Con cừu đen của làng toán Việt


Không hiểu sao, trong một tuần vừa rồi mà tôi nhận được thư yêu cầu phỏng vấn  và xin thông tin cá nhân từ những 3 người liền, liên quan đến chuyện tôi là một GS toán trước đã từng thi toán quốc tế. Thế nhưng tôi không hề giống với hình dung của mọi người về các nhà toán học nói chung, nên nếu chẳng may “chân dung” của tôi có xuất hiện trên báo chí gì đó, thì có khả năng là không khớp với thực tế lắm. Tôi chẳng có thành tích gì nổi bật, ngoài “thành tích” là làm “con cừu đen”. Dưới đây là bài viết gửi cho một trong ba người hỏi tôi.

Làm toán vì nghiệp chướng

Tôi không có thành tích gì đặc biệt về khoa học để mà kể. Nhưng vì có một số người tò mò muốn được biết một nhà  toán học hồi năm 1985 được huy chương vàng olympic bây giờ ra sao, nên xin viết lại một chút về bản thân ở đây làm kỷ niệm.
Có nhiều nhà toán học trên thế giới sinh ra là để làm toán, sống là để làm toán, toán học là cuộc sống của họ, họ không bao giờ mảy may có ý nghĩ bỏ toán. Họ thật sự là những người rất hạnh phúc trong công việc của mình. Một số người bạn cùng thế hệ với tôi  như Vũ Hà Văn hay Ngô Bảo Châu, hay như anh Phạm Hữu Tiệp trên tôi một số năm,  có thể được xếp vào hạng như vậy. Còn tôi, tôi làm toán là vì “nghiệp chướng”. Đã có nhiều lần tôi tìm cách đổi nghề mà không thành, “ông trời” vẫn “bắt” tôi làm toán, và vẫn nuôi tôi bằng nghề này.
Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo. Thời đó, ở Việt Nam tất nhiên hầu như ai cũng nghèo cả. Nhưng gia đình tôi thuộc loại nghèo của những người nghèo. Khi tôi còn bé, cả nhà 4 người bố mẹ, chị ruột, và tôi sống trong một căn phòng 9 mét vuông ở một ngõ nhỏ ở phố Huế (Hà Nội), mọi thứ bếp núc và công trình phụ là dùng chung tập thể. Bữa ăn no bụng là mừng rồi, thỉnh thoảng mới có ít “chất đạm”. Khi tôi quãng 6 tuổi, một lần được ăn thịt bò, thấy ngon quá mới hỏi mẹ: “đây là gì hả mẹ”. Mẹ tôi bảo đấy là thịt bò. Tôi liền nói: “về sau con sẽ vừa làm kỹ sư vừa đi bán thịt bò”. Lúc đó tôi chưa biết rằng, cái số  “vừa làm kỹ sư vừa đi bán thịt bò” đấy sẽ ứng vào tôi mãi về sau.
Bố mẹ tôi là giáo viên cấp hai. Mà giáo viên cấp hai thời đó thì rất nghèo, lương không đủ ăn và nuôi hai con. Mẹ tôi phải cố gắng kiếm thu nhập bằng mọi cách, từ những việc thủ công, đến những việc như đi bán bánh mì “chui”, rồi đến những việc buôn bán nguy hiểm hơn nữa, mà sẽ ảnh hưởng xấu về sau. Thầy cô giáo ngày xưa như bố mẹ tôi được học sinh rất quí, nhưng không nhận tiền như kiểu ngày nay. Thỉnh thoảng, có phụ huynh làm nghề bán hàng tặng cho một ít lạp xưởng, hay một cái bánh mì kẹp ba tê, thế là có “bữa tươi” vậy thôi. Tuy làm giáo viên rất nghèo, nhưng “trong cái rủi có cái may”, là quen biết các thầy cô giáo khác, và quan tâm được đến việc học phổ thông của con cái hơn so với nhiều người khác. Cũng bởi vậy, khi lớp chuyên toán cấp 1 đầu tiên được mở ra ở quận Hai Bà Trưng, tôi được gia đình cho thi vào đó, và thế là từ đó luôn học chuyên toán cho đến khi hết phổ thông.
