Coi chừng khoa học thuộc địa kiểu mới!

Thế là sau những cuồng nhiệt hâm mộ văn hóa Hàn, nay đến khoa học. Việt Nam sẽ thành lập một viện nghiên cứu khoa học mới theo mô hình và dưới sự bảo trợ của KIST (Korean Institute of Science and Technology, Hàn Quốc). Viện mới sẽ có tên là Viện nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (V-KIST). Nhiều người kì vọng rằng “viện nghiên cứu trong mơ” này sẽ giúp cho khoa học Việt Nam cất cánh. Nhưng tôi thấy phân vân. Nếu không có nội lực thích hợp thì một sự hợp tác hay chịu sự bảo trợ của KIST như thế sẽ biến khoa học Việt Nam thành một nền khoa học lệ thuộc vào ngoại quốc, một hình thức neo-colonial science.

Hàn Quốc phát triển hơn Việt Nam, và điều này thì ai cũng thấy rõ ràng. Từ một đất nước nghèo khó, Hàn Quốc ngày nay đã sánh vai ngang hàng với các nước kĩ nghệ tiên tiến ở phương Tây. Sản phẩm kĩ nghệ và điện tử của Hàn Quốc càng ngày càng thay thế các sản phẩm của Nhật trên thị trường quốc tế. Dân Hàn Quốc có thu nhập bình quân (khoảng 32000 USD) cao hơn Việt Nam gần 32 lần. Hơn 30 năm trước đây, thu nhập bình quân của dân Hàn Quốc chẳng cao hơn Việt Nam bao nhiêu. Nhưng ngày nay, nhìn qua bất cứ chỉ tiêu kinh tế - xã hội nào, Hàn Quốc đã bỏ chúng ta quá xa.

Riêng lĩnh vực khoa học, Hàn Quốc cũng có tốc độ phát triển rất ấn tượng. Sự phát triển này có thể đánh giá một phần qua số bài báo khoa học trên các tập san quốc tế. Vào thập niên 1980, mỗi năm các nhà khoa học Hàn Quốc chỉ công bố được khoảng 300-500 bài, nhưng đến năm 2000 con số này là ~14,000 bài. Năm 2011, Hàn Quốc công bố được ~43,000 bài báo khoa học, tức cao hơn Úc (~40,000 bài). Số bài báo khoa học của Hàn Quốc cao hơn Việt Nam khoảng 40 lần. Nhưng về chất lượng (như qua chỉ số trích dẫn) thì có thể nói rằng chất lượng khoa học của Hàn Quốc chưa chắc đã hơn VN, và còn kém xa các nước tiên tiến. Về số lượng công bố quốc tế, Hàn Quốc xếp hạng 13 (Việt Nam hạng 67), nhưng về chỉ số trích dẫn, Hàn Quốc xếp hạng 116 (Việt Nam hạng 93).

Viện khoa học và công nghệ Hàn Quốc (KIST) là một viện nghiên cứu hàng đầu của Hàn Quốc. Viện này được thành lập từ năm 1966, tức lúc Hàn Quốc còn nghèo. Cần phân biệt KIST và KAIST (Korea Advanced Institute of Science and Technology). KAIST là viện khoa học có qui mô lớn hơn và danh tiếng hơn KIST. Trước đây tôi tưởng KAIST là một bản sao của JAIST (Nhật), nhưng không phải, vì JAIST được thành lập vào năm 1990, còn KAIST thành lập vào năm 1971. Tuy nhiên, cả KIST và KAIST đều có qui mô thấp hơn JAIST. Số liệu năm 2011, KIST được xếp hạng 3207 trên thế giới, còn KAIST thì khá hơn (hạng 2571), còn JAIST thì hạng 1290.

Nếu chỉ đọc qua những văn bản như sứ mệnh của KIST và những spin trên website của họ thì cũng rất ấn tượng. Nhưng nếu nhìn kĩ hơn, tôi thấy không ấn tượng mấy. Theo số liệu năm 2010, KIST có 698 nhân viên; trong số này 474 là nhà nghiên cứu. Con số này tương đương với những viện nghiên cứu y khoa Úc như Walter and Eliza Hall Institute of Medical Research (WEHI), Queensland Institite of Medical Research, Garvan Institute of Medical Research. Số liệu báo cáo của KIST cho thấy năm 2011 Viện công bố khoảng 200 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế (nhưng số liệu ISI cho thấy con số này là 840). Phần lớn những tập san này có chỉ số tác động (impact factor) dưới 4, tức khá thấp. Nhưng số bằng sáng chế của KIST thì thuộc vào loại tốt. Do đó, năng suất và chất lượng nghiên cứu của KIST chỉ ở mức trung bình hay dưới trung bình so với các viện cùng qui mô ở các nước phương Tây.

