Alexander Grothendieck (1928-2014), một thiên tài kì dị
Theo bài viết của GS Nguyễn Tiến Zũng, Toulouse
Alexander Grothendieck sinh ngày 28/03/1928 tại Berlin trong một gia
đình người Đức theo đạo Tin lành. Mẹ của ông là bà Johanna “Hanka”
Grothendieck (1900-1957), là một nhà báo hay viết cho các báo cánh tả,
và đồng thời có viết văn. Chồng của bà lúc đó là ông Johannes Gaddatz,
cũng là một nhà báo, và bà Hanka đã có một con gái tên là Maidi với
người chồng đó trước khi sinh Alexander. Đến năm 1929 thì bà Hanka li dị
chồng, chuyển đến ở với người tình là ông Sasha Shapiro (1890-1942),
chính là bố của Alexander. Khi mới sinh ra thì ông Grothendieck mang tên
Alexander Gaddatz, nhưng sau đó chuyển sang mang họ mẹ.
Ông Sasha Shapiro, bố của Grothendieck, còn có tên là Alexandre
Taranoff, và là một nhà cách mạng nổi tiếng người Nga-Ukraina gốc Do
Thái theo hướng cánh tả vô chính phủ (anarchy). Shapiro từng bị kết án
tử hình hai lần ở Nga. Lần đầu tiên là vào năm 1907, sau khi tham gia
cuộc khởi nghĩa lật đổ Sa Hoàng không thành vào năm 1905. Nhóm khởi
nghĩa của ông rút vào rừng kháng cự được thêm 2 năm thì bị bắt và toàn
bộ nhóm bị kết án tử hình. Hầu hết mọi người trong nhóm bị bắn, nhưng
ông lúc đó chưa đến tuổi thành niên nên cuối cùng không bị bắn mà bị
tống đi tù. Sau gần 10 năm trong tù, ông mới được thả ra, và lại lập tức
trở thành lãnh thủ lĩnh của “Đảng xã hội cách mạng cánh tả” tham gia
vào cuộc Cách mạng Tháng 10 năm 1917. Tên của ông hay được nhắc đến
trong các tài liệu lịch sử về cuộc cách mạng này.
Sau khi Cách mạng Tháng 10 thành công thì Shapiro lại trở thành kẻ
thù của chính quyền Xô viết do bất đồng tư tưởng, và chạy khỏi Liên Xô,
tiếp tục làm cách mạng ở các nước khác như Hungary, Ba Lan. Sau đó ông
lại quay về Ukraina tham gia vào một đội quân chống lại chính quyền
bolshevik. Ở đây ông lại bị bắt và bị kết án tử hình, nhưng sau đó trốn
thoát được, chạy sang Ba Lan, rồi sang Bỉ, rồi sang Pháp. Trong những
năm 1920, ông sang làm cách mạng ở Đức, và quen bà Hanka ở đó.
Vào năm 1933, khi Hitler lên nắm quyền ở Đức, ông Shapiro bỏ chạy
sang Paris. Một năm sau, bà Hanka cũng sang Pháp theo Shapiro, gửi
Grothendieck ở lại Hamburg cho một ông mục sư đạo Tin lành nuôi và đi
học ở đó. Bố mẹ của Grothendieck sau đó sang Tây Ban Nha vào năm 1936 để
tham dự vào cuộc nội chiến ở nước này. Vào quãng năm 1938, tình hình ở
Đức ngày càng trở nên căng thẳng đối với người Do Thái, ông mục sư không
đảm bảo an toàn cho cậu bé Alexander có bố là Do Thái được nữa, nên đã
cho cậu lên tàu hỏa sang Paris đoàn tụ lại với bà mẹ. Còn chị của
Grothendieck là Maidi thì vẫn ở lại Đức, về sau sống sót qua chiến tranh
thế giới lần thứ hai, rồi chuyển sang sống ở Mỹ. Ông Grothendieck về
sau hầu như không có liên lạc gì với người chị này.
