Bớt ăn đi dành tiền lo cho dân


Văn Hùng/NNVN
ĐBQH Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đã phát biểu như thế vào chiều 31/10 trước nghị trường Quốc hội. Câu nói đó làm cả nghị trường lặng yên trong giây lát! Và rất nhiều ĐB khác phát biểu trước và sau ông cũng bày tỏ tâm tư như vậy.
 Cắt bớt lãnh đạo

ĐB Đỗ Văn Đương kiến nghị phải giảm bớt bộ máy hành chính và bộ máy các cơ quan khác, kể cả tổ chức đoàn thể.
Việc giảm biên chế, theo lộ trình đến 2020 mới giảm được 100.000 người thì không thấm tháp gì so với gần 3 triệu cán bộ, công chức mà nhiều người nói rằng khoảng 1/3 trong đó là vô dụng, sáng cắp ô đi tối cắp ô về. Đấy là công chức ma. Ăn lương mà không làm việc lại bóc lột dân. Dân người ta không chịu được.  
Tôi cũng đồng ý với nhiều ĐB là luật có rồi nhưng có lẽ phải cắt bớt lãnh đạo đi. Hiện nay nhiểu người đi học làm lãnh đạo quá, nếu như nhiều lãnh đạo thì chỉ tay năm ngón, thậm chí chỉ Đông, Tây, Nam, Bắc nữa, cấp dưới khó thực hiện lắm. Người làm thì ít, phấn đấu thành người công chức tận tụy thì ít nhưng mà ngước lên phấn đấu làm lãnh đạo nhiều quá, dân người ta kêu lắm” – ĐB Đương cũng kêu luôn trước nghị trường.
Về vấn đề tham nhũng, lãng phí, theo ĐB Đương nếu chỉ nói nhưng không làm thì rung động trong không khí thôi. Thay cho hô hào là phải công khai danh tính cá nhân, tổ chức, dự án, công trình cụ thể để cho nhân dân biết và pháp luật xử lý. Nếu làm tốt chỗ này thì hàng ngàn hét ta đất, bao nhiều nghìn tỷ sẽ được giải quyết.
Hay làm tốt công tác chống thất thu từ thuế để có thể thu được vài chục ngàn tỷ đồng. Sang năm 2015 mà giảm chi từ 5-10% cho khu vực hành chính ở hội thảo, hội nghị, đi nước ngoài thì chỗ này cũng được vài chục nghìn tỷ nữa.
Rồi có giải pháp thu hồi tài sản sau thanh tra, kiểm toán một cách triệt để thì đây cũng thu được vài chục nghìn tỷ đồng. “Cộng tất cả những nghìn tỷ ấy lại có lẽ quá đủ để tăng lương rồi” – ĐB Đương khẳng định chắc nịch.
Không chỉ có “đêm hay nằm mơ tính toán sang năm có nâng lương không” ĐB Đỗ Văn Đương còn đưa ra một kiến nghị mà làm cả nghị trường lặng yên.
Ông nói: “Nếu không cân đối được có lẽ tôi đồng ý với rất nhiều ĐB thôi thì phải thương những người có hệ số lương ba phẩy trở xuống, và những người về hưu trước năm 1993. Người ta cũng sắp chết cả rồi, quá khổ lắm rồi. Quốc hội, Chính phủ dành tình cảm cho họ, bớt ăn đi dành cho họ và tăng lương cho người ta”.
“Lạm phát” cấp phó
Phát biểu trước Quốc hội, ĐB Trần Đình Nhã (Thừa Thiên - Huế) đặt câu hỏi: “Quốc hội nên làm gì trước tình trạng lạm phát cấp phó trong các cơ quan, tổ chức hưởng ngân sách?” Rồi ĐB Nhã đưa ra những số liệu ngốn tiền thuế của dân.
Cụ thể, hiện cả nước có 139.000 cơ quan hành chính sự nghiệp và tổ chức hưởng ngân sách. Đồng nghĩa có khoảng 139.000 cấp trưởng. Số lượng cấp phó phân bố không đều nhưng có cơ quan chỉ có một vài người, hoặc 5, 6 thậm chí 7, 8 cấp phó. Vấn đề đặt ra là tại sao cấp phó ở nước mình nhiều thế.
Trong khi một số nước như Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhiều cơ quan, thậm chí không có thứ trưởng. Phải chăng ở ta là phong trào, là chính sách cán bộ bảo đảm cơ cấu vùng miền và theo cơ chế “xin – cho”?
Ai cũng biết rằng, cấp phó nhiều, tất yếu bội chi ngân sách nhà nước tăng lên. Thử đặt một phép tính: Nếu một cấp phó hàng năm nhà nước chi thêm trung bình khoảng 30 triệu đồng như phụ cấp chức vụ, diện tích phòng làm việc, điện nước, đi lại v.v... thì 139.000 cấp phó sẽ phải chi khoảng hơn 4.000 tỷ đồng, con số này sẽ gấp 2, 3, 4, 5 lần nếu số lượng cấp phó là 2, 3, 4, 5 người.