Câu hỏi là: với những thành tựu như thế, Hàn Quốc nói chung hay KIST nói riêng có xứng đáng là thầy của Việt Nam không? Tôi nghĩ nếu người Việt Nam sang Thái Lan để học, thì câu trả lời hiển nhiên là Hàn Quốc cũng xứng đáng làm thầy Việt Nam. Trong thực tế, có nhiều sinh viên và nghiên cứu sinh người Việt hoặc học hoặc đang làm việc ở Hàn Quốc. Nhưng thú thật với bạn đọc, những người thuộc thế hệ tôi (từng lớn lên và hấp thu nền giáo dục miền Nam trước đây), thì chúng tôi không xem Hàn Quốc là bậc thầy. Ngày xưa, Hàn Quốc không hơn miền Nam Việt Nam bao nhiêu, và ở nước ngoài, người Hàn Quốc cũng không có gì nổi trội hơn chúng tôi, những sinh viên Việt Nam (nhưng họ không tệ). Xin mở ngoặc để nói thêm là sinh viên Hàn Quốc đoàn kết hơn sinh viên Việt Nam. Có lẽ chẳng riêng gì chúng tôi, ngay cả thế hệ thanh niên bây giờ chắc cũng thế. Nếu có cơ hội và lựa chọn giữa đi du học ở các nước phương Tây (như Mĩ, Âu châu) và Hàn Quốc, thì tôi đoán phần lớn sinh viên Việt Nam sẽ chọn đại học thuộc các nước phương Tây. Cá nhân tôi trộm nghĩ rằng nếu khoa học Việt Nam chọn một “người thầy” để học hỏi, tôi sẽ phải suy nghĩ vạn lần trước khi chọn KIST.

Nhưng vấn đề quan trọng hơn là khoa học có nguy cơ lệ thuộc vào ngoại quốc. Nghiên cứu khoa học cần có hợp tác quốc tế. Thật ra, ở các nước tiên tiến, người ta khuyến khích các nhà khoa học hợp tác với các đồng nghiệp quốc tế, bất kể đồng nghiệp từ các nước đang phát triển hay phương Tây. Nếu mô hình hợp tác tích cực, hai bên đều tiếp thu lợi ích từ những nỗ lực làm việc chung. Nhưng nếu hợp tác một cách bất bình đẳng thì rất dễ dẫn đến sự lệ thuộc vào ngoại quốc.

Nếu hợp tác quốc tế, mà nhà khoa học vẫn giữ vai trò chủ đề tài (như tác giả chính hay tác giả đầu bài báo) thì đó là hợp tác tích cực, vì đồng nghiệp nước ngoài chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Nhưng nếu hợp tác theo mô hình mà người địa phương chỉ đóng vai trò thu thập dữ liệu cho đồng nghiệp nước ngoài, thì đó là mô hình tôi gọi là “hợp tác theo kiểu nhảy dù.” Ở Việt Nam, rất nhiều hợp tác khoa học đang diễn ra theo mô hình thứ hai này, mà theo đó, đồng nghiệp Việt Nam đóng vai trò thu thập dữ liệu là chủ yếu, còn công bố và đứng tên tác giả chính là đồng nghiệp nước ngoài. Đây là mô hình hợp tác mà giới khoa học gọi là neo-colonial science khoa học theo kiểu thực dân mới(1).

Một trong những chỉ số quan trọng trong nghiên cứu khoa học là chỉ số leadership, tạm hiểu là lãnh đạo. Chỉ số này thật ra là phần trăm hợp tác trong các công trình nghiên cứu khoa học. Các nhà khoa học Mĩ hay Úc hợp tác với rất nhiều đồng nghiệp trên thế giới, nhưng họ hợp tác theo mô hình partnership – đối tác bình đẳng, đôi bên cùng có lợi. Ngoài việc mở rộng “biên cương”, hợp tác trong nghiên cứu khoa học là một cách tận dụng chuyên môn và tài nguyên của người khác. Tính trung bình, các quốc gia có nền khoa học phát triển cao, tỉ lệ hợp tác quốc tế dao động trong khoảng 30 đến 40%. Theo SCImago (một trung tâm đánh giá khoa học quốc tế), một quốc gia mà có tỉ lệ hợp tác 80% có thể xem là “lệ thuộc”. Hiện nay, mỗi năm Việt Nam công bố được khoảng 1000 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế; trong số này 75-80% là do hợp tác với nước ngoài và người nước ngoài đứng tên tác giả chính. Tỉ lệ này trong ngành y sinh học lên đến 85%. Do đó, có thể nói rằng nền khoa học Việt Nam đang hay gần ở mức lệ thuộc.

