Loạn giáo sư?

GS Nguyễn Văn Tuấn



Liên quan đến việc Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) đòi quyền bổ nhiệm giáo sư, một số người trong giới khoa bảng tỏ ra băn khoăn là nếu các trường đại học có quyền đó thì sẽ dẫn đến tình trạng loạn giáo sư. Tôi nghĩ đây là một quan tâm chính đáng, nhưng có thể quản lí.

Giáo sư là người làm nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Dĩ nhiên, cũng có một số giáo sư làm quản lí trong đại học (như hiệu trưởng, hiệu phó), nhưng số này không nhiều. Hai yếu tố tạo nên tính "chính danh" của giáo sư là tiêu chuẩn học thuật và qui trình bổ nhiệm.

Một người xứng đáng với danh xưng giáo sư phải đáp ứng tiêu chuẩn học thuật. Vì nhiệm vụ là nghiên cứu khoa học và giảng dạy, nên tiêu chuẩn bổ nhiệm phải dựa vào thành tích xuất sắc của hai lĩnh vực đó. TDTU soạn tiêu chuẩn sau khi đã tham khảo tiêu chuẩn của các trường đại học có tiếng bên Mĩ và Úc, và tôi đã cố vấn trực tiếp cho trường. Chẳng hạn như TDTU không chỉ xem xét đến số công trình nghiên cứu, mà còn xét đến chất lượng nghiên cứu, đóng góp cho chuyên ngành, đóng góp cho đất nước, và đóng góp cho nhà trường. Đó là những tiêu chuẩn không có trong bộ tiêu chuẩn của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước.

Tính chính danh của giáo sư còn qua qui trình bổ nhiệm. Giáo sư là người làm khoa học, mà khoa học dựa vào bình duyệt như là một trụ cột. Do đó, qui trình bổ nhiệm của TDTU dựa vào bình duyệt từ đồng nghiệp của ứng viên, một số từ nước ngoài. Đơn của ứng viên sẽ được gửi ra ngoài bình duyệt, kể cả một số đồng nghiệp ở nước ngoài. Dựa vào nhận xét của các chuyên gia, hội đồng học thuật của TDTU sẽ ra quyết định. Do đó, Hội đồng học thuật của TDTU chỉ đóng vai trò trung gian trong qui trình bổ nhiệm. TDTU sẽ không sử dụng cơ chế bỏ phiếu kín như Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước. Cơ chế bỏ phiếu kín không mang tính khoa học, mà còn là cơ hội cho việc "chạy chức", vốn rất tai tiếng hiện nay.


Do đó, với một qui trình minh bạch và tiêu chuẩn khách quan & khoa học, thì không có chuyện "loạn" giáo sư. Nếu ứng viên đáp ứng tiêu chuẩn học thuật và qui trình bổ nhiệm minh bạch thì làm sao có thể nói là "loạn được? Có thể nói rằng trong bối cảnh hiện nay, khái niệm "loạn" giáo sư chỉ là một cái cớ để ngăn chận cải cách trong việc bổ nhiệm giáo sư ở các đại học.

Thế nào là loạn giáo sư? Nếu những người đáp ứng tiêu chuẩn của một giáo sư nhưng bị Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước bỏ phiếu rớt, thì đó có phải là tín hiệu cho thấy qui trình có vấn đề không? Nếu những người không xứng đáng và không đạt chuẩn giáo sư, nhưng lại được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước bỏ phiếu công nhận, thì rõ ràng là qui trình có vấn đề. Trong thực tế thì quả thật qui trình phong chức danh giáo sư theo kiểu tập trung hiện nay có vấn đề -- rất nhiều vấn đề. Trong thực tế thì hiện nay đã có tình trạng loạn giáo sư. Loạn là vì có nhiều người được phong chức danh giáo sư mà không trực tiếp làm nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Tôi có cảm giác những người đang phát biểu về loạn giáo sư chính là những người cảm thấy thiếu tự tin vì họ tự cảm thấy không đáp ứng tiêu chuẩn giáo sư của TDTU.

Tóm lại, Tính chính danh của giáo sư được xác định qua qui trình bổ nhiệm và tiêu chuẩn học thuật. Do đó, nếu qui trình bổ nhiệm và tiêu chuẩn học thuật tốt thì chúng ta không sợ có tình trạng "loạn" giáo sư. Bổ nhiệm giáo sư cũng là một cách ghi nhận đóng góp của ứng viên cho khoa học và giáo dục. Thật là không thuyết phục khi có người sử dụng cái cớ "loạn" giáo sư để không công nhận những giảng viên Việt Nam xứng đáng chức giáo sư.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chân dung người phụ nữ thứ 2 trên thế giới giật giải 'Nobel Toán học'

Con cừu đen của làng toán Việt

Coi chừng khoa học thuộc địa kiểu mới!