Giáo dục đại học đang có vấn đề

Lời bình: Phong thái và cách trả lời thẳng thắn, tập trung vào vấn đề của phó thủ tướng cho thấy ông là một người được đào tạo và học hành trong một môi trường tử tế. Không hổ danh khi ông đạt học vị tiển sĩ từ một nước Bỉ có nền học thuật tiên tiến. Ông đã đi trên con đường giáo dục tiên tiến, văn minh nên ông hiểu cái cách mà người ta đi, những khó khăn và thuận lợi trên con đường đó. Hi vọng ông sẽ góp phần đắc lực chấn hưng nước nhà.
Điều tôi tâm đắc nhất ở ông là một số ý tiêu biểu sau:
  • Giáo dục ĐH cũng đã quen với tự chủ và sát với đầu ra của xã hội nhất, suy cho cùng mục đích cuối cùng của nền giáo dục ĐH là cung cấp nguồn nhân lực. Nói thì đao to búa lớn, thực ra giáo dục ĐH, CĐ là đào tạo ra tiến sỹ thạc sỹ, kỹ sư, cử nhân có đáp ứng được yêu cầu công việc không. Nó thể hiện ở chỗ có xin được việc không, có việc làm ngay không?
  • Tất cả phải đi vào chuẩn theo hướng quốc tế do chúng ta đang hội nhập nên ngành giáo dục, đặc biệt là giáo dục ĐH cũng phải trên một tinh thần hội nhập, theo đầy đủ mọi ý nghĩa của nó.
  •  Tình trạng cơ sở vật chất thì khó lắm rồi nhưng không phải là quyết định tất cả. Cái khó hơn nữa chính là giáo viên. Chưa nói về chất lượng thật mà chỉ tính tỷ lệ giáo sư/giảng viên, giảng viên/sinh viên đã thấy một sự bất cập rất lớn. Ngay giáo sư được chúng ta phong bây giờ có bao nhiêu công trình nghiên cứu công bố trên các tạp chí khoa học nổi tiếng của thế giới, có bao nhiêu người nói chuyện bằng ngoại ngữ của các nước… Đây là những vấn đề chúng ta phải nhìn nhận thực sự một cách rất là cầu thị nhưng cũng phải nghiêm khắc. Nếu không nhìn vào những cái chính này thì giải pháp đưa ra sẽ không triệt để được.
Sau đây là nội dung bài chia sẻ đăng trên báo Dân trí
Đó là những chia sẻ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết TW 8 khóa 11 và Tổng kết năm học 2012-2013 các trường ĐH, CĐ do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng nay 28/12.
Sự cấp bách của việc đổi mới
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Khi làm Nghị quyết thì lãnh đạo nhà nước cũng tính xem từ căn bản, toàn diện là như thế nào? Chúng ta xác định, không phải chúng ta xóa tất cả những cái cũ đi để mình làm lại nhưng rõ ràng phải có chữ căn bản và toàn diện, nghĩa là xem những cái gì đến bây giờ không còn phù hợp với yêu cầu phát triển mới.
Giáo dục liên quan đến tất cả mọi người dân, một sự thay đổi nhỏ không phù hợp sẽ liên quan đến tương lai của một đời người và cộng lại là nhiều năm đối với tương lai của một dân tộc. Chính vì thế, chúng ta phải quyết liệt nhưng phải làm hết sức trí tuệ và bình tĩnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị quán triệt Nghị quyết TW 8 khóa 11 và Tổng kết năm học 2012-2013 các trường ĐH, CĐ do Bộ GD-ĐT tổ chức vào sáng 28/12/2013.

