40 năm VN dự Olympic Toán học: Vinh quang, bóng tối và ưu tư

Theo Tuoitre.vn
TTCT - Năm 2014 đánh dấu chặng đường 40 năm Việt Nam tham dự Olympic toán học quốc tế (IMO). Đó là một hành trình dài có đủ cả men say chiến thắng và những bóng mờ buồn bã.
Đoàn học sinh thi Olympic toán quốc tế lần thứ 30 tại Đức năm 1989. Người đứng là Ngô Bảo Châu - Ảnh: Trịnh Liêm - TTXVN
Bên cạnh những tâm huyết, những nhìn nhận lại và cả những cảnh báo xác đáng, IMO Việt Nam liệu sẽ tìm được một tinh thần mới?
Khởi đầu trong ngất ngây chiến thắng
Việt Nam bắt đầu tham gia IMO năm 1974, khi IMO thật sự trở thành một kỳ thi quốc tế về toán dành cho học sinh. Theo GS Lê Tuấn Hoa - viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, người từng trượt trong kỳ tuyển chọn đội tuyển quốc gia đầu tiên ấy, kỳ vọng lúc đó ở mức “đi thi để học hỏi”.
Trước kỳ thi 3-4 tháng, học sinh ba lớp chuyên toán của Bộ Giáo dục và một số tỉnh được triệu tập để thi chọn đội tuyển. Sau hai vòng thi, chín học sinh được lựa chọn, trong đó có cậu học trò Lê Tuấn Hoa. Đội tuyển được ôn luyện đặc biệt trong ba tháng dưới sự dẫn dắt của sáu thầy giáo giỏi nhất miền Bắc.
Trước khi đi thi, năm trong số chín học sinh có kết quả học tập cao nhất được chọn, dự kỳ thi IMO lần thứ 16 tại CHDC Đức. Kết quả đạt được là một chiến thắng ngoài mong đợi: 4/5 học sinh dự thi đoạt giải (một HCV của Hoàng Lê Minh, 1 HCB của Vũ Đình Hòa, 2 HCĐ của Tạ Hồng Quảng và Đặng Hoàng Trung). Theo danh sách xếp hạng không chính thức, đoàn Việt Nam xếp thứ 13 trên tổng số 18 đoàn dự thi.
Từ đó về sau, chiến thắng tại IMO của đoàn Việt Nam như đã được mặc định, năm nào đoàn Việt Nam cũng có huy chương. Thậm chí từ năm 1978 trở đi, đã đi thi thì hầu hết đều có huy chương, và không thiếu HCV. Kỳ thi năm 1979, truyền thông cả nước ngất ngây bởi thành tích mà Lê Bá Khánh Trình mang về từ nước Anh. Không chỉ đoạt HCV với số điểm tuyệt đối (40/40), Lê Bá Khánh Trình còn được giải đặc biệt do có lời giải độc đáo.
Dù cho đến nay chưa có thêm thí sinh nào lặp lại điều kỳ diệu mà Lê Bá Khánh Trình đạt được, nhưng một số thành tích sáng láng tiếp tục được ghi lên bảng vàng IMO Việt Nam: chín thí sinh đạt điểm tuyệt đối, sáu thí sinh từng hai lần đoạt HCV liên tiếp. Suốt hàng chục năm, vị trí của đoàn Việt Nam luôn ổn định trong top 15, thậm chí top 10 (hai lần đạt vị trí cao nhất đều ở thứ 3: năm 1999 thi tại Romania, năm 2007 tại Việt Nam).

