Thế nào là tạp chí khoa học quốc tế ?

By: Nguyễn Văn Tuấn

Cách đây vài tuần, chương trình tiếng Việt của Radio Australia có nhã ý hỏi tôi về sự ra đời của Tạp chí Apjcen (Asia Pacific Journal on Computational Engineering) do Gs Nguyễn Đăng Hưng làm tổng biên tập. Câu chuyện xoay quanh định nghĩa thế nào là “quốc tế”. Xin chia sẻ với các bạn vài ý kiến của tôi.

Radio Australia: Xin cho phép gọi giáo sư bằng “Anh”. Anh là người làm khoa học, viết báo khoa học hiểu về điều này trong nước cũng như thế giới, xin anh cho biết thế nào là tạp chí quốc tế? Có phải tạp chí khoa học quốc tế phải có chỉ số ISI, ISSN, Scopus, trong khi đó tạp chí này mới ra lại gọi là Khoa học quốc tế đầu tiên liệu có đúng không?

NVT: Tôi nghĩ câu trả lời là đúng. Những cụm từ “tạp chí quốc tế” chỉ có nghĩa tương đối thôi. Nhiều tạp chí có chữ “international” trước tên nhưng không phải là tạp chí quốc tế, mà có khi là tạp chí dỏm của một nhóm thương gia nào đó ở bên China hay Phi châu. Không phải có chữ “international” trước tên mới gọi là “quốc tế”. Ngược lại, có rất nhiều tạp chí khoa học không có chữ “international” mà vẫn được công nhận là tạp chí quốc tế.

Thật ra, vấn đề không phải là quốc tế hay không quốc tế. Cộng đồng khoa học phân định 2 loại tạp chí: loại có bình duyệt (tiếng Anh gọi là peer reviewed journals), và loại không có bình duyệt (non-peer reviewed journals). Những tạp chí có bình duyệt còn được đánh giá theo các tiêu chuẩn như thành phần ban biên tập, nhà xuất bản, ngôn ngữ dùng, và nằm trong danh bạ của ISI hay Scopus. Một tạp chí quốc tế thường có các chuyên gia có tên tuổi trên thế giới đến từ nhiều quốc gia phục vụ trong ban biên tập. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính trong khoa học ngày nay. Để có trong thư mục của ISI hay Scopus thì đòi hỏi thời gian.

Tạp chí mà anh đề cập có tên là “Asia Pacific Journal on Computational Engineering”. Nhìn vào ban biên tập chúng ta thấy có nhiều chuyên gia nổi tiếng trong chuyên ngành từ Anh, Pháp, Đức, Úc, China, v.v. Bản thân Gs Nguyễn Đăng Hưng cũng là một nhà khoa học tầm cỡ quốc tế. Tạp chí có bình duyệt nghiêm chỉnh, và dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chuyển tải. Nhà xuất bản Springer là nhà xuất bản uy tín. Tất cả những yếu tố đó cho thấy tạp chí Asia Pacific Journal on Computational Engineering có thể xem là một tạp chí khoa học quốc tế. Tất nhiên, chúng ta cũng phải chờ xem những người công bố nghiên cứu trên tạp chí đó là ai nữa mới có thể có cái nhìn chính xác hơn.

Radio Australia: Có phải xuất bản bằng tiếng Anh, hội đồng biên tập gồm các GS, TS nhiều quốc gia gọi là tạp chí quốc tế được không? Có gây sự hiểu lầm nào không?

NVT: Như đề cập trên, những tiêu chuẩn để xem là “quốc tế” bao gồm cơ chế bình duyệt, ban biên tập với thành viên từ nhiều nước, dùng tiếng Anh, v.v. Nhưng nhà xuất bản cũng quan trọng. Trong thực tế, có rất nhiều tạp chí gọi là quốc tế, nhưng thực chất chỉ là trò lừa đảo, vì chỉ cần một website là họ có thể lập một tạp chí quốc tế. Đã có nhiều người bị lừa đảo như thế. Cá nhân tôi tháng nào cũng nhận được thư mời tham gia ban biên tập, đóng góp bài vở, v.v. Mới hôm qua, nhóm Herbert gửi thư mời tôi tham gia ban biên tập một tạp chí về xương. Khi tôi xem ban biên tập gồm những ai, và quan trọng hơn là nhà xuất bản nào đứng đằng sau, thì tôi mới quyết định không tham gia.

Radio Australia: Một tờ tạp chí ra đời cần thời gian bao nhiêu để chứng minh để vào danh sách ISI, ISSN, Scopus? Trong điều kiện VN thì cần phải như thế nào?

NVT: Kinh nghiệm cá nhân tôi thời tham gia thành lập tạp chí Journal of Densitometry thì thời gian cần thiết là 2-3 năm để có trong danh mục của ISI. Trong thời gian đó, tạp chí phải chứng minh rằng bài công bố trên tạp chí được trích dẫn, ban biên tập gồm các thành viên quốc tế, có cơ chế bình duyệt nghiêm chỉnh, đáp ứng tiêu chuẩn về đạo đức khoa học, v.v. thì ISI sẽ xem xét công nhận. Mỗi năm ISI nhận nhiều đơn xin gia nhập, và họ xét theo những tiêu chí tôi vừa nêu. Mỗi năm cũng có tạp chí bị cho ra ngoài danh mục vì gian lận trong việc trích dẫn. Năm nay có hơn 40 tạp chí bị “đuổi” khỏi danh mục ISI vì vấn đề gian lận khoa học.

Radio Australia: Các tạp chí của VN đã có cái nào nằm trong danh sách ISI, ISSN, Scopus chưa (nghe nói có tạp chí Toán học đã vào Scopus) và cần như thế nào để được vào trong này?

NVT: Theo tôi biết thì chưa có tạp chí khoa học nào của VN có trong danh mục ISI. Tôi không biết Scopus có tạp chí nào của VN hay chưa. Scopus thường “rộng lượng” hơn ISI về tiêu chí xét duyệt.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chân dung người phụ nữ thứ 2 trên thế giới giật giải 'Nobel Toán học'

Con cừu đen của làng toán Việt

Coi chừng khoa học thuộc địa kiểu mới!