Nội chiến Tây Ban Nha kết thúc vào năm 1939, ông Shapiro quay lại
Pháp. Nhưng trong con mắt chính quyền Pháp lúc đó, ông là một phần tử
lưu vong nguy hiểm, vừa là Do Thái vừa là cộng sản. Nước Pháp cuối thập
kỷ 1930 đã có trào lưu “nửa phát xít” (tuy không đến mức phát xít như
Đức), ghét cộng sản (đặc biệt là sau hòa ước giữa Đức và Liên Xô) , và
đã quây những trại tập trung từ năm 1937 (nhưng là những trại “khá tử
tế” chứ không tồi tệ và giết người như kiểu trại của Đức) để tống những
người “nguy hiểm” như Shapiro vào đó. Trại tập trung đầu tiên mà Shapiro
bị đưa vào là trại Vernet ở vùng Ariège, nằm trên dãy núi Pyrénées miền
nam nước Pháp. Đến khi về già, Grothendieck chọn vùng Ariège làm nơi ở
ẩn, có lẽ một phần chính vì nhớ về người bố của mình.
Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, ông Shapiro bị chuyển đến
trại tập trung Auschwitz và bị chết ở đó vào năm 1942. Mẹ con ông
Grothendieck thì may mắn hơn. Từ năm 1940 họ cũng bị vào ở trong một
trại tập trung ở vùng Lozère miền nam nước Pháp. Nhưng đây là một trại
dành cho phụ nữ và trẻ em, và điều kiện không quá hà khắc. Trong thời
gian ở trại tập trung, Grothendieck vẫn được đi học tại một trường học
tại thị trấn Mende gần đó.
Vào năm 1945, Grothendieck đỗ tú tài (baccalauréat) và được nhận vào
đại học ngành toán ở thành phố Montpellier. So với Paris thời đó thì Đại
học Montpellier chỉ là một “đại học tỉnh lẻ”, không có người làm nghiên
cứu toán. Ông giáo sư dạy Grothendieck ở Montpellier nói với các học
trò rằng “các vấn đề toán học đã được một người tên là Lebesgue giải
quyết hết rồi, nhưng kiến thức đó quá khó để dạy cho các cậu”.
Grothendieck thì hầu như toàn trốn học vì thấy các bài giảng trên trường
quá chán. Thay vào đó, ông ngồi nhà tự mày mò các thứ. Và ông đã tự mày
mò xây dựng được một phép tính tích phân tổng quát hệt như tích phân
Lebesgue, mà không biết rằng Lebesgue đã tạo ra nó. Theo hồi ký của
Grothendieck, lúc đó thậm chí ông không biết rằng trên thế giới đang có
các nhà toán học nghiên cứu về toán (ngoài ông ra).
Đến năm 1948, Grothendieck tốt nghiệp cử nhân (licence) tại
Montpellier. Sau một cuộc phỏng vấn với một thanh tra giáo dục mà nhiệm
vụ là đi tìm các sinh viên giỏi, Grothendieck được cấp học bổng lên
Paris học tiếp, và được ông thầy của mình ở Montpellier giới thiệu cho
Elie Cartan, là thầy cũ của ông ta. Elie Cartan (1869-1951) là một trong
các trụ cột của nền toán học Pháp cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, nhưng
đến năm 1948 thì ông đã quá già yếu. Thay vào đó có Henri Cartan, là con
trai của ông, đang nổi lên như là trụ cột toán học mới. Thế là khi đến
Paris, Grothendieck đi học với Henri Cartan tại Ecole Normale
Supérieure, một cái nôi của hàng loạt các nhà khoa học lớn của Pháp.
Năm sau đó, Grothendieck được giới thiệu đi Nancy làm nghiên cứu sinh
về giải tích hàm với hai nhà toán học trẻ xuất sắc của Pháp thời đó là
Laurent Schwartz (giải thưởng Fields năm 1950) và Jean Dieudonné. Khi
hai nhà toán học này mới nói chuyện với chàng trai Grothendieck, họ rất
thú vị về sự “điếc không sợ súng” của chàng trai này, và đưa cho anh ta
một danh sách 14 vấn đề mà họ đang vướng mắc, bảo là thích chọn vấn đề
nào để làm thử thì chọn. Họ không thể ngờ rằng, chỉ vài tuần sau, chàng
trai Grothendieck đã giải được một nửa số các vấn đề mà họ đưa ra, bằng
các kỹ thuật rất độc đáo.