“Chúng ta không “câu giờ”, không câu dầm để kéo lui nhưng phải hết sức khoa học và bình tĩnh. Ngay như cả việc thi tuyển vào ĐH cũng cần phải xem xét một cách cẩn trọng” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đất nước chúng ta đang hội nhập, phát triển trong những năm qua rất tốt, dư luận xã hội cũng còn nhiều vấn đề nhưng nhìn chung với cục diện của thế giới thì việc giữ được mức tăng trưởng như vừa qua, ổn định chính trị xã hội đã là một thành tựu rất lớn. Nói đi là như vậy, và chúng ta rất mừng, thậm chí là rất tự hào.
Trong những diễn đàn quốc tế vừa qua, vị thế của chúng ta được nâng lên, không đơn thuần là một bài phát biểu hay, cử chỉ ngoại giao tốt đúng lúc, đúng chỗ mà quan trọng là đằng sau đó là thế và lực thật của đất nước đã được nâng lên.
Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận, khoảng cách của chúng ta với các nước trong ASEAN vẫn chưa thu hẹp được. Ngay ở các nước trong Đông Nam Á có một số quốc gia bị chững lại nhiều nhưng chúng ta vẫn chưa thể bắt kịp. Cả nước nói chung nhất định phải đổi mới thật mạnh mẽ. Chính phủ đã bàn luận một cách sôi nổi và đều thấy rằng, chúng ta đã đổi mới, chúng ta có nhiều quyết sách rất quan trọng để tạo động lực chuyển từ thời bao cấp sang. Bây giờ, dường như chúng ta đang đứng trước một thách thức, một đòi hỏi tiếp tục phải đổi mới một cách sâu rộng để vươn lên một tầng lớp mới. Điều này hiển hiện ngay trước mắt rồi, nếu không làm chúng ta nhất định sẽ thua.
“Trước đây khi chúng ta gia nhập ASEAN, APEC, WTO, một số hiệp định tự do thì gần như thời cuộc buộc chúng ta cuốn theo phải làm nhưng bây giờ tham gia đàm phán Hiệp định TPP là chúng ta chủ động tham gia vào ngay từ đầu. Như vậy ở tầm vĩ mô thì Đảng và Nhà nước cũng nhận ra rằng, cạnh tranh toàn cầu là gay gắt vô cùng. Nếu mỗi quốc gia không tìm được lợi thế của mình, không chủ động thì nhất định sẽ thua. Ngày xưa thua mất 10 năm thì bây giờ chỉ cần 1 năm thôi thì hậu quả đã bằng 10 năm về trước, vì thế không cách nào khác là chúng ta phải dấn lên và chắc chắn giáo dục đào tạo phải rất thận trọng bởi nó liên quan đến mọi người dân nhưng phải quyết liệt và phải đi trước một bước” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảnh báo.
"Chất lượng đào tạo của chúng ta thực sự có vấn đề”
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, giáo dục ĐH cũng đã quen với tự chủ và sát với đầu ra của xã hội nhất, suy cho cùng mục đích cuối cùng của nền giáo dục ĐH là cung cấp nguồn nhân lực. Nói thì đao to búa lớn, thực ra giáo dục ĐH, CĐ là đào tạo ra tiến sỹ thạc sỹ, kỹ sư, cử nhân có đáp ứng được yêu cầu công việc không. Nó thể hiện ở chỗ có xin được việc không, có việc làm ngay không…
“Chúng ta phải nói là đi vào chất lượng thì rất đúng nhưng thực tế số lượng cũng chưa đủ. Nếu tính tỷ lệ lao động được đào tạo của chúng ta hiện nay chưa được 50%, trong đó tỷ lệ ĐH, CĐ chưa đến 10%. Ngay về số lượng, chúng ta chưa đạt vậy mà theo số liệu báo cáo hiện nay có khoảng 30% sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ ra trường không xin được việc, điều đó có nghĩa chất lượng đào tạo của chúng ta thực sự có vấn đề” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
 
SV khối Ngân hàng nô nức tìm cơ hội tại các “ông lớn”
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, theo số liệu báo cáo, hiện nay có khoảng 30% sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ ra trường không xin được việc, điều đó có nghĩa chất lượng đào tạo của chúng ta thực sự có vấn đề.