Khi học ở chuyên toán, càng ngày tôi càng đạt thành tích tốt, được cử đi thi học sinh giỏi, và đến năm cuối cấp hai cũng đạt giải nhất toán toàn quốc, có được vào Hội trường Ba đình gặp thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc đó nhân dịp quốc tế thiếu nhi 01/06. Thành tích đó không phải do tôi thông minh gì đặc biệt, mà chủ yếu là do sự say mê tìm tòi toán học và điều kiện được học lớp chuyên với các thầy tốt đều là bạn bè của bố mẹ, và do ở nhà có nhiều sách toán thôi. Bố tôi tuy chỉ là giáo viên cấp 2, nhưng yêu khoa học nên có mua nhiều sách toán và vật lý để ở nhà, kể cả sách cao cấp, tôi cứ thế lôi ra đọc, hiểu được chỗ nào thì hiểu. Ngoài toán ra, thì hầu như tôi chẳng biết gì khác, và đặc biệt là rất kém về môn văn. Tôi chỉ gỡ được điểm về các bài kiểm tra ngữ pháp thôi, chứ các bài làm văn được điểm trung bình là may. Cho đến bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy mình hầu như chẳng hề học được gì về cách làm văn hay hưởng thụ văn học từ các giờ học văn. Tuy các thầy cô dạy văn là những người tốt, thậm chí là những giáo viên giỏi, nhưng cách tiếp thu của tôi có lẽ không được thích hợp với cách dạy văn ở phổ thông.
Vì say sưa học toán và có được nhiều thày giỏi, bạn hay, nên khi học lớp 11 ở Chuyên toán ĐHTH (nay là ĐH KHTN) tôi đã được chọn vào đội tuyển đi thi olympic quốc tế. Trong các bạn bè của tôi thời đó thì đặc biệt có Huỳnh Minh Vũ. Tôi và Vũ gặp nhau thường xuyên, làm toán cùng nhau, chơi bời cùng nhau, đi học thêm cùng nhau, v.v. Vũ cũng được vào đội tuyển đi thi Olympic cùng với tôi, và về sau cả hai sẽ cùng đi sang Liên Xô. Nhưng cũng vì chỉ biết có học toán, nên kiến thức của tôi bị hổng rất nhiều, đặc biệt là các kiến thức về xã hội, cách sống và cách xử lý các vấn đề trong cuộc sống, cách suy nghĩ chọn lựa lối đi, v.v., và điều này sẽ là một điểm bất lợi lớn về sau.
Sau khi thi IMO năm 1985, tôi và các bạn cùng đội tuyển được đặc cách tốt nghiệp phổ thông và cho đi du học, trừ hai bạn: một bạn do không đủ sức khỏe (cách đây mấy năm bạn này đã mất vì bệnh tật), và một bạn khác người miền Nam do “lý lịch xấu”. Vì không có hiểu biết hay thông tin gì để mà có lựa chọn nào khác, nên lựa chọn hiển nhiên duy nhất đối với tôi lúc đó là đi học toán ở MGU. Bạn Lâm Tùng Giang cùng đội tuyển cũng sang MGU học toán cùng tôi, Vũ thì đi học tin học và được cử đi Tbilisi, còn một bạn khác cùng đội tuyển là Huỳnh Văn Thành thì cũng sang Moskva học, nhưng về ngành khác.
Tôi khi sang Nga học là một cậu bé vô cùng ngây thơ (nghĩ lại thấy ngây thơ là phải, chưa đủ 16 tuổi và chưa có hiểu biết gì về chính trị), thấy nước Nga đẹp như thiên đường. Nhưng rồi, chỉ trong vòng có vài năm, cái thiên đường đó sụp đổ ngay trước mắt. Người Nga nói chung là người tốt, ở trường thì các giáo sư và bạn bè nói chung đều tốt. Nhưng ngoài lĩnh vực học thuật ra, thì mọi thứ trở nên tồi tệ nhanh chóng. Quan hệ giữa người Nga và người Việt cũng xấu đi. Cuối những năm 1980, mỗi lần tôi ra sân bay ở Moskva tiễn người về nước mà thấy hãi hùng cảnh cảnh sát Nga cầm dùi cui khua người Việt Nam như khua vịt. Đại sứ quán VN ở Nga và ban quản lý lưu học sinh, thay vì giúp đỡ lưu học sinh, thì công việc chính của họ thời đó là bắt nạt và ăn chặn lưu học sinh. Muốn làm được gì cũng phải hối lộ cho họ. Về mặt chính thức, các lưu học sinh bị cấm không được đi buôn lậu. Nhưng thực ra phần lớn người Việt ở Nga là có đi buôn kiểu này hay kiểu khác, và buôn lậu mạnh nhất chính là các nhân vật ở Sứ Quán.
Trong tình hình lộn xộn ở Nga, nói chung ít người yên tâm đi theo con đường học thuật. Thế hệ chúng tôi như là một thế hệ “bỏ đi”. Ai thức thời biết đường buôn bán làm ăn thì về sau đại gia này nọ, tuy cũng có những người vì làm ăn mà hy sinh luôn mạng sống ở Nga. Tôi tuy có cố gắng học, nhưng cũng bị sao nhãng nhiều. Nếu không buôn bán gì thì đói ăn, vì học bổng những năm cuối không còn đủ tiền để mua đồ ăn nữa, có những lúc thậm chí không còn gì để ăn. Bởi vậy tôi cũng đi làm thêm ở nhà máy, rồi cũng đi buôn. Nhưng tôi có số luôn bị mất của, buôn thì có lãi nhưng lại bị lấy trộm gần hết tiền trong một chuyến đi. Có một người bạn Nga nghe thấy bị mất trộm hết tiền thì thốt lên: “tao bị mất từng đấy tiền thì có thể tự tử được!”.
