Cử nhân sư phạm – Chúng tôi biết đi về đâu?

Lời bình. Đây cũng là thực trạng chung của hầu hết các ngành, từ kinh tế, tài chính, báo chí, văn hóa,... chứ không riêng gì ngành sư phạm. Số lượng biên chế của hầu hết các cơ quan nhà nước hầu như đã đủ và có khi còn dư thừa vì vậy các bạn cần phải tỉnh táo lựa chọn cho mình những hướng đi phù hợp cho tương lai. Nếu có tài, các bạn sẽ chọn lại cho mình một hướng đi khác phù hợp hơn.

Theo Báo giáo dục

(GDVN) - Kết thúc 4 năm Đại học không ít bạn phải cười ra nước mắt, hạnh phúc vì đã hoàn thành khóa học, nhưng cũng rơi nước mắt khi thiết nghĩ về tương lai.


Bài viết của tác giả Bùi Mai là trải lòng của một cử nhân Sư phạm hạnh phúc vì được cầm tấm bằng đỏ trên tay nhưng cũng rơi nước mắt khi thiết nghĩ về tương lai.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả

Tương lai rồi sẽ đi về đâu? Con số 35.000 cử nhân Sư phạm ra trường chưa có việc làm vào năm 2014, cộng thêm số lượng sinh viên tốt nghiệp năm 2015. Cơ hội bao giờ mới đến?

Trường Sư Phạm Hà Nội là một trong những trường mà ở đó sinh viên được nhận bằng Tốt nghiệp sớm nhất. Kết thúc khóa học, ngày 5/6/2015, chúng tôi chính thức Tốt nghiệp. 


Cử nhân Sư phạm Địa lý trường Đại học Sư phạm Hà Nội niên khóa 2011 – 2015 (Ảnh: Bùi Mai)
Sau ngày Tốt nghiệp số đông ở lại Hà Nội với những lý do “chua chát”, người ở lại với mong muốn chờ đợi cơ hội đến bởi ở Hà Nội cũng có một vài trường THCS, THPT tuyển giáo viên hợp đồng, trường quốc tế, trường tư thục…
Nhưng muốn được làm việc ở đó thì phải có người quen giới thiệu, một số trường lại yêu cầu hộ khẩu ở Hà Nội hoặc tốt nghiệp bằng Giỏi trở lên. 

Con số có được may mắn đó rất ít, số sinh viên còn lại cố gắng tìm cho mình một công việc để bám trụ lại đất Thủ Đô, người đi bán hàng, người đi chạy bàn, người đi gia sư, người thì làm trái ngành, trái chuyên môn,…thiết nghĩ quá uổng phí, suốt 4 năm học hao phí của gia đình bao tiền của, phí tổn đào tạo mất bao nhiêu…để rồi họ ra làm những công việc mà bất kì công dân nào không cần đào tạo cũng làm được. 

Không ít những người bạn của tôi họ đã phải khóc, khóc vì thương bố mẹ, khóc vì thực tại của xã hội, khóc vì lựa chọn con đường sư phạm là một con đường sai lầm.


Về quê, thực trạng xin việc còn “nghiệt ngã” hơn

Một số sinh viên quyết định về quê xin việc theo nguyện vọng của bố mẹ, hoặc do một lý do nào đó.


Họ vẫn nghĩ rằng ở quê sẽ dễ xin việc hơn, nghĩ rằng tốt nghiệp bằng Giỏi hay bằng Xuất sắc trường Sư Phạm Hà Nội về quê sẽ được ưu tiên, được sắp xếp dạy hợp đồng chờ đợi đợt thi viên chức vào năm 2016.

Tôi sinh ra trên mảnh đất miền núi Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc- một trong những tỉnh sinh viên Sư phạm phải đối mặt với tình trạng chưa có việc làm giống như bao sinh viên các tỉnh khác. 

Tôi trở về quê với nguyện vọng xin dạy hợp đồng ở một trường cấp 2 hoặc cấp 3 nào đó trong huyện để nuôi dưỡng kiến thức, trau dồi kinh nghiệm cho kì thi viên chức năm sau. 

Thực tế vốn không còn màu hồng như tôi từng nghĩ, bởi việc xin dạy hợp đồng ở quê bây giờ quá khó khăn.


Không phải ai ra trường cũng xin được hợp đồng ngay, xin được hay không, trường gần hay xa còn phụ thuộc vào mức độ “thân quen” với “ông này”, “bà nọ”. 

Người bình thường nếu nói để xin gặp vị Hiệu trưởng của một trường cấp 3 nào đó quả thực là không thể nếu không quen ông nào to to, có “máu mặt” trong  huyện là họ không tiếp. Cho nên phải có quan hệ, rồi gọi điện thưa trước:“Em là cháu, là con ông này, bà kia, mong thầy bớt chút thời gian cho phép em được gặp thầy…” thì họ mới đồng ý gặp mình. 

Gặp là một chuyện còn có xin được hay không lại là chuyện khác, họ có vô vàn lý do để “đẩy” mình ra. 

Tôi nhờ một người quen hỏi thầy Hiệu trưởng một trường cấp 3 trong huyện nơi tôi sinh ra nhưng được thầy trả lời thẳng: “Tiếc cho em quá, năm nay nhà tôi cũng có 2 đứa cháu xin đúng vào môn này…”.  Chua chát, cay đắng, nhưng rồi tôi cũng đành ngậm ngùi chấp nhận. 

May mắn thay người anh họ của tôi quen cô Hiệu trưởng trường cấp 3 ở một huyện lân cận. Ngày đến nộp hồ sơ họ không cần biết hồ sơ của tôi có những gì, tôi tốt nghiệp trường nào, môn nào và được bằng gì, họ không cần biết chỉ biết là vì cả nể, vì quen nên họ nhận tôi. 

Mong muốn một lần thi công bằng dù chỉ là thi để được làm giáo viên hợp đồng, nhưng có lẽ là không có điều đó.


Tốt nghiệp bằng Giỏi của một trường đào tạo hàng đầu về Sư Phạm cũng không quan trọng, thậm chí còn không bằng những người tốt nghiệp Trung bình của một trường bình thường nếu như họ có người thân quen làm trong ngành. Thực trạng này cứ tiếp tục diễn ra thì đến bao giờ giáo dục mới có chất lượng đây?

Những cử nhân mới tốt nghiệp như tôi tha thiết kính mong có được sự công bằng trong cuộc sống, kính mong Phòng Giáo dục huyện Lập Thạch, Sở Giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc cũng như các Phòng, Sở Giáo dục của những địa phương, tỉnh thành khác cùng vào cuộc để tháo gỡ bài toán “thất nghiệp” cho cử nhân ngành Sư phạm, hãy cho chúng tôi được bước tiếp trên con đường mơ ước của mình!


Bài đăng phổ biến từ blog này

Chân dung người phụ nữ thứ 2 trên thế giới giật giải 'Nobel Toán học'

Con cừu đen của làng toán Việt

Coi chừng khoa học thuộc địa kiểu mới!