Vì sao học sinh không tự học?
(LĐCT)-TS. Giáp Văn Dương
Khi vào đại học, tôi được các thầy và các anh
chị đi trước nhắc rằng: Đại học khác với phổ thông, đại học là phải tự
học. Ở đại học, các thầy chỉ hướng dẫn cách học, còn kiến thức phải do
sinh viên tự học.
Sau một thời gian thì tôi nhận ra rằng, đại học đúng là tự học. Nhưng
sự thực là giáo dục đại học đã không được triển khai theo hướng đó.
Phần lớn các thầy không biết cách tự học đúng nghĩa, vì thế không thể
dạy theo cách để sinh viên tự học. Các kỳ thi trong nhà trường cũng
không khuyến khích sinh viên học theo hướng tự học này. Việc học thuộc,
học tủ vẫn là phổ biến ở trong đại học. Vì thế, với đa số, đại học chỉ
đơn thuần là sự nối dài của bậc trung học. Đại học chỉ là trường phổ
thông cấp bốn.
Tôi là một trong số ít sinh viên dành thời gian và có đôi chút ý thức
về tự học. Khi đó, tôi hiểu ra rằng: Đại học là tự học, nhưng tự học
lớn hơn đại học. Tôi khi đó cũng hiểu ra rằng, việc tự học lẽ ra phải
được triển khai ở các bậc học thấp hơn, xuống đến tiểu học, thay vì phải
chờ đến tận bậc đại học.
Tiếc rằng, việc tự học đúng nghĩa ở phổ thông gần như bị quên lãng
hoàn toàn, bởi cả học sinh và các nhà giáo. Tự học ở bậc phổ thông chỉ
được hiểu theo nghĩa giản đơn là học sinh ngồi làm bài tập một mình ở
nhà khi không có thầy giáo hoặc gia sư ở bên cạnh. Tự học theo nghĩa tự
mình khám phá những chân trời tri thức mới, tự do và tự giác, hoàn toàn
xa lạ với phần lớn học sinh phổ thông. Nếu có ai đó khuyên học sinh phổ
thông phải tự học thì đó chỉ là lời khuyên được chăng hay chớ của một
vài người có kinh nghiệm đi trước, rồi cuối cùng cũng bị quên lãng hoặc
bị cuốn phăng đi bởi guồng học và thi theo chương trình bắt buộc của nhà
trường.
Nhưng trước khi đi vào câu hỏi làm thế nào để học sinh tự học, thì
cần phải trả lời một câu hỏi khác: Có cần thiết phải để học sinh tự học?
Trên sân hay trên khán đài?
Nếu để tâm một chút ta sẽ thấy, học sinh khi học hết bậc tiểu học
ngày nay đã uyên bác hơn hầu hết các nhà bác học thời cổ và trung đại.
Những kiến thức về Toán, Khoa học tự nhiên và xã hội được trang bị cho
học sinh tiểu học vượt xa túi khôn của các nhà bác học thời đó nhiều
lần. Với học sinh trung học phổ thông thì kiến thức mà họ được trang bị
lại càng hùng hậu nữa. Nhưng dù được trang bị lượng kiến thức nhiều như
vậy, những học sinh này sử dụng kiến thức rất kém hiệu quả. Rất nhiều
sinh viên tốt nghiệp đại học còn không có khả năng viết một lá thư chỉn
chu hay một mẫu đơn từ chuẩn tắc. Vì sao như vậy?
Vì một lẽ đơn giản: Kiến thức mà các học giả khám phá ra, dù nhỏ nhoi
thì đó cũng là kiến thức thật, do họ làm ra hoặc tìm ra. Đó là thứ kiến
thức của thu được từ những trải nghiệm thật, lao động thật, của người ở
"trên sân". Còn kiến thức mà các học sinh được học trên ghế nhà trường,
dù được nhồi nhét đến mức thuộc như cháo chảy, thì đó vẫn là kiến thức
của người khác. Đó là thứ kiến thức thu được từ những trải nghiệm của
người khác, người ở trên "khán đài".
Trải nghiệm ở "trên sân" và trên "khán đài" là hai loại trải nghiệm
hoàn toàn khác nhau, vì thế mà thứ kiến thức mà họ thu được cũng có chất
lượng và độ hữu dụng khác nhau một trời một vực. Một bên thì là kiến
thức thực, kỹ năng thực đầy sống động, còn một bên thì chỉ là những cái
vỏ khái niệm, hoặc một mớ chữ nghĩa không hồn.
Có thể minh họa việc này bằng hình ảnh một trận bóng đá. Những người
xem bóng đá từ trên khán đài sẽ có những trải nghiệm hoàn toàn khác so
với trải nghiệm của những người đá trên sân. Trải nghiệm của người ngồi
trên khán đài sẽ chỉ dừng lại ở sự quan sát, mô tả, giải thích, tìm
nguyên nhân… của những điều diễn ra trên sân bóng, chứ không phải là
trải nghiệm thực của cầu thủ đang đá bóng.