Hai ông Schwartz và Dieudonné đều là thành viên của một nhóm các nhà
toán học Pháp mang tên Bourbaki “khét tiếng” do André Weil (1906-1998)
lập ra. Về sau, Grothendieck cũng sẽ trở thành một báo cáo viên “đặc
biệt” của seminar mang tên Bourbaki này: đặc biệt ở chỗ theo nguyên tắc
thông thường thì mỗi người đến đó làm báo cáo khoa học thì phải báo cáo
về kết quả của những người khác mà người đó thấy hay, nhưng riêng
Grothendieck được mời báo cáo về các kết quả của chính Grothendieck, vì
các kết quả đó quá quan trọng mà không có ai khác trình bày được về
chúng tốt hơn ông.
Trong quá trình làm nghiên cứu sinh ở Nancy, Grothendieck kịp làm cho
cô chủ nhà nơi ông ở trọ mang bầu sinh ra một cậu con trai, nhưng sau
đó thì quan hệ giữa hai người chấm dứt. Về sau Grothendieck lấy một bà
vợ tên là Mireille Dufour, đẻ ra ba người con. Nhưng sau đó, vào năm
1972, khi ông sang Mỹ một thời gian, đã mê một cô sinh viên bên đó tên
là Justine Skalba, bỏ bà Mireille để lấy cô Justine và có thêm một người
con với cô này. Ít lâu sau thì cô Justine lại bỏ ông. Tổng cộng
Grothendieck có năm người con [hiện đều còn sống tại thời điểm này] .
Nhưng, cũng như ông bố Shapiro của ông, Grothendieck là một “người cha
luôn vắng mặt”, bỏ mặc con cái cho người khác chăm sóc. Cũng có lúc ông
đã từng “hứng chí” ra tòa đòi quyền nuôi người con đầu tiên của mình,
tuy tất nhiên không được tòa đồng ý.
Các kết quả thời nghiên cứu sinh của Grothendieck được đánh giá là
tương đương với ít nhất 6 luận án tiến sĩ quốc gia thời đó. Luận án
tiến sĩ của ông hoàn thành vào năm 1953, đề tặng bà mẹ Hanka của ông,
được in thành sách vào năm 1955 trong bộ sách “Memoirs of the AMS” của
Hội toán học Mỹ. và trở thành một cột mốc lớn trong lịch sử phát triển
của chuyên ngành giải tích hàm trong toán học, một chuyên ngành quan
trọng cho các ứng dụng trong các lĩnh vực khác như là phương trình vi
phân và đạo hàm riêng, hình học, vật lý toán, v.v. Grothendieck đã đưa
ra và nghiên cứu trong đó các khái niệm cơ bản mà ngày nay các nhà giải
tích toán học phải biết đến, như là không gian hạch, tích tensor topo,
v.v. Có một thiên tài toán học thế kỷ 20 khác là Israel Gelfand
(1913-2009) người Liên Xô, với tầm cỡ ảnh hưởng ngang hàng với
Grothendieck, sau khi được biết về các không gian hạch đã ngay lập tức
tìm ra áp dụng của chúng trong xác suất và vật lý.
Thời đó ở Pháp, hầu như hễ ai có được bằng tiến sĩ là dễ dàng xin
được một chân giáo sư ở đâu đó, trở thành công chức nhà nước. Thế nhưng
đối với Grothendieck thì chuyện kiếm việc ổn định ở Pháp lại khó khăn
hơn, vì ông thuộc thành phần lưu vong không có quốc tịch. Hộ chiếu của
ông thời đó là hộ chiếu tị nạn do Liên Hiệp Quốc cấp. Ông có thể vào
quốc tịch Pháp nhưng không chịu vào vì rất sợ bị bắt đi lính. Những vết
thương lòng từ thời chiến tranh không bao giờ khép lại, đã khiến cho
Grothendieck trở thành một người có tinh thần phản chiến quyết liệt. Đến
tận năm 1971, khi đã ngoài 40 tuổi và yên tâm không phải dính dáng gì
tới quân sự nữa, ông mới chịu nhập quốc tịch Pháp. Bởi khó khăn trong
chuyện xin việc ở Pháp nên Grothendieck đã sang Đại học Sao Paulo
(Brazil) làm việc hai năm 1953-1955, rồi đến Đại học Kansas (Mỹ) một năm
1955-1956, trước khi trở về Pháp nhận chân nghiên cứu viên (thời đó gọi
là “maitre de recherches”) của CNRS (Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc
gia của Pháp) vào năm 1956.