Kể ra thì xấu hổ, nhưng thời đó tôi học chảnh mảng đến mức mà có kỳ thi 5 môn tôi phải thi 9 lần vì chẳng học gì cả, trước khi thi vài hôm mới học, thế là thi trượt lại về nhà học lại mấy hôm sau đi thi lại, và có 4 môn liền như vậy. (Kiểu thi cuối học kỳ ở MGU lúc đó là thi nói, và nếu lần đầu thi không đạt thì không tính điểm, được phép thi lại ngay mấy hôm sau). Thậm chí có những môn tôi mang luôn cả sách giáo khoa dày cộp vào phòng thi để “quay”. Các sinh viên Nga cũng làm vậy, nên lúc đó cũng không lấy làm xấu hổ. Cũng may, tuy phải thi lại nhiều, nhưng cuối cùng nói chung các điểm thi đều tốt, và tôi vẫn tốt nghiệp “bằng đỏ”.
Năm 1991, khi tôi tốt nghiệp đại học, cũng là năm đầu tiên không còn thỏa thuận giữa VN và Liên Xô về chuyển tiếp làm NCS cho những người mới tốt nghiệp đại học loại giỏi. (Những anh chị học trên tôi 1 năm thì vẫn làm tiếp NCS).  Từ hồi tôi làm sinh viên năm thứ 3, ông thầy hướng dẫn là ông Anatoly Fomenko (ông Fomenko cũng là thầy hướng dẫn của GS Đào Trọng Thi và GS Lê Hồng Vân trước đó) đã giao cho các vấn đề nghiên cứu nhỏ nhỏ, và đến khi học hết năm thứ 5 thì cũng đã viết được 3-4 bài báo khoa học đăng ở các tạp chí khá tốt của Nga (như là Uspekhi, Math. Sbornik và Func. Anal. Appl.), nên đầu tiên tôi hy vọng là có thể xin làm thực tập ngắn hạn hơn thay vì làm NCS. Tôi có hỏi ông thầy là có cách nào cho tôi ở lại quãng 1,5 năm (thay vì 3 năm NCS) để tôi cố gắng làm và bảo vệ nhanh cho xong không, nhưng ông thầy thấy không khả thi. Thế là đối với tôi, “sự nghiệp khoa học” coi như chấm dứt. Có thực mới vực được đạo, đói thì làm sao làm khoa học được. Tôi quyết định là tìm đường sang Ba Lan buôn bán sinh sống nhờ vào bạn bè nào đó. Ở lại Nga thì tôi không muốn vì tình hình an ninh loạn lạc và tôi thuộc loại “ngố” khó sống được ở môi trường đó. Về Việt Nam thì cũng chẳng biết làm gì để sống. Một số bạn bè có kế hoạch mạnh mẽ hơn, đó là vượt biên đi đường rừng sang phương Tây tị nạn.
Nhưng ông trời lại chưa cho tôi chuyển nghề đi buôn ngay. Một lần, theo tôi nhớ, anh Nguyễn Hồng Chương (nhà vật lý, nay làm kinh doanh ở Hà Nội) có đi hội nghị ở ICTP (Trieste) về qua Moskva và cho mấy anh em khoa toán mấy thông tin về các hội nghị toán học ở đó. Thời đó, internet chưa có, ngay điện thoại cũng rất hiếm, thông tin không dễ kiếm như ngày nay, thậm chí một số “cây đa cây đề” của khoa học VN còn cố tình bưng bít thông tin thành “của riêng”, nên có được thông tin như vậy là “quí như vàng”. Tôi liền nộp đơn đại xin sang dự hội nghị bên đó vào hè năm 1991. Không ngờ được họ nhận và đài thọ toàn bộ chi phí ăn ở đi lại. Có anh Lê Tự Quốc Thắng cũng xin đi và cũng được nhận. Thế là hai anh em lặn lội làm các thủ tục và mua vé để đi. Chuyến đi đó là cả một câu chuyện ly kì. Phải dút lót cho ông quản lý LHS ở ĐSQ VN ở Nga mới được cho đi (ông ấy giở luật ra là muốn đi phải có báo cáo hội nghị và cứ thế om hồ sơ, mà sinh viên thì được mời đến để học chứ có phải để báo cáo cho thiên hạ nghe đâu). Vé máy bay thì quá đắt so với bọn tôi thời đó, nên phải xếp hàng rồng rắn lên mây mất mấy ngày để đến lượt mua vé tàu hỏa. Nhưng đi tàu hỏa thì phải xin visa transit qua một số nước, trong đó có Hungary. Đến DSQ Hungary xin, thì tụi nó đuổi về không cho mà còn chửi đại loại “tụi VN chúng mày ở Hungary là tụi khốn nạn”. Không có visa quá cảnh, nhưng chúng tôi cứ thế liều đi. Đến biên giới Hung, cảnh sát biên phòng xem hộ chiếu của chúng tôi thì chẳng nói gì cả, nhưng đến lượt mấy người Nga cùng tàu thì bị đuổi xuống, hóa ra ở biên giới đó họ ghét người Nga! Còn nhiều chuyện ly kì khác, nhưng có lẽ hơi lạc đề rồi. Sang đến Trieste, chị Lê Hồng Vân, lúc đó đang làm việc ở ICTP được 1 năm, giới thiệu tôi với ông James Eells và ông Alberto Verjovsky lúc đó là viện trưởng và viện phó phân viện toán ở đó. Khi xem hồ sơ của tôi, họ thấy thích thú, bèn quyết định nhận tôi vào làm việc ở ICTP 2 năm, và thế là kể hoạch đổi nghề thành kinh doanh phải hoãn lại.