Để giải quyết vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, không có cách nào khác là chúng ta phải đổi mới, phải thay đổi thực sự căn bản. Chúng ta có Nghị quyết TW, Luật Giáo dục ĐH, Quy chế mẫu trường ĐH, Quyết định của Thủ tướng và việc thành lập, chia tách, đình chỉ các trường ĐH và còn nhiều nghị định khác nhưng dường như bị vướng mắc ở chỗ nào đó.
“Bộ GD-ĐT đề ra bây giờ thi cử là khâu đột phá, nhận thức này rất là đúng. Tuy nhiên không nghĩa chúng ta chỉ làm một khâu mà phải làm đồng thời ở tất cả các lĩnh vực. Sở dĩ chọn thi cử là khâu đột phá bởi chắc là do nó bức xúc và làm ngay được, có tác dụng lan tỏa đến các khâu khác. Trên hết, tất cả chúng ta phải thống nhất một điều, chúng ta phải làm sao để sản phẩm của giáo dục nói chung và giáo dục ĐH nói riêng phải tạo ra được một đội ngũ lao động có đủ năng lực cả về kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn lẫn cả kỹ năng sống để trước hết thành một công dân tốt” - Phó Thủ tướng phân tích.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định, chúng ta đang hội nhập nên ngành giáo dục, đặc biệt là giáo dục ĐH cũng phải trên một tinh thần hội nhập, theo đầy đủ mọi ý nghĩa của nó. Đây là vai trò của Bộ, của Hiệp hội, tất cả phải đi vào chuẩn theo hướng quốc tế, đương nhiên phải có lộ trình nhưng chúng ta phải hướng tới nó, với một tinh thần quyết liệt, nhanh nhất có thể. Chậm không có nghĩa là chắc chắn, khẩn trương không có nghĩa là đã ẩu.
“Nếu chúng ta xách một xô nước mà đi từng bước một đã khó, nhưng xách một xô nước mà phải chạy nhanh để đuổi kịp người khác thì khó hơn nhưng vẫn phải cố mà làm” - Phó Thủ tướng bày tỏ quan điểm.
Hiến kế giải quyết bất cập giáo dục ĐH, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị đánh giá hiện trạng hiện nay của đào tạo ĐH là như thế nào? Giáo dục ĐH đang ở đâu? Cái gì mình thực sự mạnh, cái gì còn yếu?…
Minh chứng cho một bất cập rất nhỏ nhưng lại để lại hậu quả lớn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xoáy sâu vào tên gọi quốc tế của các trường ĐH Việt Nam hiện nay.
“Không có nước nào đạt tên trường như ở Việt Nam, cái gì cũng đều dùng là University. Ngay tên gọi chẳng đâu vào đâu thì làm sao hội nhập, làm sao để sinh viên tốt nghiệp trường ở Việt Nam sang học tiếp ở các trường quốc tế. Hiện nay, phần lớn trường của chúng ta đang còn xếp hạng khá thấp nên phải rất nghiêm khắc để nhìn lại những cái này. Có những việc tuy rằng rất bé nhưng chúng ta bỏ qua sẽ hình thành nếp suy nghĩ để lại hậu quả rất lớn. Mình vì những sức ép quá nhiều trước mắt mà quên đi những thứ rất căn bản” - Phó Thủ tướng bày tỏ những trăn trở.
Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tình trạng cơ sở vật chất thì khó lắm rồi nhưng không phải là quyết định tất cả. Cái khó hơn nữa chính là giáo viên. Chưa nói về chất lượng thật mà chỉ tính tỷ lệ giáo sư/giảng viên, giảng viên/sinh viên đã thấy một sự bất cập rất lớn. Ngay giáo sư được chúng ta phong bây giờ có bao nhiêu công trình nghiên cứu công bố trên các tạp chí khoa học nổi tiếng của thế giới, có bao nhiêu người nói chuyện bằng ngoại ngữ của các nước… Đây là những vấn đề chúng ta phải nhìn nhận thực sự một cách rất là cầu thị nhưng cũng phải nghiêm khắc. Nếu không nhìn vào những cái chính này thì giải pháp đưa ra sẽ không triệt để được.
Bộ GD-ĐT phải tiên phong trong đổi mới quản lý giáo dục
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ thêm, ở các nước có nền giáo dục phát triển kết hợp với kinh tế phát triển sẽ hướng tới tất cả mọi người có quyền lựa chọn loại trường, loại hình giáo dục cho mình thì việc thi đầu vào không còn quan trọng. Có cái đó rồi, vào trong trường nếu thầy đúng là thầy, trò đúng là trò, giáo sư có đúng cả về trình độ lẫn phẩm cách đáng được tôn trọng nhất trong xã hội thì cũng không cần đặt việc thi đầu vào, bởi vào không học được, ắt hẳn anh sẽ bị loại ra.
Hiện nay chúng ta, ai đó vào trường nhưng học có khi rất là kém nhưng bằng cách này cách nọ vẫn tốt nghiệp được. Nếu ra ngoài xã hội anh không cần bằng cấp gì, anh có trình độ thật sẽ được trọng dụng thì mọi người sẽ bớt chạy theo. Tất cả những cái này đồng ý là liên quan với nhau, đồng ý không phải chỉ có ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm và phải làm được nhưng dù sao ngành giáo dục vẫn là người có trách nhiệm chính.
“Nếu muốn có một khâu đột phá thì trước hết cùng với đổi mới thi cử là phải thay đổi quản lý giáo dục. Tôi đề nghị cần đổi mới ngay công tác này tại Bộ GD-ĐT đầu tiên. Bây giờ làm cái này rất thuận lợi vì chúng ta đã có Nghị quyết, có Luật có các Nghị đinh đang được hoàn thiện. Xã hội đang trông chờ Bộ đổi mới cái này. Bộ mà đổi mới theo đúng nghĩa của nó thì một số trường ĐH cũng sẽ bị đụng chạm rất lớn, Bộ phải sẵn sàng chấp nhận điều đó” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam quán triệt.
 