Kể từ năm 1955, sau khi chinh phục giải tích hàm, Grothendieck đã rời
bỏ ngành này để nhảy sang các lĩnh vực toán học khác, đầu tiên là đại
số đồng điều, rồi đến hình học đại số. Thành công lớn đầu tiên đẩy ông
lên vị trí siêu sao trong hình học đại số là định lý chỉ số
Grothendieck-Riemann-Roch, mở rộng định lý chỉ số của Hirzebruch cho các
đa tạp đại số lên trường hợp các ánh xạ giữa các đa tạp. (Định lý chỉ
số là một loại định lý trong toán học về liên hệ giữa các đại lượng đặc
trưng nào đó. Một ví dụ đơn giản nhất là định lý cổ điển của Euler: với
một hình đa diện bất kỳ, thì số đỉnh trừ đi số cạnh rồi cộng với số mặt
luôn cho ra kết quả bằng 2. Ví dụ như hình lập phương có 8 đỉnh, 12
cạnh, 6 mặt, và 8 + 6 – 12 = 2. Hình kim tự tháp, tức là hình nón với
đáy vuông, có 5 đỉnh, 8 cạnh, 5 mặt , và 5 + 5 – 8 cũng bằng 2.) Đi cùng
với định lý Grothendieck-Riemann-Roch là khái niệm “nhóm K” của
Grothendieck, khởi đầu của một lý thuyết toán học lớn có tên gọi “K lý
thuyết” với các ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Hiện vẫn có một
tạp chí toán học cao cấp quốc tế mang tên K-Theory.
Năm 1958, Grothendieck được mời đọc báo cáo tại Đại hội Toán học Quốc
tế tổ chức ở Edinburgh. Tại đây, ông đã phác thảo một chương trình độ
sộ nhằm hiện đại hóa hình học đại số. Các công trình của Grothendieck kể
từ đó cho đến 1970 đã làm thay đổi toàn bộ bộ mặt của ngành toán học
này. Ông và các cộng sự và học trò của mình đã xây dựng nên toàn bộ ngôn
ngữ cho hình học đại số hiện đại, với những khái niệm cơ bản từ “lược
đồ” (scheme) cho đến “mô típ” (motive), mà bây giờ những ai không biết
về nó thì có thể coi là “mù chữ” về ngành này. Những vấn đề hóc búa của
số học, ví dụ “định lý Fermat lớn” (nếu thì phương trình
không có nghiệm là các số tự nhiên) mà đến tận năm 1995 mới giải được
bởi Andrew Wiles, trở nên tiếp cận được đều là dựa trên “cỗ máy hiện
đại” mà Grothendieck xây dựng nên.
Cũng vào năm 1958, viện IHES (Institut des Hautes Etudes
Scientifiques – Viện nghiên cứu khoa học cao cấp) được một nhà vật lý
đồng thời là doanh nhân thành đạt tên là Léon Motchane thành lập ở ngoại
ô Paris bằng tiền tư nhân (nhưng về sau có được nhận tài trợ từ chính
phủ và các tổ chức khác), với sự trợ giúp của Robbert Oppenheimer, để
trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học theo mô hình của viện IAS
bên Mỹ. Motchane trở thành viện trưởng đầu tiên của IHES, và mời
Dieudonné về phụ trách mảng toán học. Dieudonné nhận lời với một điều
kiện, là phải mời Grothendieck về làm việc cùng. Thế là từ năm 1959 cho
đến 1971, Grothendieck làm việc tại IHES, và IHES trở thành trung tâm về
hình học đại số của thế giới, với sự tham gia của nhiều nhà toán học
lớn khác như Jean-Pierre Serre, Pierre Deligne, Pierre Cartier, v.v.
Grothendieck cùng với Dieudonné và các cộng sự khác đã cho ra đời 2 bộ
sách kinh điển được biết đến với tên gọi EGA (Cơ sở hình học đại số, dự
định viết 11 tập cuối cùng hoàn thành 4 tập đầu) và SGA (Seminar hình
học đại số, có 7 tập) trong giai đoạn này. Grothendieck có một khả năng
tập trung và sức làm việc phi thường. Seminar mà ông dẫn ở IHES có thể
kéo dài liên tục 10 tiếng liền trong một ngày. Sau đó ông lại viết các
bản nháp đưa cho Dieudonné sáng hôm sau chỉnh sửa để viết thành sách.