ICTP là một trung tâm khoa học tốt. Tuy nhiên, ở đó tôi không có thầy hướng dẫn, và thích làm gì thì làm, thích học gì thì học, tự mày mò là chính, cũng chẳng ai chỉ dẫn cho mình là nên lựa chọn đi theo những gì là tốt nhất. Trong giai đoạn đó, tôi có thử tìm cách xin sang Mỹ làm NCS. Nhưng không được nhận, bởi 1 lý do rất ngớ ngẩn là tại vì tôi … không đóng tiền lệ phí xét hồ sơ. Cuối cùng thì sau hai năm ở ICTP, tôi thành NCS ở SISSA, là một viện của Ý nằm ngay sát nách ICTP. ở SISSA, tôi cũng không có thầy hướng dẫn, mà vẫn chủ yếu tự mình mày mò làm mấy bài toán có từ thời sinh viên. Được sự giúp đỡ của GS Michèle Audin ở Strasbourg, đến năm 1994 tôi viết xong luận án và mang sang đó bảo vệ. Tôi có đăng ký làm sinh viên của Strasbourg, nhưng thực ra chỉ ở đó có 3 hôm thôi. Sau khi bảo vệ xong, SISSA nhận tôi ở lại tiếp làm postdoc, và sau đó tôi được Viện  Max-Planck nhận làm postdoc, rồi được CNRS của Pháp tuyển làm chargé de recherche. Từ cuối năm 1995, tôi thành người của CNRS.
Được thành nghiên cứu viên của CNRS nghe có vẻ oai. Nhưng mà lương thấp so với nhiều nơi khác. Lúc đó tôi đã có vợ và con trai. Về mặt tài chính chẳng dư thừa gì cả. Hơn nữa, lúc đó gia đình bố mẹ tôi ở VN liên tục lâm vào các khó khăn. Bố tôi bị tại nạn rất nặng (tàu hỏa đâm vào, may không chết, nhưng chẳng được bồi thường gì), và mẹ tôi buôn bán những thứ gì đó liên tục thua lỗ, đến phá sản và nợ đầm đìa, nên gánh nặng tài chính đổ lên đầu tôi. Bây giờ “khôn” hơn một chút, tôi hiểu là chỉ có cách để mẹ “tuyên bố phá sản” chứ sức mình lúc đó không cách nào trả nợ cho mẹ được. Nhưng lúc đó tôi ngây thơ và tự tin hơn, quyết tâm trả nợ cho mẹ, nên dồn hết tiền và đi vay nợ thêm để gửi về VN.
Tôi không thấy có cách nào làm toán mà “mở mặt” lên được về kinh tế, nên khi làm cho CNRS ở thành phố Montpellier, tôi quyết tâm chuyển nghề. Đầu tiên là định theo hướng tin học. Thế là tôi đăng ký học thạc sĩ về máy tính ở Montpellier. Tôi có mày mò tự học cách viết chương trình chạy trên mạng (server side application), có lần làm sập luôn cả hệ thống máy tính của khoa vì chương trình của tôi liên tục sinh ra các “zombi”. Những câu chuyện về Silicon Valley mà tôi nghe hơi nồi chõ được rất hấp dẫn, và tôi cũng hy vọng là mình sẽ thành công khi nhảy sang làm máy tính. Nhưng tiếc rằng, điều kiện ở Montpellier không giống như ở bên Mỹ. Đi học thạc sĩ máy tính, nhưng học phải những thứ lý thuyết mà tôi thấy chán chứ không thấy hay, và không được làm quen nhiều máy móc hiện đại. Nên cuối cùng tôi bỏ cuộc, không lấy bằng thạc sĩ máy tính nữa.