Trong việc học, chính sự trải nghiệm, chứ không phải là nội dung của
những bài học, sẽ mang lại kiến thức, kỹ năng và giá trị sống cho người
học. Tiếc thay, nền giáo dục hiện thời đã được thiết kế để người học
ngồi trên khán đài, thay vì xuống sân thông qua việc tự học hoặc thông
qua thực hành, để học.
Nhiệm vụ cao nhất của một nền giáo dục là giúp người học trưởng thành
thông qua trải nghiệm. Tự học là công cụ tốt nhất và rẻ nhất để có được
trải nghiệm đó. Vì thế, tự học là một trong những yếu tố quan trọng
nhất của giáo dục. Tự học cũng giúp người học vươn xa hơn khỏi nhà
trường, khi biết cách tìm kiếm tri thức thông qua trải nghiệm từ thiên
nhiên, xã hội xung quanh, hoặc mạng Internet.
Với sự tăng trưởng không ngừng của thông tin và tri thức thì suy cho
cùng, nhiệm vụ quan trọng nhất của một nền giáo dục không phải là dạy
người ta kiến thức, mà là dạy người ta cách tự học. Nhưng cả học sinh và
nhà giáo hiện nay vẫn không thể thực hiện việc tự học hiệu quả.
Đâu là lý do?
Lý do đầu tiên có thể thấy ngay là học sinh không tự học vì những
người thầy không biết cách tự học, do đó không biết cách dạy học sinh tự
học. Mỗi người thầy có tuổi đời làm việc từ 30 - 40 năm, nên chỉ cần
một thế hệ không biết cách tự học, vì nhiều lý do như không có sách vở,
hoặc không được phép vì bị kiểm soát, thì mấy chục thế hệ học trò sau đó
sẽ chịu cùng hậu quả. Những học trò này lớn lên, trở thành thầy, sẽ
tiếp nối quán tính đó, hình thành một vòng xoáy rất khó thoát.
Lý do thứ hai là vì chương trình và cách dạy ở nhà trường hiện nay
không khuyến khích việc tự học. Chương trình được thiết kế hàn lâm giả
tạo, đặc kín, rất ít hở không còn thời gian để học sinh tự học. Cách tổ
chức kiểm tra thi cử cũng không khuyến khích việc tự học. Học ở nhà
trường giờ chỉ còn đơn giản là học để thi. Kết quả là học sinh chỉ biết,
và chỉ cần, học thuộc cho an toàn. Vừa dễ, lại vừa lòng tất cả, dù thi
xong lại phải quên ngay lập tức dành đầu óc học thứ khác.
Nếu có học sinh chăm chỉ nào tìm ra chút thời gian ít ỏi còn lại để
tự học, thì việc này cũng khó khả thi, vì sách giáo khoa hiện thời được
viết để phục vụ cái học từ chương, chứ không phải để dùng cho việc tự
học.
Nếu học sinh nào vì ham thích và được gia đình tạo điều kiện để tham
khảo thêm những sách vở bên ngoài, thì những sách tham khảo này cũng
không có chỗ đứng trong nhà trường, vì chương trình học hiện thời không
có các dự án làm việc nhóm, khảo cứu tư liệu hoặc những nghiên cứu nhỏ,
vì thế học sinh không có động lực để sử dụng các loại sách tham khảo
này.
Lý do thứ ba là trong trường hợp học sinh vượt qua được tất cả các
khó khăn giương ra từ phía nhà trường để tự học, thì có một thực tế khác
cũng lạnh chát không kém, là số lượng sách vở hoặc các tài nguyên học
tập có chất lượng để học sinh tự học còn quá ít. Đi vào các nhà sách
lớn, chỉ các sách giải trí, còn sách khoa học và sách giáo dục thì chỉ
loáng thoáng, với chất lượng phần lớn là rất thấp. Trong hoàn cảnh đó,
tự học do sự cuốn hút của sách vở rất khó xảy ra. Học sinh sẽ gắn chặt
với các sách giải trí như truyện tranh, chứ không phải là các sách tham
khảo giúp các em tự học.
Lý do thứ tư, và chưa phải là lý do cuối cùng, là văn hóa tự học của
người Việt còn rất yếu. Trải qua bao đời, nếu xưa học theo kiểu tầm
chương trích cú với hy vọng thi cử để làm quan, thì nay lại học để thi,
để lấy thành tích, thì tự học để có kiến thức thực vẫn là điều xa lạ. Sự
kiểm soát chặt chẽ, có ý thức hoặc vô thức, từ trong nhà đến các cơ
quan công quyền, trong việc hạn chế xuất bản và nội dung học tập, càng
làm cho tinh thần tự học trở nên lụn bại. Vì những lẽ đó, tự học vẫn còn
là một con đường gian nan mà nếu không quyết đoán dấn bước thì không
biết khi nào mới đến đích.