Thạc sỹ thất nghiệp - Vì đâu nên nỗi?
Lời bình: Một phân tích khá hay về nguyên nhân của các Thạc sĩ thất nghiệp. Các Thạc sĩ cũng nên tự trách bản thân mình trước khi trách cứ, đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan từ chính sách, cơ chế và xã hội. Nếu các bạn thực sự có khả năng thì các bạn sẽ có việc làm. Tại VN hiện nay có rất nhiều cơ sở đào tạo Thạc sĩ, các bạn phải nên chọn các cơ sở đào tạo có uy tín, chất lượng để khi các bạn có tấm bằng trong tay, các bạn có trình độ tương xứng với tấm bằng đó. Nếu các bạn chọn một cơ sở đào tạo dễ dãi, không uy tín, các bạn sẽ chẳng nhận được gì ngoài "danh hão".
Trường Yên - Theo BBC
Trường Yên - Theo BBC
Trong giai đoạn khó khăn của
nền kinh tế, tình trạng thất nghiệp gia tăng là điều tất yếu. Điều này
thể hiện rõ tính cung cầu lao động trong nền kinh tế thị trường. Không riêng gì tại Việt Nam, mà nhiều quốc gia
trên thế giới cũng gia tăng nạn thất nghiệp do khủng hoảng kinh tế toàn
cầu trong thời gian qua.
Báo chí đã nói rất nhiều về tình
trạng lao động chất lượng cao bị thất nghiệp, hoặc phải nhận những công
việc không tương xứng với bằng cấp được đào tạo. Chẳng hạn như hàng
nghìn cử nhân thất nghiệp ở Nghệ An, gần 25.000 sinh viên ra trường thất
nghiệp ở Thanh Hóa, cả nghìn cử nhân làm công nhân tại một doanh nghiệp
ở Đà Nẵng,...
Không chỉ cử nhân thất nghiệp, mà cả thạc sỹ
cũng thất nghiệp. Nhiều bài báo đã nêu lên những trường hợp thạc sỹ thất
nghiệp đi bán sim điện thoại, ở nhà nội trợ, thậm chí đi phụ xe để lấy
tiền xin việc hoặc đi làm công nhân thời vụ.
Đâu là nguyên nhân của vấn đề này?
Theo Luật giáo dục, mục tiêu của đào tạo thạc sỹ
là “giúp học viên nắm vững lý thuyết, có trình độ cao về thực hành, có
khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và có năng lực phát hiện, giải quyết
những vấn đề thuộc chuyên ngành được đào tạo” (điều 39). Đồng thời, yêu
cầu chất lượng thạc sỹ được đào tạo phải “nâng cao những kiến thức đã
học ở trình độ đại học; tăng cường kiến thức liên ngành; có đủ năng lực
thực hiện công tác chuyên môn và nghiên cứu khoa học trong chuyên ngành
của mình” (điều 40).
"Cũng không tránh khỏi sự háo danh về bằng cấp như dân gian vẫn thường nói “nghèo cũng cố cho con học đại học”. Chính họ, tự dồn mình vào con đường tự ti và bế tắc"
Thế nhưng, những trường hợp thạc sỹ thất nghiệp
được báo chí nêu ra hình như không đúng với mục tiêu và chất lượng đào
tạo. Các ‘thạc sỹ thất nghiệp’ này đều cùng lý do không xin được việc
sau khi tốt nghiệp đại học nên học tiếp để hy vọng bằng thạc sỹ sẽ xin
việc dễ hơn. Đây cũng là lý do của phần lớn những người đi học cao học
ngay sau khi tốt nghiệp.
Rõ ràng, mục tiêu đào tạo thạc sỹ là tạo ra lực
lượng lao động có chuyên môn sâu về chuyên ngành, có khả năng làm việc
độc lập, sáng tạo trong chuyên môn và có khả năng nghiên cứu khoa học. Thế nhưng, hầu hết lý do học cao học là để dễ
xin việc như nói ở trên cho thấy, mục tiêu đi học của những người này
không đồng nhất với mục tiêu của đào tạo thạc sỹ. Vì thế, không thấy
những người này khẳng định một cách thẳng thắn về năng lực chuyên môn
lẫn khả năng sáng tạo và nghiên cứu khoa học để phủ nhận việc loại hồ sơ
của họ là bất hợp lý ngoài việc khẳng định họ có bằng thạc sỹ.
