêu cầu nghề nghiệp, nhưng dường như chưa có một lãnh đạo ngành giáo dục
nào để ý và bắt tay vào việc cải tạo điều kiện làm việc tối thiểu cho
nhà giáo trước khi yêu cầu họ thực hiện các mục tiêu giáo dục cao cả.