Về vấn đề bồi dưỡng học sinh giỏi
Tham luận của GS Hà Huy Khoái tại Lễ Kỷ niệm 40 năm Việt Nam tham gia thi Olympic Toán học Quốc tế (IMO) 1974-2014, Hà Nội 14/9/2014.
Trong bài này, tôi có ý định bàn về ba câu hỏi:
- Bồi dưỡng học sinh giỏi và hệ thống các trường THPT chuyên: cần hay không?
- Dạy gì ở trường chuyên?
- Sau trường chuyên, làm gì?
Tôi không nghĩ là sẽ đưa ra được câu trả lời. Cũng không chờ đợi một câu trả lời của các bạn theo kiểu toán học “1 hay 0”. Tôi bắt đầu với những câu hỏi, và hy vọng sẽ nhận được nhiều câu hỏi lớn hơn. Không phải chỉ của những người ngồi trong hội trường này, mà của cả xã hội.
Thường thì xã hội đi lên khi tìm cách đối diện với những câu hỏi, có thể ngày càng khó khăn và phức tạp hơn, chứ không bằng con đường tuân thủ một đáp án có sẵn.
I. Bồi dưỡng học sinh giỏi và hệ thống các trường THPT Chuyên, cần hay không?
Chắc không ai “nói không” với bồi dưỡng học sinh giỏi. Đơn giản vì “phát hiện và bồi dưỡng nhân tài” là một trong những nhiệm vụ cơ bản của giáo dục. Nhưng, bồi dưỡng như thế nào, đầu tư vào việc đó như thế nào xét trong khung cảnh đầu tư cho giáo dục “đại trà”, lại là một câu hỏi lớn.
Chúng ta không thể chỉ tập trung vào học sinh giỏi, mà mục tiêu là phải nâng cao mặt bằng dân trí chung, và cuối cùng, cung cấp nhân lực chất lượng cao cho toàn xã hội. Trong khi cần có nền giáo dục thích hợp cho mọi người, thì cái khó mà ngành giáo dục gặp phải lại, có thể tạm gọi, là tính cá thể của mỗi con người. Không thể đối xử với một tập hợp học sinh như với một tập hợp công cụ thuần nhất nào đó. Cứ nhìn vào một số lĩnh vực khá đặc thù thì rõ. Để trở thành một “cao thủ võ lâm”, người ta phải lên núi theo thầy nhiều năm, chứ không thể học trong một lớp “đại trà”, nơi chỉ thích hợp với những người định theo nghề “mãi võ bán thuốc”. Cũng như vậy, một nghệ sĩ dương cầm tài ba chỉ đào tạo cùng một lúc 5-10 học trò là cùng. Mà đào tạo trong nhiều năm. Như vậy mới có thể có Đặng Thái Sơn hay Tôn Nữ Nguyệt Minh. Không chỉ với “người tài” mà với mỗi người bình thường, nếu xét một cách “lý tưởng”, thì cũng cần có phương pháp giảng dạy riêng thích hợp cho họ. Nhưng hiển nhiên là không thể cung cấp cho mỗi người một chương trình riêng, một hệ thống giáo viên riêng, như các vị thái tử ngày xưa với các quan thái phó! Vì thế, tất yếu phải làm giáo dục “đại trà”! Tuy nhiên, trong khi chưa thể có đủ trường, đủ lớp, đủ thầy giỏi cho một số đông, thì việc tập trung vào đào tạo một số ít nhằm “bồi dưỡng nhân tài” là một điều không thể tránh khỏi.
Cũng cần nói thêm một điều. Ở Việt Nam hiện nay, con em những gia đình khá giả có thể theo học những loại hình trường “quốc tế”, trường “chất lượng cao” với học phí cũng cao ngất ngưởng (vượt quá tầm mà một người bình thường có thể hình dung, chưa nói là lo liệu được). Việc tạo điều kiện học tập tốt tương tự cho những học sinh tài năng xuất thân từ những gia đình nghèo hơn chỉ có thể nhờ vào Nhà nước. Trên thực tế, đã có rất nhiều em học sinh nghèo, nhờ được học ở các trường chuyên mà trở thành những người xuất chúng trong nhiều lĩnh vực. Như vậy, việc đầu tư vào hệ thống THPT chuyên đã góp phần đảm bảo công bằng xã hội.