Chín thí sinh đạt điểm tuyệt đối tại các kỳ thi IMO ngoài Lê Bá Khánh Trình còn có Lê Tự Quốc Thắng (1982), Đàm Thanh Sơn (1984), Ngô Bảo Châu (1988), Đinh Tiến Cường (1989), Ngô Đắc Tuấn (1995), Đỗ Quốc Anh (1997), Lê Hùng Việt Bảo (2003), Nguyễn Trọng Cảnh (2003). Sáu thí sinh từng hai lần đoạt HCV liên tiếp: Ngô Bảo Châu (1988, 1989), Đào Hải Long (1994, 1995), Ngô Đắc Tuấn (1995, 1996), Vũ Ngọc Minh (2001, 2002), Lê Hùng Việt Bảo (2003, 2004) và Phạm Tuấn Huy (2013, 2014).
Những điểm tối
IMO là một “sân chơi” tụ hội những học sinh THPT xuất sắc nhất thế giới về môn toán, nhưng cũng là một cuộc thi - nơi tranh tài ai là người giỏi toán nhất trong số những người giỏi toán. Như mọi cuộc đua tài, quá trình chạy nước rút để về đích là thời gian lý tưởng cho những rắc rối nảy sinh, khi mà sức hút từ vầng hào quang các chủ nhân giải thưởng IMO quá lớn. Là nơi tập trung cao độ tinh hoa của một thế hệ học sinh nên cho đến nay, các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và chọn đội tuyển quốc gia đi thi IMO vẫn là những kỳ thi có uy tín. Nhưng như thường lệ, chuyện gì cũng có bóng tối của nó.
Trong một bài viết gần đây của TS Lê Quang Tiến, cựu thành viên đội tuyển quốc gia Việt Nam dự IMO 17 (năm 1975), anh nhắc đến một số chi tiết có tính chất hậu trường trong việc chọn “gà” đi thi.
TS Tiến viết: “Mặc dù thuần túy chuyên môn nhưng ngay từ năm 1975 đã có vô số yếu tố phi chuyên môn len vào quá trình lựa chọn: phải có đủ thành phần nam, nữ; phải cân đối số lượng giữa các trung tâm “gà” (hồi đó là ĐH Tổng hợp và ĐH Sư phạm). Các thầy từ lò Sư phạm rỉ tai cho “gà” của trung tâm mình đáp án trước các vòng kiểm tra. Thêm cả yếu tố đạo đức, lý lịch, thành phần nữa. Trong đội tuyển năm 1975 có một bạn rất giỏi bị loại vì đã tố cáo các thầy Sư phạm “gà” bài cho học sinh trường mình. Lý do: “Thiếu ý thức kỷ luật, có vấn đề về đạo đức”. Có lẽ cũng là vụ “Đồi Ngô” đầu tiên của ngành giáo dục Việt Nam”.
Trong 40 năm qua, thỉnh thoảng dư luận vẫn bàn tán về những tiêu cực xoay quanh chuyện chọn người đi thi IMO. Chẳng hạn, trong số sáu người đi thi thì già nửa thật sự thắng cuộc trong các kỳ tuyển chọn, non nửa còn lại là thành phần “cài cắm” - kết quả của các kênh vận động hành lang?
Nhưng đó vẫn chỉ là những đồn đại thiếu căn cứ. Chỉ đến năm 1999, lần đầu tiên một “nghi án” tiêu cực trong thi học sinh giỏi quốc gia được đưa lên mặt báo. Tác giả bài báo đầu tiên - một giáo viên dạy toán của khối chuyên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - đặt vấn đề: Liệu có rò rỉ đề thi toán trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia?
Nội dung bài viết cho biết có thí sinh phản ảnh một bài toán trong đề thi chọn học sinh giỏi quốc gia giống bài toán của thầy Nguyễn Vũ Lương (nay là hiệu trưởng Trường THPT chuyên ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội) ra cho học sinh chuyên toán đội tuyển tổng hợp. Sau bài viết này, dư luận giáo viên toán và các nhà khoa học gây áp lực đòi Bộ GD-ĐT phải làm rõ.