Không chỉ đồng tình với vấn đề ĐB Nhã đặt ra, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) phát biểu sau đó cho rằng, nếu tổ chức bộ máy của chúng ta cứ thế này thì câu chuyện cồng kềnh, không có hiệu lực, hiệu quả vẫn còn tái diễn. Nếu bí thư kiêm chủ tịch thì cũng đã giảm đi được nhiều rồi. Các Đảng cầm quyền đều như thế, cầm quyền trực tiếp luôn. Sao Ủy ban kiểm tra lại còn Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ lại còn Ban Tổ chức trung ương?
Tôi hy vọng Đại hội XII của Đảng tới đây sẽ có những đổi mới mạnh mẽ về thể chế. Có như vậy mới giảm được bộ máy nhà nước. Ngay các hội đặc thù của một tỉnh như Thanh Hóa hằng năm cũng phải chi mấy trăm tỷ đồng. Điều đó là rất vô lý, tôi thấy cực kỳ vô lý. Nếu không đổi mới thì không có cách gì, không ngân sách nào có thể chịu đựng được” – ĐB Lê Nam trăn trở.  
Cũng nặng lòng với nhân dân, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) nêu vấn đề: “Tại sao chúng ta để một bộ máy mà người tích cực cũng như không tích cực, người sáng tạo cũng như người không sáng tạo, người có học hành tử tế cũng bị đối xử như người chạy bằng, chạy chỗ.
Trong cơ chế ấy, người giỏi, có tự trọng sẽ không có động lực để phấn đấu; người làm dở sẽ không thấy xấu hổ. Cũng phải nói thêm có lỗi của chính người đứng đầu năng lực yếu kém, hạn chế. Nhưng hạn chế đó không xấu mà xấu là ở chỗ người đó sợ cấp dưới hơn mình, tìm mọi cách làm thui chột tài năng, cống hiến của cán bộ công chức, nhất là cán bộ trẻ”.
Lương không thể không tăng
Nhiều ĐBQH không tán thành việc không điều chỉnh tăng lương năm 2015. ĐB Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) nói: “Vấn đề đặt ra ở đây không phải là tăng hay không tăng mà năm 2015 bằng mọi cách phải tăng lương cho người lao động”.
“Tại sao?”, ông Tùng đặt câu hỏi và tự trả lời: “Vì lộ trình đã đặt ra, luật đã thông qua, đã khẳng định rằng năm 2015 lương tối thiểu phải bằng mức sống tối thiểu. Và căn cứ vào luật này thì Tổ chức Công đoàn đã ngồi lại họp 2 phiên với người sử dụng lao động tức là Hội đồng tiền lương quốc gia. Tổ chức Công đoàn đề nghị muốn bằng mức sống tối thiểu thì năm 2015 lương phải tăng 32%. Nhưng vì khó khăn, cuối cùng Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất năm 2015 tăng lương từ 14,5 - 15%”.
Trước đó, ĐB Lê Nam (Thanh Hoá) cũng nói: “Chúng ta đã lỗi hẹn một lần với cử tri rồi. Lần này, chúng ta lại tiếp tục không tăng lương cho họ? Những lý do chưa tăng lương như bộ máy cồng kềnh, chất lượng chưa hiệu quả v.v... là không đủ sức thuyết phục. Bởi vì, những lý do đó đều thuộc lỗi của Quốc hội, của Chính phủ, không phải lỗi của người hưởng lương”.
Trái với các ý kiến đề nghị tăng lương, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) kiến nghị hỗ trợ 400 - 500 ngàn/tháng cho mỗi công chức và cán bộ bằng quỹ chứ không tăng lương tối thiểu. Lập luận của ĐB Lịch là nếu tăng lương tối thiểu thêm 100 ngàn đồng thì những người như tôi lĩnh thêm gần một triệu đồng/tháng. Trong khi đó anh em giúp việc chỉ được 200 - 300 ngàn, chênh lệch hệ số lương quá lớn.
Do đó, ĐB Trần Du Lịch đề nghị trước mắt khó khăn nên trợ cấp. Bởi lúc này càng tăng lương tối thiểu, càng tăng bất công. Vì những thành phần cần giúp nhất lại không được bao nhiêu tiền còn những người không khó khăn lại được nhiều tiền.
Về câu chuyện tăng lương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có ý kiến: Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo Bộ tài chính, Ủy ban Tài chính, Ngân sách sẽ tính toán lại, cân đối nguồn từ tăng thu năm 2014, tăng thu năm 2015; cắt giảm chi thường xuyên ngoài lương năm 2015 và cắt giảm một số khoản chi nữa để tiết kiệm, tạo nguồn. Nhưng đây chỉ là nghiên cứu phương án, chưa kết luận được. Vì vấn đề này dính tới cân đối ngân sách. Sẽ báo cáo lại Quốc hội sau khi trình ra dự thảo nghị quyết.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chân dung người phụ nữ thứ 2 trên thế giới giật giải 'Nobel Toán học'

Con cừu đen của làng toán Việt

Coi chừng khoa học thuộc địa kiểu mới!