Những điều nói trên có lẽ là lý do tồn tại hệ thống các trường THPT chuyên.
Ở những nước phát triển, hệ thống “giáo dục đại trà” đã đạt đến chất lượng nào đó. Hơn nữa, đối với những học sinh có năng khiếu hoặc ham thích môn học nào đó, những điều kiện để tiếp cận với tài liệu, sách báo, thầy giáo giỏi cũng hết sức dễ dàng. Những điều kiện như vậy có thể còn tốt hơn nếu so với những gì các học sinh THPT chuyên của chúng ta có được. Có lẽ đó là lý do mà ở các nước phát triển, nhu cầu về một hệ thống trường chuyên không được đặt ra. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là ở các nước Phương tây không tồn tại những trường THPT rất đặc biệt. mà thực chất, việc tuyển chọn học sinh, những điều kiện học tập ở đó cũng không khác gì “trường chuyên”.
Lấy ví dụ ở nước Pháp. Không ai nói rằng ở Pháp tồn tại một hệ thống trường chuyên, nhưng ai cũng biết ở Pháp có một số trường Lycée nổi tiếng như: Louis le Grand, Henri IV, mà chỉ riêng việc là học sinh cũ của các trường đó đã là niềm tự hào suốt đời của nhiều người (xem: hồi ký André Weil). Không chỉ ở Paris, mà hầu như mỗi tỉnh của nước Pháp đều có một trường Lycée có thể xem là trường chuyên (Pierre de Fermat ở Toulouse là một ví dụ). Ở Mỹ, nếu nhìn vào danh sách những học sinh Mỹ đã từng được giải trong các kỳ IMO, ta thấy họ chỉ thuộc một số rất ít trường.
Như vậy, có thể nói rằng, hình thức tương tự THPT chuyên tồn tại ở hầu hết các nước, kể cả những nước có nền khoa học phát triển cao.
Tuy nhiên, điều cần bàn lại là: trong những trường đó, người ta dạy cái gì?
II. Dạy gì ở trường THPT chuyên?
Là một người nhiều năm quan tâm đến việc giảng dạy trong các lớp chuyên Toán, tôi chỉ xin được đề cập đến việc dạy toán. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề có lẽ là chung cho việc giảng dạy, không chỉ với những môn “chuyên”, không chỉ với môn Toán.
Mục tiêu của việc giảng dạy ở những lớp chuyên toán trước tiên là để phát triển năng khiếu toán học ở học sinh. Nhưng không chỉ có vậy, chúng ta cần những con người toàn diện. “Con người toàn diện”, nói một cách cụ thể hơn, là người có khả năng đối diện với mọi thách thức của cuộc sống.