Nghĩ hướng đi khác. Nghe nói có những nhà toán học thành triệu phú, tỷ phú về chứng khoán, nên tôi cũng nghĩ “họ làm được thì mình cũng làm được”, và thế là quyết tâm nhảy vào thị trường chứng khoán, coi nó như là một cứu cánh. Trong một số năm, tôi bỏ khá nhiều thời giờ nghiên cứu chứng khoán, nghĩ chiến lược này nọ. Nhưng mấy lần “ra quân” không may phải đúng mấy lúc thị trường sập, thế là lại thiệt hại lớn, và sau đó lại hì hụi gỡ lại. Tôi thuộc loại người “ngây thơ, tin người” nên cũng không hợp mấy với thị trường chứng khoán, là nơi họ suốt ngày lừa nhau, ngay cả ở thị trường Mỹ. Có một thời gian, tôi chỉ chuyên chơi option, lúc thắng thì thắng rất nhanh (có lúc tài khoản tăng được mấy chục lần, nhưng vì với con số ban đầu rất thấp nên tính giá trị tuyệt đối thì cũng không nhiều), rồi lại bị thua do quản lý rủi ro kém. Tính tổng cộng lại thì thắng thua không nhiều, chỉ có tiền nộp commission cho các công ty chứng khoán là nhiều, có khi còn hơn tổng số vốn bỏ ra. Trong lúc làm CNRS ở Montpellier, tôi thấy có nhà băng của Pháp quảng cáo tuyển việc những người làm toán, và cũng đi xin việc, nhưng họ chê không nhận. Và thế là vẫn cứ phải làm toán. Có lần, thấy công ty đầu tư ở Mỹ tuyển việc, tôi cũng liên hệ với họ nhưng cũng không ăn thua. Trong CV của tôi không có những thứ về toán tài chính, xác suất thống kê, v.v. nên có lẽ không hấp dẫn với họ.
Vì là nghiên cứu viên CNRS, nên trong thời gian đó, tuy đầu óc lúc nào cũng bị ám ảnh câu hỏi “làm sao để kiếm tiền bây giờ”, nhưng tôi cũng vẫn phải làm nghiên cứu về toán, không sợ người ta kêu. Mấy ông bạn cùng trường giục: “bao giờ mày bảo vệ Habilitation đi chứ”. Tôi hứa là lúc nào làm ra cái gì hay thì sẽ bảo vệ. Quãng năm 2000, tôi nhận dạy một lớp cao học về hệ Hamilton. Trong loạt bài giảng phải có phần nói về dạng chuẩn địa phương, là một phần mà bản thân tôi lúc đó nắm rất là ú ớ. Trong lúc tìm các tài liệu đọc về vấn đề dạng chuẩn này, tôi thấy cách sách viết nói chung đều khó hiểu, nhưng tôi nghĩ ra được một cách hiểu theo kiểu của mình dễ hơn. Thật bất ngờ, cách đó cũng cho phép chứng minh một định lý khá thú vị, đó là mọi hệ khả tích analytic thì đều có được chuẩn hóa địa phương hội tụ. Định lý này trước đó người ta mới chứng minh được trong trường hợp hệ non-resonant, dùng công cụ giải tích khá phức tạp. Nhưng với cách hiểu mới của mình, dùng các tác động xuyến, tôi chứng minh được nó cho trường hợp tổng quát, và một cách đơn giản hơn. Nhờ nó mà đến cuối năm 2001 tôi đã bảo vệ habilitation.
Tôi viết Habilitation của mình bằng tiếng Pháp, với nhan đề “A la recherche des tores perdus” (đi tìm những xuyến đã mất). Mấy ông bạn của tôi rất thích nhan đề này, vì nó làm gợi nhớ tác phẩm văn học nổi tiếng “A la recherche du temps perdu” (đi tìm thời gian đã mất) của Marcel Proust. Thú thực là tôi cũng chưa đọc quyển truyện nổi tiếng này, thấy nó dầy cộp đã thấy ngại rồi, chỉ nghe vợ kể vài ý trong chuyện thôi. Hôm bảo vệ, ông trưởng lab còn mặc luôn cả áo có in chữ “A la recherche du temps perdu”. Tôi thì nói đùa là “xuyến” ở đây có nghĩa là các đồng xu, tức là tôi đi tìm tiền đã mất! Nói một cách nghiêm túc hơn, thì luận văn này là về kỳ dị của các hệ động lực khả tích. Ở những chỗ không kỳ dị, thì các đa tạp bất biến là các xuyến, nhưng khi đi qua các điểm kỳ dị, thì các xuyến này bị biến hóa đi. Một phần của luận văn, về khía cạnh tô pô và hình học, là những thứ tôi đã viết và đăng trước đó, và một phần chính là kết quả “trời cho” nghĩ ra trong lúc dạy cao học. Tôi có mời được những người thầy cũ là Anatoly Fomenko và Michèle Audin đến dự vào hội đồng bảo vệ. Ngoài ra tôi cũng mời được thêm mấy nhà toán học có tiếng khác như Yves Colin de Verdière và Hans Duistermaat vào hội đồng. Ở Pháp, khi bảo vệ TS thì thầy hướng dẫn phải tìm hội đồng cho NCS, còn khi bảo vệ ở mức Habilitation, thì ứng cử viên phải tự lo chuyện lập được cho mình một hội đồng danh giá.