Do đó, V-KIST với sự hỗ trợ của KIST làm tôi lo là Việt Nam càng lệ thuộc vào Hàn Quốc. Đã mang tên như thế và chịu sự yểm trợ của KIST, thì chắc chắn phần lớn nghiên cứu làm tại V-KIST sẽ có tác giả Hàn Quốc và Việt Nam đứng tên. Khả năng cao là các chuyên gia KIST có kinh nghiệm hơn các đồng nghiệp Việt Nam, họ cũng có cơ sở vật chất hơn V-KIST, nên chắc chắn họ sẽ đóng vai trò chủ trì nghiên cứu. Nói cách khác, chất liệu Việt Nam có thể trở thành tri thức mà người nước ngoài làm chủ. Điều này đã và đang xảy ra ở một vài nơi, kể cả ở Việt Nam, trong ngành y học. Tôi chỉ hi vọng một viễn cảnh như thế sẽ không xảy ra.
Có lẽ bạn đọc sẽ nói nếu chúng ta còn kém thì chúng ta phải học, kể cả học từ KIST. Dĩ nhiên, chúng ta phải học từ mọi người và mọi nơi, nhưng học như thế nào và học đến lúc nào chúng ta có thể độc lập và không cần đến sự đỡ đầu của người khác. Chúng ta không nên đi vòng quanh thế giới để “xin xỏ” người ta hoài (nhất là trong lúc một số đại gia Việt lại ăn xài một cách như không có ngày mai). Vả lại, học đã hơn 50 năm mà vẫn chưa độc lập thì phải xem lại cách học và xem lại chính mình. Muốn học thì cũng chọn thầy mà học, chứ không nên học từ người chỉ đơn giản cho chúng ta tiền bạc. Chúng ta có câu gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. "Đèn" Hàn Quốc chắc sáng hơn đèn Mã Lai hay Singapore (?), nhưng có sáng hơn đèn Mĩ?

Trong tình trạng hiện nay, V-KIST (viện mới của Việt Nam sắp thành lập) có khả năng vực dậy nền khoa học nước ta? Không ai có thể tiên đoán chính xác tương lai ra sao, nhưng chúng ta có thể nhìn qua KIST đã đóng vai trò gì trong sự phát triển khoa học của Hàn Quốc. Báo chí nước ta có vẻ ca ngợi KIST quá đáng, như “lực đẩy Hàn Quốc cất cánh”. Có lẽ giới báo chí nhầm lẫn giữa KAIST và KIST. KAIST (chứ không phải KIST) mới xứng đáng là "lực đẩy" của khoa học Hàn Quốc. Xin nhắc lại, mỗi năm Hàn Quốc công bố ~43,000 bài báo khoa học; trong số này 5547 (tức 13%) là xuất phát từ Đại học Quốc gia Seoul (SNU), kế đến là Đại học Yonsei (3440 bài, 8%), KAIST (2173 bài, 5%). Còn KIST chỉ đóng góp khoảng 840 bài (2%). Nói cách khác, phần lớn hoạt động khoa học của Hàn Quốc xuất phát từ SNU, Yonsei và KAIST, chứ không phải từ KIST. Rất khó nói với một đóng góp như thế mà là “lực đẩy” cho khoa học Hàn Quốc. Nếu KIST chưa đóng vai trò lực đẩy của khoa học Hàn Quốc, thì rất khó nói V-KIST sẽ đóng vai trò như thế ở Việt Nam.

Vấn đề, theo tôi, là cần hướng đến độc lập trong nghiên cứu khoa học. Mà, để độc lập thì yếu tố quan trọng nhất là con người, và kế đến là văn hóa khoa học. Chúng ta cần tạo nên một nhóm nhà khoa học có kinh nghiệm cao, đẳng cấp quốc tế, những người biết dẫn chuyên ngành của mình đi về đâu. Chúng ta có những người như thế, nhưng có lẽ con số chỉ đếm đầu ngón tay, và do đó chưa đủ thực lực để chuyển biến trong tương lai gần. Nhưng dù có con người tài giỏi mà đặt trong môi trường thiếu lành mạnh thì khó phát huy được lực lượng đó. Do đó, vấn đề tạo dựng một văn hóa khoa học phải là định hướng thứ hai. Hi vọng rằng V-KIST có thể sẽ đem lại một mô hình mới hay văn hoá khoa học cho Việt Nam. Thiếu văn hóa khoa học và thiếu thực lực thì rất dễ bị rơi vào tình trạng nô lệ.

Tham khảo:
(1) Dahdough-Guebas F, et al. Neocolonial science by the most industrialized upon the least developed countries in peer reviewed publishing. Scientometrics 2003; 56:329-43.

GS Nguyễn Văn Tuấn