Theo giải thích của thầy Lương, bài toán thầy ra cho học sinh dựa trên cơ sở một bài toán trong tài liệu tham khảo của Nam Phi, được đưa vào một tài liệu bồi dưỡng học sinh giỏi mà hầu như giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi toán nào cũng biết.
Chung cuộc, sai sót này được cho là do lỗi thuần túy chuyên môn của Bộ GD-ĐT. Sau vụ việc, một số ý kiến cho rằng xìcăngđan này là hệ quả của sự đối đầu giữa hai “ông lớn” Sư phạm và Tổng hợp để giành ngôi vị thống soái trong phong trào thi IMO.
“Lỗi chuyên môn” tiếp tục được lặp lại và được đưa ra công luận ở kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi IMO năm 2005 với mức độ ồn ào hơn. Sự kiện 2005 được TS Trần Nam Dũng - người từng đoạt HCB ở IMO 1983, hiện dạy ở khoa toán ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - viết khá kỹ trong cuốn Kỷ yếu trại hè toán học 2009.
Theo TS Trần Nam Dũng, thoạt tiên báo chí đăng thông tin về sự trùng lặp của bài toán số 3 - một trong hai bài toán khó của kỳ thi - với đề thi học sinh giỏi cấp thành phố mà Sở GD-ĐT Hà Nội vừa tổ chức trước đó không lâu. Sau khi phân tích kỹ đề thi, giới chuyên môn còn phát hiện bài toán số 5 của đề thi gần giống bài 4 của kỳ thi chọn đội tuyển Hàn Quốc năm 2000, còn bài 2 là một trường hợp riêng của bài 6 trong đề thi chọn đội tuyển năm 1997 của… Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong hồi đó, TS Trần Nam Dũng nhận xét: “Trong quy chế đề thi học sinh giỏi quốc gia, chọn đội tuyển quốc tế phải dùng đề chưa được công bố ở đâu vì đề thi thường được các thầy trò đem ra luyện. Tính mới không có trong đề thi như trên làm ảnh hưởng đến việc học hành thi cử rất lớn, gây ra tâm lý học tủ”. Về sau, Bộ GD-ĐT buộc phải tổ chức thi chọn lại.
Gần đây nhất, năm 2013 cũng xảy ra một khúc mắc. Sau một thời gian tập huấn, chín em dự tuyển phải trải qua một cuộc xét tuyển mới được vào danh sách đội tuyển quốc gia dự IMO gồm sáu em. Chủ tịch hội đồng xét chọn đội tuyển quốc gia chính thức là lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Một số đơn thư được gửi đến cơ quan báo chí cho rằng Bộ GD-ĐT làm như thế là vi phạm quy chế, để Trường ĐH Sư phạm Hà Nội “vừa đá bóng vừa thổi còi” do đơn vị này cũng có học sinh tham dự đội tuyển.
Lê Bá Khánh Trình (giữa), HCV IMO 1979, nay là người thầy dẫn dắt các thế hệ IMO sau - Ảnh: citinews.net
Nhọc nhằn đường vinh quang
Thật ra điểm tối được giới chuyên gia tập trung phân tích, rồi buông nhiều lời cảm thán nhất là sự tụt hạng gần như theo chiều thẳng đứng về thành tích tại IMO của đội tuyển Việt Nam mà đáy là năm 2011, kèm theo đó là những báo động về tình trạng thoái trào của phong trào thi học sinh giỏi.
Sau khi đội tuyển IMO Việt Nam từ IMO 52 ở Hà Lan trở về với sáu HCĐ và toàn đội xếp thứ 31 chung cuộc, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ: “Đối với những người làm toán, sự kiện này không chỉ buồn mà còn rất đáng lo ngại”.
Theo GS Ngô Bảo Châu, vấn đề không phải ở thành tích, huy chương mà ở sự thay đổi trong nhận thức của phụ huynh, xã hội trong các kỳ thi Olympic quốc gia và quốc tế.