Trong cuốn hồi ký của mình nhan đề “Récoltes et Semailles” (Thu hoạch
và Gieo hạt), Grothendieck ví chuyện giải quyết một vấn đề toán học hóc
búa như là bóc hạt dẻ có vỏ rất cứng. Có hai cách bóc. Cách thứ nhất là
dùng búa rừu nện nó, choảng nó thật mạnh cho nó vỡ ra. Cách thứ hai là
cách nhúng nó vào nước, phơi nó ra nắng, v.v. để cho cái vỏ của nó tự
yếu đi, để rồi chỉ cần lấy tay ấn nhẹ một cái là vỏ của nó tung ra.
Grothendieck làm toán theo cách thứ hai này. Ông không tìm cách giải
quyết các giả thuyết hóc búa theo kiểu “bổ củi” hay “mẹo mực”, có thể
cho ra lời giải đúng nhưng không cho ra sự hiểu biết sâu hơn về bản chất
vấn đề. Ông coi các giả thuyết đó chẳng qua chỉ như là các ví dụ, các
trường hợp riêng, để kiểm tra các lý thuyết chung, các cấu trúc chung
trong toán học được xây dựng nên một cách tự nhiên. Khi cái lý thuyết tự
nhiên đó đã được xây dựng đến mức đủ độ chín muồi, thì các “vỏ bọc”
của các giả thuyết hóc búa kia sẽ “tự chúng tan vỡ”. Vào năm 1973, khi
“học trò cưng” của ông là Pierre Deligne (giải Fields năm 1978) “đi tắt”
để đưa ra lời giải trọn vẹn cho một vấn đề hóc búa mang tên “các giả
thuyết Weil” mà không làm theo trình tự xây dựng lý thuyết tổng quát của
ông, thì Grothendieck cảm thấy như bị phản bội, và đã rất nặng lời chỉ
trích Deligne trong hồi ký.
Vì các kết quả trong giải tích hàm, định lý
Grothendieck-Riemann-Roch, và lý thuyết lược đồ (scheme), mà năm 1966
Grothendieck được giải thưởng Fields. Grothendieck không phải là người
đầu tiên nghĩ ra khái niệm lược đồ, trước đó đã có Claude Chevalley nghĩ
đến nó rong một phạm vi hẹp hơn và Pierre Cartier (khi đó mới 25 tuổi)
đề xuất dùng nó từ năm 1957. Nhưng Grothendieck là người đã hệ thống hóa
lược đồ thành ngôn ngữ cho hình học đại số được nhanh chóng chấp nhận
rộng rãi trên thế giới.
Ngoài giải Fields, Grothendieck còn được hai giải thưởng lớn khác, là
giải “Emile Picard” của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp vào năm 1977, và
giải Crafoord của Thụy Điển vào năm 1988. (Giải Crafoord được lập ra là
để thay thế cho giải Nobel vì không có giải Nobel cho toán học). Nhưng
đối với Grothendieck, các giải thưởng đó đều chẳng có ý nghĩa gì quan
trọng. Huy chương của giải Fields được ông đem bán đi lấy tiền giúp đỡ
miền bắc Việt Nam lúc đó đang chiến tranh với Mỹ. Huy chương “Emile
Picard” thì biến thành cái đập hạt dẻ ở nhà một học trò. Còn giải
Crafoord trị giá 136 nghìn USD lúc đó thì Grothendieck từ chối không
nhận. Trong bức thư ngỏ từ chối giải thưởng Crafoord, Grothendieck viết
đại ý là lương giáo sư của ông đủ sống rồi, không cần giải đó, người ta
toàn trao giải cho những người đã có đầy đủ danh vọng và tiền bạc không
cần thêm giải, trong khi những người khác cần được khuyến khích hơn thì
lại không được.