Văn bằng Habilitation cho phép tôi ứng cử vào chân giáo sư ở các nơi ở Pháp. Công việc làm giáo sư vất vả hơn làm làm nghiên cứu viên CNRS, vì phải dạy học, trong khi người của CNRS không phải dạy học, tự do hơn nhiều. Nhưng làm giáo sư là một giải pháp về tài chính, vì lương cao hơn, và thế là đến năm 2002 tôi nộp đơn xin làm GS ở 5 nơi khác nhau ở Pháp. Trong đó có 3 nơi nhận phỏng vấn (qua được vòng 1) là Paris 7, Lille và Toulouse. Ở Paris 7, tôi chỉ được xếp thứ 3 trong danh sách 5 người lọt vào vòng cuối cùng. Người bạn ủng hộ tôi ở Paris 7 động viên “cậu đứng thứ 3 không phải vị cậu kém 2 tên kia, mà là vì ngành của 2 tên kia được ưu tiên hơn thôi”. Tôi rất cảm ơn ông bạn, nhưng cũng nói là thực ra tôi cũng hơi sợ “phải” đi Paris vì Paris đắt đỏ quá mà tôi thì nghèo (một vợ hai con, vô sản, gánh nợ lớn của mẹ vẫn còn rất nhiều). Cả Lille và Toulouse đều nói họ muốn nhận tôi, và tôi chọn Toulouse, thế là chuyển về Toulouse ở từ năm 2002, mọc rễ ở đó cho đến nay. Giá cả sinh hoạt ở Toulouse rẻ hơn Paris nhiều, mà lương thì ở đâu cũng thế. Tất nhiên, về mặt khoa học, thì ở Paris có nhiều điều kiện nhất. Nhưng đối với tôi, vấn đề ổn định kinh tế còn chưa giải quyết được, chuyện điều kiện khoa học xếp sau.
Các nhà khoa học lớn, thường cũng có thầy là nhà khoa học rất lớn. Đây là điểm quan trọng, vì thầy không những chỉ định hướng cho mình, mà còn nâng đỡ cho mình nhiều kiểu khác, quảng cáo cho mình, ủng hộ mình trong các dự án, v.v. Những thứ đó, một người phải tự bươn trải thì khó hơn nhiều. Có lần quãng năm 2003-04, tôi đến Grenoble đọc một series mấy báo cáo, chủ yếu về các kết quả tôi làm từ quãng năm 1994-95 cộng thêm mấy kết quả mới. Ông Bernard Malgrange (một nhà toán học lớn của Pháp) hỏi tôi đăng ở đâu chưa, tôi trả lời đăng gần chục năm nay rồi, ông ấy ngạc nhiên lắm. Kết quả có tốt, có đăng lâu rồi nhưng không được quảng cáo thì cũng ít ai biết đến.
Tôi cũng nhận ra là “không thầy đố mày làm nên”, nhưng chót “lỡ thì” sau một thời gian không có thầy bà, nên về sau không có được thầy nữa, mà xung quanh chỉ có các đồng nghiệp không vượt trội hẳn lên để làm thầy của mình. Đấy là điều tôi dùng để “tự an ủi” vì sao mình khó làm được cái gì to tát, tuy tất nhiên lỗi chính thuộc về tôi. Bây giờ, sau khi đã “gỡ được phần lớn các gánh nặng”, không còn bận tâm mấy chuyện kinh tế, tôi có thể sẽ cố tập trung hơn để làm gì đó, tuy rằng có được gì hay không thì vẫn là “người tính không bằng trời tính”, và khi không bận tâm về kinh tế của bản thân thì lại có nhiều vấn đề xã hội khiến tôi bận tâm. Nhưng các bạn trẻ nào có hoài bão tham vọng lớn trong khoa học rất nên chú ý chuyện chọn thầy, hãy cố tìm cho mình người thầy tốt nhất có thể.