Thêm nữa, hầu hết chỉ thấy các thạc sỹ này nộp
đơn xin việc vào các vị trí công chức, viên chức của các cơ quan nhà
nước. Rõ ràng, các vị trí công chức hành chính lẫn chuyên môn ở từ cấp
xã/phường đến cấp sở không cần bằng thạc sỹ. Cũng như các vị trí viên
chức trong các trường tiểu học và phổ thông, các đơn vị hành chính sự
nghiệp cũng không cần đến bằng thạc sỹ.
Có một điều bất nhẫn là hầu hết những ‘thạc sỹ
thất nghiệp’ được báo chí nêu trên đều có gia cảnh khó khăn, gia đình
phải vay mượn tiền để cho họ đi học. Và khi học xong, không tìm được
việc làm thì nợ lại chồng nợ.
'Cao học làm gì?'
Không biết sự thật mà báo chí nêu đến đâu, nhưng
nếu thực sự là như vậy thì những gia đình này, những ‘thạc sỹ’ này đều
có cái nhìn thiển cận về bằng cấp và công việc. Cũng không tránh khỏi sự
háo danh về bằng cấp như dân gian vẫn thường nói “nghèo cũng cố cho con
học đại học”. Chính họ, tự dồn mình vào con đường tự ti và bế tắc.
Vậy, họ cố gắng lấy bằng thạc sỹ để làm gì nếu
không có mục tiêu làm việc tại các cơ quan nghiên cứu, hoặc giảng dạy
sau phổ thông? Họ vay tiền để đi học làm gì nếu ra trường không xin được
công việc đúng với chuyên môn và bằng cấp?
Họ học cao, nhưng tư duy và trình độ có thực sự cao? Bằng cấp có tương xứng với năng lực?
Như đã nêu ở trên, không thấy các ‘thạc sỹ thất
nghiệp’ này khẳng định có đủ năng lực chuyên môn lẫn kiến thức liên
ngành, có đủ năng lực làm việc độc lập và nghiên cứu khoa học. Vì vậy,
dư luận hoàn toàn có thể đặt ra câu hỏi: Bằng thạc sỹ của họ có tương
xứng với năng lực thực sự của họ hay không?
Mỗi chuyên ngành học đều có những đặc thù về
nghề nghiệp, và một người có trình độ cao sẽ khai thác được đặc thù đó
trong quá trình tìm kiếm công việc lẫn tạo ra thu nhập của mình bằng
đúng chuyên môn đã được đào tạo.Đơn cử trường hợp cô thạc sỹ văn chương mà báo
chí nêu trong thời gian qua phải xin đi làm công nhân thời vụ. Một thạc
sỹ văn chương loại giỏi hoàn toàn có đủ khả năng làm việc độc lập bằng
chuyên môn như có thể đi dạy hợp đồng tại các trường phổ thông, ĐH, CĐ
hoặc cộng tác với các báo, tạp chí chuyên ngành để viết bài nghiên cứu,
bài báo, thậm chí viết bài đưa tin. Thực tế trong xã hội đã cho thấy những công việc
như vậy không quá khó nếu họ có năng lực thật sự tương ứng với bằng
cấp. Hiện tại, không ít các sinh viên đã làm những việc như vậy khi còn
đang ngồi trong giảng đường. Vậy, tại sao một thạc sỹ văn chương loại giỏi
không làm được như vậy mà phải đi làm công nhân thời vụ? Rõ ràng, chỉ có
thế là kiến thức thực sự của họ không tương xứng với tấm bằng.
Sẽ có người đặt câu hỏi rằng, không phải ai cũng
viết bài chuyên môn, viết báo được, hoặc xin đi dạy hợp đồng cũng không
dễ. Nhưng xin thưa, điều này hoàn toàn không khó khăn đối với một thạc
sỹ văn chương loại giỏi. Nếu không làm được điều này, chỉ có thể là năng
lực của họ không xứng đáng với tấm bằng, hoặc có vấn đề trong quá trình
đào tạo và cấp bằng của các trường đại học.
Trên đây chỉ phân tích một trường hợp cụ thể.
