Không có khát vọng lớn, nhiều người Việt "quẩn quanh sau lũy tre làng"

(GDVN) - "Nhìn nhận thực tế, người Việt Nam vẫn chưa có những tư tưởng và khát vọng lớn. Chúng ta vẫn đang loanh quanh trong lũy tre làng mà chúng ta tưởng rằng chúng ta đã thoát ra được từ mấy chục năm trước. Đó là một trong những khuyết điểm lớn nhất của người Việt...", độc giả Lê Xuân Hải viết.


Truyện xưa kể rằng, vua Sở một lần đi săn làm rơi mất cây cung báu. Người hầu xin vua dừng xe lại để đi tìm nhưng vua Sở gạt đi và nói “Vua Sở đánh mất cung, người nước Sở lại nhặt được cung, thế thì cây cung không mất”. Khổng Tử biết được chuyện này than rằng “Tiếc cho cái chí vua Sở không được lớn. Nếu nói rằng ta đánh rơi cung, người thiên hạ lại nhặt được cung thì có phải là tốt hơn không”.

Một câu chuyện rất nhỏ của lịch sử nhưng lại đề cập đến một vấn đề rất lớn của mỗi con người cũng như của mỗi dân tộc: Vấn đề tư tưởng.

Thật vậy, một dân tộc mạnh trước hết phải là một dân tộc mạnh từ trong tư tưởng. Nghĩa là dân tộc đó phải chứa đựng trong lòng mình những tư tưởng, những khát vọng lớn lao, muốn vươn lên chinh phục thế giới bằng sức mạnh trí tuệ và bản lĩnh riêng có của mình. Nước ta đã trải qua 4.000 năm lịch sử, nhưng chúng ta chưa bao giờ là một “người khổng lồ” của thế giới, bởi chúng ta chưa từng có những tư tưởng vĩ đại
Nói lên khát vọng của người Việt xưa, ca dao có câu:

“Tháng năm ta có lúa chiêm
Tháng mười ta lại có thêm lúa mùa
Nếu ăn không hết còn thừa
Bán mua áo mặc là vừa ấm no”

Ảnh minh họa,

Bài ca dao đã nói lên khát vọng của người Việt Nam, một khát vọng hết sức bình dị và thiết thực: Có được một cuộc sống ấm no, đầy đủ. Nhưng đó cũng là một khát vọng rất nhỏ bé, thể hiện tâm lí “tiểu nông” từ lâu đã ăn sâu vào máu của người Việt: Tâm lí “cầu an”, “cầu nhàn”. Trong đó hoàn toàn không có chỗ cho những ước vọng lớn lao, những tư tưởng vĩ đại về kinh tế, chính trị, lãnh thổ… Chính tâm lí đó đã làm cho người Việt mắc bệnh “tự thỏa mãn” dẫn đến sự trì trệ trong ý thức làm đất nước chậm phát triển.

Trong chúng ta nhiều người nhầm tưởng rằng cùng với sự đi lên của đất nước sau hàng chục năm đổi mới, tâm lí đó đã biến mất. Nhưng không nó vẫn đang tồn tại và  ngày càng phát triển.

Nhìn vào thực tiễn sẽ nhận thấy, với người lao động bình thường: nông dân, công nhân, thương nhân,... mơ ước về một cuộc sống đủ ăn, đủ tiêu, có chút dư giả vẫn là mục tiêu theo đuổi suốt đời của họ. Còn với những trí thức tương lai của đất nước (những học sinh, sinh viên) mong muốn của họ là kiếm được mảnh bằng để ra đời tìm được công việc với đồng lương đủ sống.

Tất nhiên đất nước ta vẫn có những con người có khát vọng và tư tưởng lớn như Ngô Bảo Châu, Phạm Nhật Vượng, Đặng Lê Nguyên Vũ… nhưng số những người như vậy là rất ít ỏi, không đủ sức đại diện cho sức mạnh và thế đi lên của cả một dân tộc.