Thời ở Montpellier, tôi ngồi cùng phòng làm việc với một ông bạn, là ông Jean-Paul Dufour. Ông Dufour rủ tôi làm chung về kỳ dị của các đa tạp Poisson, và trong nhiều năm, kể cả khi tôi đã rời khỏi ở Monpellier, có hợp tác với ông Dufour trong lĩnh vực này, và có viết chung một quyển sách về đề tài này đăng ở Birkhauser trong series “Progress in Mathematics”. Trong những năm 2000, tôi trở thành một chuyên gia trong một chuyên ngành toán học nhỏ gọi là “hình học Poisson”, và có tham gia hội đồng khoa học và hội đồng tư vấn cho các hội nghị quốc tế về lĩnh vực này. Qua đó tôi có làm quen và trao đổi với nhiều nhà toán học khác trên thế giới, ví dụ như Alan Weinstein (ông này là trưởng khoa toán ở Đại học Berkeley một số năm trước), Victor Guillemin (ở MIT), Tudor Ratiu (ở EPFL), v.v.
Hồi năm 2003, tôi có chứng minh được một giả thuyết của Weinstein về chuyện các “proper Lie groupoid” đều có thể tuyến tính hóa địa phương. Ông Weinstein và một số bạn bè rất thích kết quả này. Ông ấy bảo “cậu có thể gửi đặng tạp chí loại tốt nhất, ví dụ như Annals cũng được”. Sau một hồi suy nghĩ, tôi quyết định gửi đăng Journal AMS. Bài báo nhận được rất nhiều phản biện “positive”, nhưng cuối cùng vẫn bị ban biên tập gạt đi không cho đăng, với một lý do kỳ quái là do có 1 phản biện ghi là “về ứng dụng thì không rõ sẽ có ứng dụng gì”. Tôi cũng không rõ phản biện đó đòi hỏi phải có ứng dụng kiểu gì, vì vấn đề của bài báo là một trong các câu hỏi rất tự nhiên của lý thuyết, và liên quan ngay đến một số thứ khác như là lý thuyết biểu diễn của các proper groupoids, và các “proper stacks”. Có thể ông ta đòi ứng dụng như là toán ứng dụng trong công nghiệp chẳng hạn. Dù lý do gì chăng nữa, thì bài báo không được đăng, khiến không chỉ tôi mà khá nhiều người ngạc nhiên. Tôi đành gửi bài báo đó về tạp chỉ Ann. ENS của Pháp và được nhận đăng ngay ở đó.
Chuyện bài báo bị từ chối là chuyện khá thường tình trong toán học. Nhiều khi do thiên kiến, cảm tính, hay chính sách này nọ, v.v.. Kể cả các bài rất tốt vẫn có thể bị từ chối, trong khi bài không tốt bằng có thể được nhận đăng, và cũng có khi bài bị từ chối chẳng qua là do viết ẩu, và tất nhiên có khi cũng là do bài chán thật. Bởi vậy các bạn trẻ đừng nản chí nếu bài báo bị từ chối. Bản thân tôi cho đến bây giờ vẫn có các bài bị từ chối. Thậm chí có ông biên tập tạp chí trong 2 ngày gửi tôi liền hai thư, thư đầu là để từ chối 1 bài tôi gửi, thư thứ hai là để yêu cầu tôi làm phản biện cho bài khác gửi cùng tạp chí! Lại nói chuyện bị từ chối, kết quả “trời cho” mà tôi nghĩ ra khi dạy cao học năm 2000, tôi viết thành một bài báo gửi đăng tạp chí Math Annalen, và cũng bị từ chối. Tôi bực lắm, nghĩ kết quả của mình thú vị thế này, tốt hơn mấy kết quả trước đó được đăng ở những nơi rất tử tế, và chứa cả một cách nhìn mới về dạng chuẩn địa phương, mà sao họ không nhận. Tôi bèn viết lại cẩn thận hơn, và gửi đăng Annals of Maths, thế là được Annals nhận đăng.
Làm khoa học ra được kết quả đã là việc vất vả, làm xong rồi lại phải gắng sức đi quảng cáo cho kết quả của mình cũng là việc rất vất vả, trừ khi mình là học trò của ông X ông Y nào to tướng đã quảng cáo hộ mình rồi. Trong khi đó, học trò ông X ông Y viết ra bài “lăng nhăng” có khi cũng được đăng ở Inventiones. Đời luôn có những bất công như vậy, không chỉ trong cuộc sống hàng ngày có bất công, mà trong toán cũng có thể có, các bạn trẻ nên biết trước để khỏi bị sốc khi gặp phải. Đối với tôi hiện tại, việc đăng được bài báo ở đâu đó không còn mấy quan trọng nữa, có hay không có không thay đổi gì mấy. Có những bài tôi viết ra lâu rồi, để trên arxiv mà không gửi đăng ở đâu cả. Tuy nhiên, đối với các nghiên cứu sinh và các nhà khoa học trẻ đang cần được thăng tiến, thì nên nhằm hướng đến đăng tại các tạp chí tốt nhất có thể.