Các ngành nghề khác cũng có tính chất tương tự, nghĩa là mỗi ngành đều
có một đặc thù riêng trong xã hội, và người có chuyên môn không khó để
kiếm việc nếu giỏi thật sự. Tất nhiên, cũng không loại trừ một số lĩnh
vực hẹp, và sẽ có những người giỏi khó kiếm việc. Nhưng là khó chứ không
phải không thể.
'Việc làm nhà nước?'
"Hầu hết các thạc sỹ đều muốn vào làm việc trong khu vực nhà nước... Phải chăng khu vực ngoài nhà nước không có chỗ cho năng lực và bằng cấp của họ?"
Nhu cầu lao động chất lượng cao là cần thiết
trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội. Nhu cầu này cần thiết cho
cả nền kinh tế quốc dân, nghĩa là cần thiết cho cả các tổ chức, doanh
nghiệp khu vực tư nhân chứ không chỉ dành riêng cho khu vực nhà nước.Trong tiến trình cải cách đất nước theo hướng
hội nhập và phát triển ở Việt Nam. Khu vực nhà nước sẽ thu hẹp lại ở
lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước, các đơn
vị sự nghiệp có thu sẽ chuyển sang cổ phần hóa có vốn nhà nước hoặc tư
nhân hóa toàn bộ. Những lĩnh vực công như giáo dục, y tế, khoa học công
nghệ cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Hiện tại, lao động chất lượng cao của nước ta
chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Chất lượng đầu ra của các trường
đại học, cao đẳng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Rõ ràng, các trường
này cũng như những người học phải xác định rõ đào tạo như thế nào và
học cái gì để đáp ứng yêu cầu đó. Như vậy, có thể thấy nếu một người được đào tạo
đảm bảo chất lượng, có đầy đủ kiến thức chuyên ngành và tư duy tương
xứng với bằng cấp, thì không khó kiếm một công việc, kể cả khi tỷ lệ
thất nghiệp gia tăng như trong thời gian qua. Thế nhưng, hầu hết các thạc sỹ đều muốn vào làm
việc trong khu vực nhà nước như đã nêu ở trên. Phải chăng khu vực ngoài
nhà nước không có chỗ cho năng lực và bằng cấp của họ?
Có thể thấy, hầu hết các ‘thạc sỹ thất nghiệp’
được báo chí đề cập đều không phải thuộc các lĩnh vực kỹ thuật, công
nghệ. Và rõ ràng cơ chế tuyển dụng lao động ở khu vực ngoài nhà nước rất
sòng phẳng, minh bạch, không cần tiền “bôi trơn”, không quá quan tâm
đến bằng cấp, cũng như mức thu nhập sẽ cao hơn nhiều khu vực nhà nước. Vậy tại sao họ lại cố gắng vào nhà nước, trong
khi biết rõ cơ chế làm việc của phần lớn các đơn vị, cơ quan nhà nước
còn nhiều bất cập trong phân công lao động, vẫn còn hiện tượng ưu tiên
con ông cháu cha, vẫn còn hiện tượng bỏ tiền để “chạy việc”. Thậm chí,
để hoàn thành giấc mơ đó, có thạc sỹ chấp nhận đi làm phụ xe để dành
tiền đi xin việc.
Rõ ràng, có một sự mâu thuẫn đối với các thạc sỹ
này, họ muốn nhận được công việc tương xứng với bằng cấp, nhưng lại
không thể hiện được năng lực làm việc tương ứng. Trong khi, khu vực
ngoài nhà nước hoàn toàn có thể cho họ cơ hội thể hiện điều đó. Phải
chăng, họ chỉ dám nộp đơn xin việc vào cơ quan nhà nước vì chỉ dựa được
vào tấm bằng?
Vấn đề ‘thạc sỹ thất nghiệp’ sẽ còn nhận được
nhiều đánh giá, nhận định khác nhau trong xã hội. Và người viết cũng chỉ
đề cập các quan điểm trên theo thực tế chung chứ không phải đúng hết
với mọi đối tượng, mọi nghành nghề trong xã hội.
Tuy nhiên, có thể thấy rõ sự bất cập trong công
tác đào tạo lao động chất lượng cao và nhu cầu của xã hội. Đồng thời,
không thể không nói đến chất lượng và định hướng của công tác đào tạo.
Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Trước hết, các
thạc sỹ này nên tự nhìn nhận và đánh giá năng lực của mình, trước khi đổ
lỗi cho cho nguyên nhân khách quan từ cơ chế, chính sách của nhà nước.