Giải Fields được tạo tại các Đại hội toán học thế giới, cứ 4 năm tổ
chức một lần, và vào năm 1966 nó được tổ chức ở Moscow. Nước Nga lúc đó
không mặn mà gì với Grothendieck, vì cha của ông nằm trong danh sách
“phản cách mạng”, nhưng họ vẫn chấp thuận cho ông đến Moscow, vì muốn
lợi dụng tên tuổi của các nhà toán học nổi tiếng để đánh bóng cho chính
quyền Xô Viết. Thời đó có nhiều trí thức phương Tây có xu hướng theo
cánh tả hay thân cộng sản (tuy rằng lý tưởng cộng sản của họ có thể khác
xa với hiện thực phũ phàng ở một số nơi), trong đó có cả Laurent
Schwartz. Cuối cùng, tuy Grothendieck không từ chối giải thưởng, nhưng
đã từ chối đi Nga lần đó, để phản đối sự can thiệp quân sự của Nga ở các
nước Đông Âu, và sự đàn áp các trí thức bất đồng chính kiến ở Nga.
Trong thập kỷ 1960, với tinh thần phản chiến quyết liệt, Grothendieck
đã từ chối tham dự các hội nghi khoa học được NATO, NASA, hay là các tổ
chức dính dáng đến quân sự khác đứng tên tài trợ. Trong một số trường
hợp, những người tổ chức hội nghị vì rất muốn sự có mặt của Grothendieck
đã phải rất cố gắng tìm các nguồn tài trợ khác. Bắt đầu từ năm 1968,
Grothendieck tích cực tham gia các hoạt động phản chiến tại Pháp, đặc
biệt là phản đối chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Thậm chí, có lần vào
năm 1970 ông bị bắt vì tội đánh 2 cảnh sát trong một cuộc biểu tình
chống chiến tranh.
Có lẽ cũng vì rất căm ghét chiến tranh nên Grothendieck lại có cảm
tình đặc biệt với miền bắc Việt Nam trong cuộc chiến tranh không cân sức
với Mỹ. Ông sang miền bắc Việt Nam giảng bài trong vòng một tháng vào
tháng 11/1967, và khi quay trở lại Pháp có làm một bài báo cáo dài ở
Paris về sự phát triển toán học ở Việt Nam trong bom đạn. (Xem: http://webusers.imj-prg.fr/~ leila.schneps/ grothendieckcircle/vietnam.pdf
). Trong báo cáo đó, Grothendieck thể hiện sự ngạc nhiên và ngưỡng mộ
của mình đối với những người Việt Nam thời đó, vừa phải tránh bom, vừa
phải nuôi gia súc để tăng gia, mà vẫn hăng hái nghĩ đến chuyện phát
triển toán học cho tương lai. Ông tỏ ra đặc biệt mến phục bộ trưởng Tạ
Quang Bửu, một nhà quản lý nhưng có hiểu biết rất sâu rộng về toán, và
giáo sư Đoàn Quỳnh (lúc đó mới là một giảng viên trẻ), người phiên dịch
tài năng cho các bài giảng của ông trong thời gian ở Việt Nam.
Trong số các nhà toán học Việt Nam có nhiều dịp tiếp xúc với
Grothendieck, còn có thể kể đến GS Hoàng Xuân Sính và GS Nguyễn Đình
Ngọc. GS Sính chính là một trong các học trò của Grothendieck, đã từng
đến Montpellier để làm việc với ông. Luận án tiến sĩ quốc gia của GS
Sính bảo vệ tại Pháp vào năm 1973 là một công trình sâu sắc về đề tài
“phạm trù vành”, mà theo ngôn ngữ bây giờ thì gọi là “2-group”, mà về
sau người ta tiếp tục mở rộng lên thành các “n-group”. Trang wikipedia
về n-group (http://en.wikipedia.org/wiki/N-group_(category_theory))
có nhắc đến công trình này. Còn nhà tình báo kiêm giáo sư Nguyễn Đình
Ngọc (1932-2006) cũng là một người bạn của Grothendieck khi còn làm
tiến sĩ toán ở Pháp, và đã từng làm việc tại IHES.