Thí sinh cùng bạn tranh luận lại đề thi (Ảnh: Doãn Hòa)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: "Hiện nay có cảm giác học phổ thông rất căng thẳng để vào ĐH, CĐ. Nhưng khi vào học rồi thì thấy quyết tâm nhẹ đi". Trong ảnh: Thí sinh dự thi đại học năm 2013.
 
Phó Thủ tướng cũng bày tỏ: Chúng tôi mong làm sao nhiều sinh viên khi vào trường ĐH sẽ được trang bị đầy đủ hành trang. Hiện nay có cảm giác học phổ thông rất căng thẳng để vào ĐH, CĐ. Nhưng khi vào học rồi thì thấy quyết tâm nhẹ đi. Chính vì thế cần đảm sao cho các bạn sinh viên tiếp cận những thứ cần phải học, đáng để học. Chúng ta không thể giấu diếm được những điều này nên cần phải bàn thảo kỹ lưỡng kết hợp với tham gia góp ý của xã hội. Nếu chúng ta thấy đúng, có cơ sở thì công khai sau đó đặt ra tiêu chuẩn, tiêu chí để thực hiện và thực hiện một cách nghiêm túc.
“Dài hơi là như vậy nhưng ngay trước mắt là vấn đề tuyển sinh. Cần phải bàn sau đó tuyên truyền rộng. Chúng ta đổi mới nhưng không làm các thí sinh, sinh viên phải chịu thiệt thòi do đổi mới. Những người xứng đáng có cơ hội hơn phải được lựa chọn vào các cơ sở tốt” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chốt lại vấn đề.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chân dung người phụ nữ thứ 2 trên thế giới giật giải 'Nobel Toán học'

Con cừu đen của làng toán Việt

Coi chừng khoa học thuộc địa kiểu mới!