Kể cả khi đã thành GS, tôi vẫn bị cái số “vừa làm kỹ sư vừa đi bán thịt bò” chi phối. Vào cuối năm 2007 đầu năm 2008, tôi có làm về lĩnh vực tài chính cho một công ty trong một thời gian, với một mức lương khá tốt và thêm nhiều hứa hẹn này nọ, nếu tốt đẹp thì tôi có thể xin trường cho tạm nghỉ việc vài năm để chuyên tâm vào lĩnh vực đó. Nhưng “ở trong chăn mới biết chăn có rận”, làm vài tháng là tôi thấy có quá nhiều vấn đề, và đặc biệt là “rủi ro về mặt đạo đức”, nên cuối cùng cái chân “giáo khổ trường công” vẫn là “nghèo nhưng mà sang”, là chỗ dựa an toàn của mình. Thực ra thì công việc làm GS không có gì đáng phàn nàn: nếu không quá bận tâm vấn đề kinh tế, thì việc dạy học không đến nỗi vất vả, và ngoài ra còn có nhiều thời gian tự do để nghiên cứu hay làm cái mình thích. Sau nhiều năm leo qua các bậc lương và trở thành “giáo sư hạng nhất”, lương của tôi bây giờ cũng không đến nỗi nào, có thể sống được mà không suốt ngày lo ngay ngáy về tiền nong, có thể thanh thản hơn.
Do quan tâm nhiều đến thị trường tài chính, mà tôi dần dần tìm hiểu nhiều về lĩnh vực toán tài chính, và nhận ra được một điều rằng đây là lĩnh vực ứng dụng rất quan trọng của toán, mà ở Viêt Nam đang rất thiếu. Đặc biệt trong bảo hiểm và quản lý rủi ro tài chính. Phần lớn các khủng hoảng tài chính là do yếu tố quản lý rủi ro không được coi trọng. Sự coi thường rủi ro đó tất nhiên có nhiều nguyên nhân, ví dụ như người quản lý tiền càng ôm nhiều rủi ro lại càng có lợi cho anh ta (và thiệt cho tiền mà anh ta quản lý). Tất cả những thứ đó đều có thể được mô hình hóa và giải quyết bằng các công cụ toán học. Bởi vậy tôi muốn góp phần vào việc phát triển ngành này ở Việt Nam, đem lại một trong các ứng dụng thực tiễn của toán học cho Việt Nam. Toán học rất quan trọng, nhưng nó chỉ thực sự quan trọng khi chúng ta biết cách ứng dụng nó.
Ngày nay thì tôi quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề về tổ chức và thể chế của xã hội, và các vấn đề về giáo dục. Sau gần 40 năm thống nhất đất nước, mà Việt Nam bị tụt hậu so với các nước xung quanh (Hàn Quốc, Đài Loan, v.v. sau 40 năm như vậy là họ đã vươn lên từ nước nghèo thành nước phát triển), không thể đổ tội cho “ngoại cảnh” được nữa, mà lỗi chính nằm ở đường lối sai lầm. Cần có những cải cách cơ bản về thể chế mới có thể phát triển tốt được. Trong lĩnh vực giáo dục nói riêng, tôi cũng thấy có rất nhiều điều cần thay đổi.
Hồi năm 2006-2007 tôi có làm phó viện trưởng phân Viện toán cơ bản (gồm quãng 60 biên chế, trong đó 20 giáo sư, với thêm khoảng 40 phụ giảng và nghiên cứu sinh) thuộc Viện Toán Toulouse (Viện Toán Toulouse có 3 phân viện: toán cơ bản, xác suất thống kê, và toán cho công nghiệp, tổng cộng gần 200 người, không kể phụ giảng và nghiên cứu sinh). Sau đó do bận việc khác nên tôi xin thôi không tham gia làm quản lý nữa. Từ 01/2013 thì tôi sẽ lại làm viện trưởng của Phân viện Toán cơ bản ở Toulouse. Việc làm quản lý này sẽ mất nhiều thời giờ, nhưng là một việc làm đóng góp cần thiết cho tập thể. Hơn nữa, khi tham gia làm quản lý, tôi hy vọng các đề xuất cải cách của mình sẽ được chú ý lắng nghe hơn.
Con trai đầu của tôi năm nay đã vào học ở ENS Paris, được nhận lương tập sự của chính phủ, cũng là một niềm vui, và có thể coi là từ nay nó đã độc lập được về tài chính, không còn cần nhờ đến bố mẹ nữa. Con gái thì đang học lớp 9. Cuộc sống ở Toulouse rất thanh bình.
Toulouse, 11/2012.
 http://zung.zetamu.net/2012/11/blacksheep/comment-page-5/#comment-67525

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chân dung người phụ nữ thứ 2 trên thế giới giật giải 'Nobel Toán học'

Coi chừng khoa học thuộc địa kiểu mới!