Nhiều ý kiến cho rằng, để có thể đạt mục tiêu đó, cần giảng dạy những gì “sát với thực tế của cuộc sống”. Đúng là như vậy. Nhưng có điều quan trọng: hiểu thế nào là “sát thực tế”? Nếu như thực tế bây giờ đang cần cái gì, ta dạy học sinh cái đó thì e rằng sẽ không “sát thực tế” khi học sinh bước vào đời. Dạy họ làm cái ô tô chạy xăng thì khi ra đời, mọi ô tô có thể đã chạy bằng pin mặt trời! “Thực tế” thay đổi rất nhanh, nhất là trong thời đại công nghệ cao của hôm nay. Nhưng có một “thưc tế” không bao giờ thay đổi: để có thể thích ứng với mọi công nghệ mới, mọi lý thuyết mới, mọi thay đổi của xã hội, con người cần một kiến thức cơ bản thật vững chắc. Về cả tự nhiên và xã hội. Nhiều công ty, cơ quan phàn nàn về việc sinh viên ra trường chưa làm việc được ngay, mà phải “đào tạo lại”. Nguyên nhân hoàn toàn không phải vì nhà trường không dạy những cái công ty đang cần (và hiển nhiên cũng không thể dạy tất cả những gì mà các công ty khác nhau đang cần), mà chính vì đã dạy chưa cơ bản. Nếu sinh viên ra trường có kiến thức cơ bản vững chắc thì việc thích ứng với mọi công ty không phải là điều khó khăn. Không phải ngẫu nhiên mà ở nhiều nước châu Âu, các ngân hàng thường tuyển dụng sinh viên Toán, những người chưa hề có kỹ năng nghiệp vụ ngân hàng. Với số sinh viên này, “đào tạo lại” hoàn toàn không khó khăn, và họ sẽ thích ứng nhanh và làm việc hiệu quả.
Trang bị những kiến thức cơ bản chính là nhiệm vụ của các nhà trường. “Kiến thức” ở đây không phải là những gì mà ta có thể tìm thấy trên ‘google” với một cái nhấp chuột. Đã qua cái thời con người cần nhớ thuộc lòng mọi thứ. Học sinh bây giờ cần những cái mà họ không thể “gúc” mà có được. Đó chính là phương pháp tư duy, khả năng tìm tòi những cái mới, khả năng thể hiện tường minh những ý nghĩ mơ hồ và bất chợt, khả năng làm việc và tìm tòi tập thể.
Toán học chính là một bộ môn tuyệt với để rèn luyện những kỹ năng đó.
Tuy nhiên, chữ “rèn luyện” có thể được hiểu là “luyện thi, rèn bài tập”. Nếu như thế thì chỉ cần “học” hết hàng loạt sách đang bày bán, chẳng hạn sách “10000 bài tập về….” là được. Một học sinh giỏi, làm hết các bài thi đại học trong nhiều năm, thì khi đi thi đại học dễ được điểm cao, thậm chí là thủ khoa. Một học sinh rất giỏi và thường xuyên “luyện” bài tập khó “cỡ IMO” thì, nếu may mắn, có thể lọt đội tuyển IMO. Nhưng nếu chỉ như thế, nếu không được đào tạo cơ bản, những học sinh như vậy rất khó tiến xa. Điều này hoàn toàn tương tự như khi ta cho trẻ em tập gánh từ bé. Nếu từ năm 8, 9 tuổi, em bé đã được tập gánh, thì khi 15 tuổi, có thể sẽ gánh nặng hơn hẳn một em ở tuổi đó mà chưa hề tập gánh. Nhưng em bé được tập gánh sớm chắc chắn sẽ bị còi, không lớn lên được. Và khi 18 tuổi, kết quả thế nào đã có thể nhìn thấy trước. Nếu chỉ chăm chú luyện bài tập khó, luyện”mẹo” mà ít rèn luyện kiến thức cơ bản nâng cao, chúng ta dễ làm các học sinh giỏi của mình đạt thành tích sớm, và cũng “còi” sớm về trí tuệ.
Để tránh tình trạng đó, ở nhiều nước người ta chú trọng bồi dưỡng cho học sinh lòng say mê khoa học, thông qua việc giới thiệu những thành tựu cao nhất của khoa học một cách dễ hiểu. Tìm đến với những thành tựu cao nhất cũng tức là tìm đến với cái cơ bản. Tất nhiên, để làm được điều này, người thầy phải cố gắng hơn rất nhiều, phải học hỏi thêm rất nhiều, chứ không như việc tìm bài tập “hóc búa, mẹo mực” về giảng cho học sinh. Nói cho cùng, người thầy cũng phải được đào tạo cơ bản!