Trước đây, có thể chúng ta có một số ảo tưởng cho rằng thành tích các kỳ thi Olympic phản ánh trình độ khoa học của quốc gia, của trí tuệ dân tộc và rồi đặt lên đầu đội tuyển IMO những vầng hào quang tưởng tượng. Những ảo tưởng đó nay về cơ bản không còn nữa. Nhưng tôi hơi lo rằng chúng ta đang đánh đổi một ảo tưởng cũ lấy một ảo tưởng mới về giá trị tuyệt đối của ngoại ngữ, của kỹ năng giao tiếp xã hội, của nghiệp vụ thương mại…” - GS Ngô Bảo Châu nói.
Theo các chuyên gia, dấu hiệu thoái trào của phong trào học toán xuất hiện từ trước đó hàng chục năm, khi mà ngay cả những “đỉnh cao” của phong trào toán học phổ thông cũng không thèm đi học toán khi vào ĐH.
“Thời kỳ khó khăn nhất là thập niên 1990, khi mà toán trở thành vô giá trị nhất với kinh tế thị trường. Thi toán quốc tế là một cơ hội để chúng ta bước vào đời, nhưng không phải bước vào đời cùng với toán mà với cái khác” - GS Phùng Hồ Hải, tổng thư ký Hội Toán học Việt Nam, HCĐ IMO 27 (1986), nhận xét.
Mười năm đầu thế kỷ 21 vẫn tiếp tục là thời gian khó khăn của phong trào học toán, dấu hiệu của nó không chỉ thể hiện trong bảng thành tích của các kỳ thi mà ở thái độ công khai kỳ thị toán. Tháng 11-2005, doanh nhân thành đạt Nguyễn Trung Hà, HCĐ IMO 20 (1978), thẳng thắn tuyên bố: “Người giỏi làm toán là rất lãng phí! Toán học là một thứ vô nghĩa, vô ích với xã hội”.
Để đáp lại lời kết tội này, GS Ngô Việt Trung (lúc đó là viện trưởng Viện Toán học Việt Nam) đăng đàn bằng một bài phỏng vấn dài kỳ nói về thành tựu của nền toán học Việt Nam non trẻ, về những lợi ích không thể chối bỏ mà toán học mang đến cho một nền kinh tế, cho nhân loại…
Nhưng thực tế phong trào học toán phổ thông vẫn không ủng hộ GS Ngô Việt Trung khi mà nhiều năm liên tiếp đội tuyển IMO Việt Nam vẫn bật ra khỏi danh sách top 10. Trong khi đó, những nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore… trước đây không có “cửa” so với Việt Nam thì giờ luôn dẫn trước nhiều bậc!
Tuy nhiên ba năm nay, phong trào thi học sinh giỏi toán nói chung và kết quả của đội tuyển IMO Việt Nam nói riêng đã có những khởi sắc. IMO 53 (2012), đoàn Việt Nam trở về với danh sách top 10 (vị trí thứ 9), IMO 54 (2013) và IMO 55 (2014) đều đứng trong top 10. Một gương mặt mới xuất hiện một cách thuyết phục: Phạm Tuấn Huy (Trường phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM) với thành tích hai năm liên tiếp đoạt HCV.
Dẫu chưa có những bài thi đạt điểm tuyệt đối như thế hệ các chủ nhân IMO Việt Nam trước đây đã xác lập, nhưng với những điều chỉnh đúng hướng trong chính sách dành cho học sinh giỏi, IMO đã đi vào đúng quỹ đạo của nó, là cuộc chơi xứng đáng dành cho những học sinh thật sự đam mê toán. Và người ta bắt đầu nói đến một triển vọng mới, tinh thần mới cho IMO Việt Nam.
THƯ HIÊN

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chân dung người phụ nữ thứ 2 trên thế giới giật giải 'Nobel Toán học'

Con cừu đen của làng toán Việt

Coi chừng khoa học thuộc địa kiểu mới!