Thư gửi thầy hiệu trưởng

Thùy Mai ( Theo Tạp chí Văn hóa Nghệ An)
LTS: Đã từ khá lâu, môi trường đại học, giảng đường đại học đã bị dư luận kêu ca phàn nàn về chất lượng đào tạo, nhất là văn hóa học đường đang bị sa sút, biến dạng một cách trầm trọng. Sự sa sút này báo hiệu một tương lai ảm đạm không chỉ của nền giáo dục mà cả dân tộc. Rất đơn giản, vì đây là môi trường đào tạo nên đội ngũ trí thức trẻ cho xã hội, cho đất nước. Chúng tôi đăng bức thư/bài viết sau với thông điệp rằng cái xấu, cái tiêu cực nó có ở khắp nơi, trong cả môi trường đại học, hãy cảnh giác với nó!
Thầy hiệu trưởng kính quý.
Trước hết, em xin gửi đến thầy lời chúc sức khỏe, lời chúc hạnh phúc, và chúc cho thầy cùng với nhà trường vinh quang của chúng ta luôn luôn tiến về phía trước trong đà tiến của xã hội, ít nhất là đà tiến theo hình dung của em và các bạn em.
Thầy kính quý!
Em biết thầy rất bận trong một thời gian biểu dày đặc từ hàng trăm cuộc họp hành trong một năm, đọc và kí tá hàng chục công văn, báo cáo, giải trình, kế hoạch trong một ngày và những trận thể thao, những cuộc tiệc tùng chiêu đãi được/bị người ta mời mọc hoặc được/phải mời mọc người ta. Thầy luôn tất bật, luôn giằng co giữa các nghĩa vụ, các lợi ích, ngàn vạn công việc có tên và không tên.
Thầy kính mến!
Em biết thầy rất bận, nhưng xin thầy hãy bớt dăm ba phút trong chuỗi thời gian vàng ngọc ấy của thầy để đọc trọn lá thư này, một mẩu thời gian cỏn con so với những cuộc tiếp rước của thầy.
Trước hết em xin chân thành cảm ơn thầy và hứa bằng danh dự của một sinh viên mới tốt nghiệp loại xuất sắc của trường, rằng sẽkhông bao giờ em quên được mái trường của chúng ta - mái trường đã gắn với em như một phần máu thịt, với những kí ức đáng nhớ, dẫu không phải tất cả đều tươiđẹp, dẫu không phải tất cả đều đúng với tinh thần câu khẩu hiệu “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, và những câu tương tự vẫn treo ngay ngắn trước khu hiệu bộ, dọc lối giảng đường hay chỗ gấp khúc nhọc nhằn của những bậc cầu thang.
Trước hết em xin cảm ơn thầy bằng sự trân trọng với tất cả những gì thầy, và dưới thầy là hệ thống các phòng ban chức năng, các cán bộ, giảng viên, công nhân viên nhà trường đã mang đến cho chúng em, nhất là những giờ học thú vị, bổ ích, để từ đó chúng em có thể lớn lên, một chút thôi, trong nhận thức về các vấn đề của khoa học và của đời sống. Em sẽ nhớ mãi, hình ảnh hiểm hoi của những người thầy luôn luôn quan tâm, chăm sóc cho chúng em, những người thầy đã tận hiến cho chúng em, cho nhà trường và cho ngành giáo dục theo nghĩa đúng nhất của từ này. Ở những con người ấy, chúng em học được thật nhiềuđiều, về trí tuệ, về nhân cách, về những mái đầu điểm bạc hoặc bạc trắng không phải vì tuổi tác, mà vì lo lắng cho chúng em, vì những ưu tư trước thế thái nhân tình, trước những biến động của môi trường giáo dục, trước cả trách nhiệm giữ cho mình được tư cách kẻ sĩ trong thời buổi rất nhiều người được gọi là trí thức đã tha hóa theo cái đà tha hóa nói chung này. Em cũng cảm ơn thầy và nhà trường, cảm ơn xã hội đã tạo ra những mái trường, để trong bốn năm học Đại học, em có thêm nhiều bạn bè, nhiều mối quan hệ mà nếu cứ sinh ra, lớn lên, cày cấy như ngủ một giấc dài sau lũy tre làng thì em sẽ không bao giờ có được, những tình bạn đầy sóng gió, đầy lừa lọc nhưng cũng không ít chân thành, có cả tình bạn lớn.