III. Sau trường THPT chuyên, làm gì?
Sau những buổi “Vinh danh học sinh giỏi quốc tế”, bao giờ cũng là cuộc bàn luận khá sôi nổi về người tài và việc sử dụng người tài. Vậy thì, những học sinh giỏi quốc tế có thể xem là “người tài” không, và cần bồi dưỡng, sử dụng họ thế nào?
Nhìn vào Uỷ ban danh dự các kỳ thi Olympic Toán học quốc tế, có thể thấy là tất cả các nước đều rất coi trọng kỳ thi này. Trong thành phần Uỷ ban, thường có sự tham gia của Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội, và tất nhiên là Bộ trưởng giáo dục. Nhiều Hoàng tử, Công chúa đã tham gia các buổi trao giải. Có thể nói, không chỉ ở nước ta người ta mới quan tâm đến kỳ thi Olympic.
Nói cho cùng, sự quan tâm của xã hội đối với các kỳ thi Oyimpic Toán quốc tế là hoàn toàn có cơ sở. Rất nhiều nhà toán học, vật lý nổi tiếng của thế giới đã trưởng thành từ “phong trào Olympic”. Nếu nhìn lại nền toán học Việt nam hiện nay thì điều đó càng rõ ràng hơn: có thể nói tuyệt đại đa số các nhà toán học giỏi của nước ta đều đã từng được giải ở các kỳ thi Olympic quốc gia và quốc tế. Riêng việc lọt được vào đội tuyển 6 người của một đất nước 90 triệu dân như nước Việt Nam, thì việc gọi họ là “người tài” cũng không có gì quá đáng. Tuy nhiên, nhìn kỹ lại thì thấy những người trong số đó mà về sau trở thành những tài năng thực sự trong khoa học thì thường là do được đào tạo lâu dài ở nước ngoài (đại học và sau đại học). Khi chúng ta chọn một đội tuyển 6 người, thì không thể nói những người còn lại là kém hơn hẳn. Đây là một cuộc thi đấu “thể thao”, và có thể khẳng định ngoài 6 người đó ra, còn không ít người khác nữa cũng xứng đáng được gọi là “người tài”. Những những “người còn lại” đó sẽ khó có được cơ hội tốt để phát triển tài năng như các bạn may mắn của mình.
Nguyên nhân là ở đâu?
Thành tích của học sinh phổ thông nước ta tại các kỳ thi Olympic quốc tế cho thấy rất rõ rằng, chúng ta có thể đào tạo được những học sinh phổ thông đạt trình độ đỉnh cao quốc tế ở hầu hết các môn học. Đó là một thành tích rất đáng tự hào. Nhưng nếu có cuộc thi “sinh viên giỏi quốc tế”, tôi chắc thành tích của sinh viên ta sẽ không thể cao như vậy, và sẽ còn thấp hơn nếu có cuộc thi “cao học quốc tế”, “nghiên cứu sinh quốc tế”, và đặc biệt kết quả sẽ rất thấp nếu thi “giáo sư quốc tế”! Dĩ nhiên không có các kỳ thi giả tưởng đó, vì không cần thi, người ta đã biết ai thắng, ai thua: chỉ cần nhìn vào sự phát triển của nền khoa học công nghệ mỗi nước là biết ngay. Vậy thì tại sao chúng ta càng ngày càng đuối sức trong cuộc chạy maratông đến mục tiêu cuối cùng là phát triển khoa học, kinh tế và xã hội? Nói cho cùng, tất cả đều do sự đầu tư công sức, tiền bạc của xã hội cho từng giai đoạn.
