Phê bình luôn là "việc khó"


Theo CAND
Nhân chuyện ồn ào xoay quanh những ý kiến nhận xét nghiêm khắc của một nhạc sĩ lão làng về một số ca sĩ trẻ đã thành danh hiện nay, trong bài trả lời phỏng vấn được tải trên Báo điện tử Dân trí ngày 29/8, nhạc sĩ Dương Thụ đã có câu bình luận đầy chua chát: "Việc phê bình rất khó còn là bởi cả xã hội có nỗi sợ hãi mình bị làm sao đó cho nên ai cũng muốn an toàn… Vì thế tự nhiên nó hình thành cách an toàn là khen nhau, muốn chê thì chê sau lưng. Chê trước mặt có khi bị… trả thù".


Có một câu cách ngôn vẫn hay được nhắc tới trong cuộc sống, rằng thì "Chân lý thuộc về kẻ mạnh". Có nghĩa, khi anh mạnh, anh nói thế nào cũng thành "phải". Lại một câu cách ngôn khác có nội dung tương tự: "Được làm vua, thua làm giặc": Một khi anh đã thắng, đã lên ngôi thì kẻ chống anh ắt bị quy là giặc. Nói vậy để thấy, tuy chân lý là khách quan, và người nắm giữ chân lý, nắm giữ sự thật cũng có nghĩa họ đã nắm giữ một phần sức mạnh, song cũng không phủ nhận là có những sức mạnh có thể khuynh loát, bóp méo, làm biến dạng chân lý, biến dạng sự thật vào một lúc nào đó, ở một nơi nào đó. Và như vậy, người thẳng thắn phê bình, giúp người khác tìm ra chân lý không hiếm khi phải nhận về mình phần thua thiệt. Câu nhận xét của nhạc sĩ Dương Thụ đã nêu được một vấn đề cốt lõi, rất đáng báo động hiện nay: Lời phê bình thẳng thắn, có trách nhiệm không hiếm khi đã trở thành một món hàng "xa xỉ", bởi đi kèm với nó, tác giả của những lời phê bình ấy lắm khi đã phải lãnh về mình… "quả đắng".
Chúng ta đều biết, trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, "quý hồ tinh bất quý hồ đa". Những thứ tinh hoa, tinh túy bao giờ cũng là của hiếm. Người tài bao giờ cũng ít hơn người bất tài. Bởi vậy, nếu lấy số đông để áp đảo, phân định thắng thua thì nhiều khi không giải quyết được vấn đề gì. Nhà thơ Xuân Diệu từng nói đại ý: Trong đấu tranh học thuật, không phải cứ dàn hàng ngang ra vật nhau là được. Cũng vật, theo quan điểm của ông, khi tranh luận về cái hay của một áng thơ, "có khi cãi nhau, thì một người lập luận nào đó thắng cuộc, nhưng với thơ, thì kẻ quyết định cuối cùng là trí nhớ".
Điểm lại chuyện phê bình, góp ý cho nhau, thậm chí có thể gọi là tranh luận, là "cãi vã" nhau trong giới văn học nghệ thuật thời gian qua, tôi thấy nổi lên mấy hiện tượng sau:
Người cao tuổi không rành mạng mủng dễ bị "đại bại" nếu "đụng độ" với những người trẻ, có khả năng "làm chủ công nghệ".
Các nghệ sĩ sáng tác thường thua cuộc nếu "đụng độ" với các nghệ sĩ biểu diễn bởi họ luôn tiếp xúc và có nhiều chiêu trò thu hút công chúng. Đặc biệt, họ có lượng fans hâm mộ đông đảo, sẵn sàng xung trận để bảo vệ họ trong bất kỳ tình huống nào.
Người lên tiếng phê bình, góp ý trên các cơ quan báo chí chính thống (nhất là báo giấy) thường bị bất lợi so với các trang mạng vỉa hè, bởi các trang này có thể in bài vô tội vạ, bất kể dài ngắn, bất kể sử dụng ngôn ngữ đầu đường xó chợ đến đâu chăng nữa. Thậm chí, không hiếm trường hợp, họ còn lên giọng du côn du kề với các tác giả có ý kiến không hợp quan điểm của mình, "dám" lên tiếng phê phán, chỉ trích mình. Cách làm phổ biến hiện nay của một số trang web là: Đưa ảnh, thông tin về tác giả bài viết, địa chỉ nơi ở của họ kèm tên tuổi những người thân của họ rồi tổ chức, hô hào các blogger ẩn danh khắp nơi tham gia "chửi hội đồng", đe dọa hành hung. Trong thực tế, đã có những bậc thức giả, sau khi lên tiếng thể hiện quan điểm của mình trước một cách nhìn, một quan điểm mà họ cho là lệch lạc, sai trái của ai đó, rốt cục chỉ vì bị áp lực quá nặng nề từ cách làm không lương thiện nói trên, đành phải… buông xuôi để tránh những phiền lụy không đáng có cho mình và cả cho người thân của mình.
Nói ra điều này để thấy, "cuộc chiến" phê bình, góp ý, tranh luận học thuật… hiện nay thực sự là một cuộc chiến khốc liệt chứ không hề nhẹ nhàng, đơn giản như ai đó tưởng. Và chúng ta phải cùng cỗ vũ, động viên nhau để vững tâm tham gia cuộc chiến vì công lý, vì lẽ phải, quyết không để mọi việc "mặc cho cuộc đời tự giải quyết". Làm vậy càng khiến các chuẩn giá trị ngày càng trở nên hỗn loạn, gây ảnh hưởng và để lại những di hại tới thẩm mỹ và cách tiếp nhận của các thế hệ công chúng hôm nay và cả nhiều năm tháng về sau.
Trần Thiên Lương

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chân dung người phụ nữ thứ 2 trên thế giới giật giải 'Nobel Toán học'

Con cừu đen của làng toán Việt

Coi chừng khoa học thuộc địa kiểu mới!