Thầy kính mến!
Vì lẽ gì em phải cảm ơn thầy và cảm ơn xu thế xã hội hóa giáo dục hiện nay? Bởi nếu không có chủ trương xã hội hóa giáo dục để các trường Đại học mọc lên như nấm; nếu không có chủ trương mở rộng tuyển sinh, đào tạo theo kiểu tát cạn bắt lấy của các trường Đại học, trong đó có cả trường chúng ta, thì không biết số phận em sẽ ra sao? Nếu cứ như cách nay vài chục năm, hoặc gần hơn, chục năm, khi các trường Đại học còn hiếm hoi, tuyển sinh còn khắt khe và chỉ có những người có thực học, thực tài mới dám nghĩ đến chuyện vào Đại học, thì liệu cái ngữ như em, một người, học lực thậm chí chỉ ởmức trung bình, liệu có thể có một chỗ ngồi đàng hoàng hệ chính quy dài hạn tập trung trong trường Đại học danh giá như trường ta? Em tự biết cái mác sinh viên mà xã hội tạo điều kiện cho em nhận lấy thực ra cũng chẳng vinh quang gì, nhưng ít nhất nó cũng an ủi được cha em và mẹ em, những người đang còng lưng trên từng mẩu ruộng chua hoặc leo bấp bênh trên giàn giáo với thu nhập bèo bọt, và đi vay từng đồng cả ưu đãi và không ưu đãi để chúng em đi học, và sau bốn năm họ đã có món nợ khổng lồ chẳng biết có thể thanh toán được nữa hay không? Em cũng cảm ơn thầy, bởi dưới sự quản lí của thầy, chúng em đã có một kết quả học tập không đến nỗi nào. Chắc thầy bận bịu, chắc tình đồng nghiệp với nhau nên nhiều khi thầy nhân hậu bỏ qua những gì mà nhiều cán bộ giảng viên của thầy đang làm, để chắp cánh cho giấc mơ đạt bằng giỏi của chúng em, hay tại thầy hiểu rằng để có một chỗ đứng trong trường Đại học (cũng như nhiều nơi khác), nhiều khi họ đã phải bỏ ra một khoán tiền không nhỏ, và giờ họ có quyền kiếm nguồn thu nhập chính đáng hoặc bất chính để bù đắp? Giải thích thế nào cũng được, chỉ biết rằng nếu không có họ, những người sẵn sàng dung thứ cho lỗi lười biếng hoặc dốt nát của chúng em để cho chúng em những con điểm cao, đổi lại chúng em chỉ cần trả ơn bằng nửa tháng ăn của mình, nghĩa là một phần nào đó thôi, không phải là tất cả, trong món nợ mà bố mẹ em đang phải cõng; hoặc, […], thì ngữ như em làm sao ra trường được, nói gì tới cái bằng xuất sắc em vừa nhận. Mà một vài tiếng đồng hồ so với cuộc đời một con người thì có thấm thía gì đâu phải không thầy? Điều khiến em tủi hổ hơn là phần lớn những người mà chúng em phải quỵ lụy bằng mọi cách ấy là những người mà mỗi giờ lên lớp, họ chỉ khiến chúng em buồn ngủ thêm, bởi họ chỉ đọc giáo án cho chúng em chép câu được câu chăng. Thậm chí, nếu muốn nghỉ học, chúng em chỉ cần giấu giáo án của họ vào một xó xỉnh nào đó mà thôi. Và cái được lớn hơn chính là qua những chuyện này, chúng em đã học được cái cách hối lộ - nói theo ngôn ngữ cha ông là “vi thành”- trong những bước tiếp theo của số phận. Nghĩa là em đã học được cách giữ cho mình một vị trí ổn định, nếu không nói là thăng tiến đều đều, giả sử sau này em có một vị trí nào đó trong cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, chúng em cũng đã họcđược sự nhẫn nhục và chịu đựng: nhẫn nhục trước không ít giảng viên, nhẫn nhục trước tuyệt đại đa số cán bộ các phòng ban: phòng đào tạo, phòng công tác chính trị - sinh viên, trung tâm đảm bảo chất lượng, phòng bảo vệ… Đến đây em lại càng phải khâm phục thầy ở khả năng nắm bắt tâm tư tình cảm của thuộc cấp. Có phải thầy biết rằng cán bộ phòng ban của nhà trường vốn không có ai để quát tháo, để sách nhiễu nên tất cả mọi hống