Nhìn nhận thực tế, người Việt Nam vẫn chưa có những tư tưởng và khát vọng lớn. Chúng ta vẫn đang loay quanh trong lũy tre làng mà chúng ta tưởng rằng chúng ta đã thoát ra được từ mấy chục năm trước. Đó là một trong những khuyết điểm lớn nhất và quan trọng nhất của người Việt. Bởi suy cho cùng, tư tưởng là ngọn đèn chỉ đường, là yếu tố nội lực thúc đẩy con người đi lên phía trước và gặt hái thành công.

Nhà văn, nhà triết học Đi–đơ–rô từng nói “Anh sẽ không làm được gì nếu không có mục đích, anh cũng sẽ không làm được gì vĩ đại nếu mục đích của anh tầm thường”. Nếu chúng ta cứ mãi chỉ có những “mục đích tầm thường” chúng ta sẽ không bao giờ “lớn lên” được.

Khi xem xét những yếu tố nội tại ảnh hưởng tới tư tưởng, khát vọng lớn của con người và lớn hơn là một dân tộc, có thể nhận thấy tinh thần dân tộc, ý thức tự cường, tự hào, tự tôn dân tộc đóng một vai trò quan trọng.

Chúng ta vẫn thường nhận thấy người Việt Nam rất có lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nhưng thực tế đã cho thấy người Việt cũng mắc “bệnh tự ti dân tộc” nữa. Người viết bài này đã từng gặp không ít trường hợp (có những trường hợp là trí thức có tầm cỡ) thường đem Việt Nam ra so sánh với các nước Âu Mỹ phát triển và cuối cùng đi tới một kết luận giống nhau: Ca ngợi nước ngoài và châm biếm, chê bai nước mình lạc hậu.

Đây là một trong những biểu hiện của bệnh “tự ti dân tộc” và biểu hiện của sự thiếu lòng tin vào dân tộc mình. Những người “mắc bệnh” này thường bi quan về tương lai phát triển của đất nước cũng như có cái nhìn tiêu cực với những vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội. Họ không nhìn thấy những điểm mạnh của dân tộc và khả năng phát huy những điểm mạnh ấy, hoặc giả nhìn thấy thì họ cũng không tin rằng những điểm mạnh đó có thể mang lại thành công cho đất nước.

Đó là một khuyết điểm “chết người” của người Việt. Bởi niềm tin vào sức mạnh của dân tộc, lòng tự hào, tự tôn dân tộc là căn cốt để tạo nên sức mạnh cho con người và dân tộc Việt Nam. Thiếu đi niềm tin thì chẳng khác gì cây không có rễ, sông không có nguồn, không thể nào tồn tại độc lập được chứ đừng nói gì tới thành công.

Mà niềm tin, lòng tự hào, tự tôn dân tộc của chúng ta là hoàn toàn chính đáng và có cơ sở. Xét như nước chúng ta, đất đai rộng hơn 300 nghìn km², dân đông hơn 90 triệu người, văn hóa có bề dày hàng nghìn năm, lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vô cùng anh hùng. Chúng ta có núi, sông, biển, tài nguyên… nghĩa là có hầu hết những gì mà một quốc gia cần để phát triển. Chúng ta chỉ thiếu con người, hay đúng hơn chúng ta thiếu một những con người có tư tưởng và khát vọng lớn, có lòng tự tôn, tự cường và lòng tin vào sức mạnh của dân tộc. Nếu cả 90 triệu con người Việt Nam đều nhận thức và làm được điều đó thì chúng ta sẽ là vô địch.

Người Việt Nam có những điểm mạnh mà thế giới phải công nhận và kính phục nhưng người Việt Nam cũng có những khuyết điểm mà chúng ta phải tự thừa nhận và khắc phục nó. Người Việt “mạnh” hay “yếu”, điều đó phụ thuộc vào lời nói và hành động của mỗi chúng ta

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chân dung người phụ nữ thứ 2 trên thế giới giật giải 'Nobel Toán học'

Con cừu đen của làng toán Việt

Coi chừng khoa học thuộc địa kiểu mới!