Thành tích cao của học sinh phổ thông của chúng ta phần nhiều do hệ thống trường chuyên mang lại. Các trường chuyên được sự quan tâm lớn của Nhà nước, và đặc biệt là các gia đình học sinh. Như vậy, sự đầu tư của xã hội cho một bộ phận học sinh giỏi của chúng ta ở bậc phổ thông có lẽ cũng không thua kém các nước khác. Tuy nhiên, sang đến bậc đại học và cao hơn nữa thì rất khác. Chúng ta chưa đầu tư đúng mức đến việc xây dựng những trường đại học có thể ngang tầm quốc tế. Vậy mà đối với xã hội thì lớp người tốt nghiệp đại học mới thực sự là hạt nhân của sự phát triển, chứ đâu phải là học sinh tốt nghiệp phổ thông. Xem ra, người ta biết đầu tư đúng chỗ hơn ta. Bởi thế nên càng lên, họ càng vượt hẳn chúng ta. Trong khi mỗi tỉnh thành của chúng ta đều có một trường chuyên, không kể 4 trường chuyên phổ thông đặt ở các đại học (Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Vinh, Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM), thì chúng ta chưa có lấy một cơ sở đào tạo sau đại học nào được đầu tư lớn để có thể hy vọng ngang tầm quốc tế . Cũng như vậy, không nhiều giáo sư của chúng ta có được điều kiện làm việc “ngang tầm quốc tế”, nên cũng khó hy vọng trong một thời gian gần, nền khoa học chúng ta có thể đạt được tầm cao mong muốn. Nói cho cùng, cần xem lại chính sách đầu tư trong giáo dục, và cần mạnh dạn có những đột phá trong đầu tư vào đào tạo đại học và sau đại học, như chúng ta từng đột phá trong việc xây dựng các lớp chuyên phổ thông để có kết quả như ngày hôm nay.
Trên đây chỉ là đôi điều suy nghĩ tản mạn về đào tạo nhân tài, nhân dịp kỷ niệm 40 năm tham gia Olympic toán học quốc tế. Vấn đề quá lớn, nên chắc còn phải thảo luận nhiều. Tuy nhiên, cũng cần nhắc một vài quan niệm khác nhau vẫn tồn tại quanh vấn đề này. Có người cho rằng, có quan trọng gì đâu cái huy chương vàng Olympic toán học, vì thực ra nó nào có liên quan thiết thực gì đến kinh tế, xã hội. Nếu nói vậy thì chắc cũng chẳng nên thi chạy 100 mét, 5000 mét, thi đi bộ làm gì, khi mà có thể dùng ôtô, máy bay! Nói cho cùng, các cuộc thi đó đều chứng tỏ khát khao của con người trong việc nâng cao khả năng của mình, cả về cơ bắp lẫn đầu óc. Và thắng lợi trong những cuộc thi đó không thể nói là không có ý nghĩa! Lại cũng có người đánh giá quá cao các tấm huy chương đã đạt được, và cho rằng nếu những “nhân tài” đó chưa được phát huy, trọng dụng thì có nghĩa là xã hội đã có lỗi. Tôi nghĩ rằng, trong cuộc chạy maratông đến đỉnh cao của khoa học, những tấm huy chương vàng Olympic mới là sự ghi nhận thành công của một kilômét đầu tiên. Chỉ những người quyết tâm cao, kiên trì suốt cả chặng đường mới có thể đến đích trước. Vì thế, tôi vẫn thường khuyên một số học sinh của mình sau khi các em được huy chương vàng: hãy quên ngay thành tích đó, và nếu có nhớ thì cũng chỉ nên nhớ về nó như một kỷ niệm đẹp của thời học sinh, chứ không phải như một thành công trong cuộc đời. “Vinh danh” học sinh giỏi cũng là điều tốt, nhưng nên nhớ rằng, vinh quang bao giờ cũng đồng thời là một gánh nặng, nhất là đối với tuổi trẻ.
Nếu như các bạn trẻ cần quên ngay tấm huy chương vừa nhận được, thì các nhà quản lý lại đừng bao giờ quên tấm huy chương đó, vì nếu biết đầu tư đúng lúc, từ những tấm huy chương Olimpic, xã hội có thể có những tài năng thực sự, những người mang lại lợi ích lớn lao cho nước nhà.
Hà Huy Khoái
Theo Hocthenao.vn