Vào năm 1970, theo ảnh hưởng của phong trào hippi ở Mỹ, Grothendieck
cùng với hai nhà toán học khác là Claude Chevalley và Pierre Samuel khi
gặp nhau ở Montréal (Canada) đã khởi xướng một nhóm hoạt động chính trị
theo xu hướng “ecology” mang tên “Survivre”, sau đổi thành “Survivre et
vivre”. Khi Đại hội Toán học Thế giới được tổ chức ở Nicevào năm 1970,
Grothendieck mang cả truyền đơn của nhóm này đến rải. Từ 1970 đến 1975,
nhóm “Survivre et vivre” cho ra được 19 số báo, lúc cao điểm phát hành
tới 12 nghìn bản một số, với thông điệp chính là kêu gọi mọi người hãy
thức tỉnh vì các xu hướng chiến tranh và tàn phá thiên nhiên sẽ dẫn đến
sự hủy diệt của chính loài người. Ngay từ số báo đầu tiên, Grothendieck
đã có bài chỉ trích các nhà khoa học là quá ham nghiên cứu mà không chịu
bận tâm đến tác hại mà các nghiên cứu của họ có thể gây ra.
Grothendieck hô hào mọi người từ bỏ lối sống thành thị, trở về với thiên
nhiên. Sau đó thì nhóm tan rã, một phần vì Grothendieck quá cực đoan
đến mức những người khác trong nhóm không ủng hộ nổi. Nhưng phong trào
“ecology” thì vẫn phát triển mạnh ở Pháp.
Vào năm 1971, Grothendieck bất ngờ tuyên bố từ chức khỏi IHES, sau
khi phát hiện viện này được Bộ Quốc phòng Pháp tài trợ, là một điều
không thể chấp nhận nổi đối với ông. Khi Grothendieck bỏ việc ở IHES,
Jean-Pierre Serre vội vàng lo được cho ông một chân giáo sư tại Collège
de France, nơi mà các giáo sư chỉ phải giảng một số ít bài giảng cho đại
chúng (tùy theo giáo sư thích giảng gì thì giảng, và ai muốn đến nghe
giảng cũng được), còn thời gian còn lại vẫn tự do nghiên cứu.
Khi chuyển sang Collège de France, mối quan tâm lớn nhất của
Grothendieck đã không còn là toán học nữa mà là những vấn đề triết lý
cuộc sống. Thay vì giảng bài về toán học, thì ông lại đi thuyết trình về
chiến tranh và hòa bình, và đề tài “Chúng ta có nên tiếp tục nghiên cứu
khoa học hay không?”. Lập luận của ông là “không nên nghiên cứu” vì
khoa học trở thành công cụ nguy hiểm để gây chiến tranh. Tất nhiên, đề
tài này không ăn nhập gì với thỏa thuận ban đầu khi người ta nhận ông
vào Collège de France để truyền bá khoa học. Bởi vậy, đến năm 1973 ông
đã phải từ chức khỏi Collège de France, và người ta lại kiếm cho ông
một công việc khác, là làm giáo sư “bình thường” ở Đại học Montpellier,
nơi ông đã từng học trước kia. Thời điểm này có thể coi như là đánh dấu
sự kết thúc quãng đời làm khoa học của Grothendieck.
Ở Montpellier, ông trở thành một vị giáo sư “kì quái”, dạy học và
chấm điểm không giống ai. Có lần ông bảo học sinh “tụi bay có thích nhận
điểm theo kiểu bốc thăm ngẫu nhiên không”, và lần khác thì ông cho cả
lớp ai cũng 20 điểm trên 20. Những sự kì quái đó làm cho những người phụ
trách đào tạo khổ sở vì ông, phải họp lại với nhau bàn cách chỉnh lại
điểm thi. Ngoài việc thỉnh thoảng đến trường dạy học ra, thì hầu như ông
ở ẩn, ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Nếu như trong thời gian ở
IHES ông có khoảng một chục học trò về sau trở thành những nhà toán học
xuất sắc, thì trong suốt thời gian 15 năm làm việc ở Montpellier ông
không đào tạo được một học trò nào thành đạt về khoa học. Người học trò
cuối cùng của ông là Jean Malgoire, hiện là giảng viên (maitre de
conference, không lên được giáo sư) ở Montpellier. Bốn năm cuối cùng
trước khi về hưu, từ 1984 đến 1988, thì người ta thôi không bắt ông dạy
học nữa, mà cho ông thành giám đốc nghiên cứu CNRS (directeur de
recherches, một chức vụ tương đương giáo sư nhưng chỉ có nghiên cứu chứ
không giảng dạy) ở Montpellier.