hách, bực bội họ đều được phép nhà trường đổ xuống đầu sinh viên? Thế nên mới có chuyện, thay vì sinh ra để phục vụ công tác đào tạo - nghĩa là phục vụ giảng viên, sinh viên, thì các cán bộphòng ban của thầy lại luôn luôn hạch sách, nạt nộ. Nhiều khi tủi thân đấy, nhưng chúng em không biết phản ứng thế nào, đành phải dạ vâng và cười cợt đểmua một chút lòng thương hại. Mà không chỉ với sinh viên, em cũng đã từng chứng kiến một chuyên viên quèn ở phòng nọ, mặt non choẹt, to tiếng quát tháo một vị giáo sư mà chúng em rất kính trọng. Thầy biết không, lúc ấy, em chỉ muốn tát thật mạnh vào cái bản mặt lưu manh của hắn (em xin lỗi vì nói thế này là thiếuđạo đức học đường), để bù lại chút nào cho người thầy khả kính của em, nhưng em cũng phải ngậm bồ hòn khỏi bị liên lụy. Mà cũng không phải chỉ có chúng em, ngay cả các thầy của chúng em cũng vậy, có cảm giác rằng, đứng trước thầy và phòng ban, họ chỉ là những con cừu, mà thậm chí, thấy đồng loại bị cắt cổ, vẫn không dám be lên, dù chỉ là một tiếng cảm thương!
Em biết thầy rất bận, không có thời gian để quan tâm đến chất lượng giáo dục, đào tạo của nhà trường, vì thầy còn phải lo tiếp rước, giao lưu, phải lo bao nhiêu thứ cho nhà trường và gia đình.Nhưng đó là sự thật. Của ba loài, người ba đấng, không phải ai cũng là thánh nhân, vậy nên em không dám mong thầy sẽ làm được như một Khang Hi xuất cung điều tra nạn tham quan hay Pyotr đại đế, xuống tận xưởng sản xuất xem công nhân làm việc. Em chỉ dám cầu mong thầy, mỗi năm dành ra một vài giờ thôi, đối thoại thật thân tình và thẳng thắn, cởi mở với sinh viên, hoặc ra một quán trà đá nào đó, ngồi với chúng em (hoặc ngồi một bàn nào đó), lắng nghe những điều chúng em nói, thầy sẽ biết sự thật như thế nào. Và nếu có thể, thầy mời thêm ngài bộ trưởng bộ Giáo dục nữa, em tin ngài ấy sẽ có nhận được nhiều điều bổ ích phục vụ cho sự nghiệp giáo dục của đất nước. Xin các vị hãy lắng nghe chúng em!
Thầy kính quý!
Như vậy là em đã hoàn thành một nhiệm vụ, để thỏa mãn lòng hiếu học, thỏa mãn danh dự của cha mẹ khốn khổ của em. Giờ thì em đã cầm tấm bằng Đại học loại xuất sắc. Nhưng tấm bằng ấy có giá trị gì với em đây, khi sức học của em sau bốn năm đại học vẫn chỉ ở mức trung bình, mà nếu sòng phẳng, em sẽ chẳng bao giờ có thể tốt nghiệp được. Với thực học ấy, em làm sao dám vác mặt đi xin việc (sau bốn năm qua, em là kẻ hiếm hoi còn may mắn còn sót lại một chút gì đó của lòng tự trọng, dẫu rất mơ hồ). Vả lại, với cơ chế hiện nay, kể cả em có thực học, nhưng không có vài ba trăm triệu đồng, liệu có thể mua nổi một suất biên chế, dù ở một cơ quan nào đó làng nhàng mà với con cháu các vị tai to mặt lớn, với những kẻ có tiền, không xứng đáng một cái bĩu môi? Chỉ ít ngày nữa thôi, em sẽ lặn lội đến một nơi nào đó, cuốc cỏ cà phê, phát rẫy cao su thuê với đồng thù lao ít ỏi, sống tiếp cái kiếp sống của cha em, mẹ em. Hoặc cũng có thể em sẽ vào một công ti nước ngoài nào đó để sống vạ vật trong những căn phòng thuê tồi tàn, những bữa cơm chỉ có rau nhiễm độc và chịu sự hành hạ đủ điều của những ông chủ người ngoại quốc!
Thầy kính mến, giờ đây em muốn buông xuôi tất cả... […].Mong thầy tha lỗi cho em!
 
 

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chân dung người phụ nữ thứ 2 trên thế giới giật giải 'Nobel Toán học'

Con cừu đen của làng toán Việt

Coi chừng khoa học thuộc địa kiểu mới!