Tôi cũng có một thời gian làm việc ở Đại học Montpellier, nhưng khi
tôi đến đó thì Grothendieck đã nghỉ hưu, nên không có dịp nào được chiêm
ngưỡng ông, chỉ được nghe mọi người ở đó kể lại các giai thoại. Một
trong các giai thoại đó là, những năm cuối cùng trước khi về hưu,
Grothendieck rất ít khi xuất hiện ở trường, nhưng mỗi lần xuất hiện là
cả khoa đều biết ngay, vì mùi cừu bay khắp khoa. Ông sống cô độc, tự
nuôi cừu, tự vắt sữa và chế biến sữa cừu từ thời đó, như là một nông dân
tự cung tự cấp.
(Ảnh:
Grothendieck cùng với một thầy tu đạo Phật và một số người “hippi” tại
nhà riêng ở vùng Lozère gần Montpellier, cuối năm 1975)
Tuy Grothendieck có gốc gác Do Thái và Tin Lành, nhưng về mặt tôn
giáo ông quan tâm nhiều đến đạo Phật. Có một lần, vào năm 1977, ông bị
gọi ra hầu tòa, vì tội chứa chấp trong nhà một người sống bất hợp pháp.
Người sống bất hợp pháp đó là một thầy tu đạo Phật, người Nhật Bản,
trước cũng từng là nghiên cứu sinh về toán ở Viện Tata bên Ấn Độ, có
giấy tờ ở Pháp nhưng bị quá hạn thị thực vài tuần. Vì chuyện “vớ vẩn”
này mà ông bị quan tòa kết án tù treo 6 tháng.
Trong quãng thời gian 1983-1985, Grothendieck viết một tập hồi ký dày
một nghìn trang về sự nghiệp làm khoa học của ông, nhan đề “Recoltes
et semailles”. (Xem: http://webusers.imj-prg.fr/~leila.schneps/grothendieckcircle/RetS.pdf).
Trong cuốn hồi ký đó, ngoài việc viết lại những suy ngẫm về các giai
đoạn làm khoa học và các ý tưởng chính của mình (mà ông chia làm 12 đề
tài chính, theo thứ tự thời gian), ông còn bầy tỏ nỗi lo ngại lớn lao
với giới khoa học, sự thất vọng của ông về những sự thiếu trung thực
trong khoa học, và chỉ trích thậm tệ một số đồng nghiệp và học trò của
mình.
Càng về sau, Grothendieck càng rơi vào cảnh lạc lõng trong thế giới
này. Vào năm 1991, ông bất ngờ quyết định đốt tài liệu của mình, cắt đứt
quan hệ với bạn bè và thế giới xung quanh, bỏ căn nhà ông đang sống để
đi ở ẩn ở một làng nhỏ chỉ có khoảng 200 người dân ở vùng Ariège trên
dãy núi Pyrénées. Kể cả con cái của ông, ông cũng không muốn gặp. Sau
một thời gian thì cũng có những người, trong đó có các con của ông, các
nhà báo hay các nhà khoa học, phát hiện được nơi ở ẩn của ông và đến
rình gặp, có khi hàng mấy ngày liền, nhưng không được ông tiếp. Cũng có
lần có người được tiếp chuyện ít phút, và được nghe câu cuối của ông là
“Sắp đến ngày tận thế rồi”.
Trong số các đồng nghiệp ở Montpellier, chỉ còn có anh học trò cũ
Jean Malgoire là được ông báo cho biết là ông chuyển đi đâu, với điều
kiện là không được báo lại cho bất cứ ai. Grothendieck cũng giao toàn bộ
đống bản thảo và thư từ của mình cho Malgoire giữ, trừ những cái ông
đã đốt đi. Đến năm 2010 thì tâm lý của Grothendieck đã mất ổn định đến
mức, ông viết thư cho các học trò của mình, không những từ chối không
cho xuất bản các bản thảo chưa công bố của ông, mà còn yêu cầu các sách
mang tên ông phải loại hết ra khỏi các thư viện.
(Ảnh: bức thư Grothendieck gửi mọi người năm 2010 yêu cầu không được xuất bản hay tái bản bất cứ cái gì ông viết ra)