Thói mượn 'oai hùm'
(Petrotimes) - Có một bộ phận cán bộ là trợ lý hoặc
thư ký, là con cháu của lãnh đạo cơ quan, đơn vị có thói quen nịnh trên,
nạt dưới, khiến nhiều người bất bình, khó chịu. Đó chính là thói mượn
“oai hùm”! Mà thông qua cái sự mượn “oai hùm”, những người này cũng là
biểu hiện của một dạng sĩ diện hão trong xã hội.
Họ là ai, biểu hiện như thế nào? Xin thưa, họ có mặt ở nhiều cấp, nhiều
ngành, ở đâu ta cũng có thể bắt gặp, nhất là đối với những người thường
xuyên phải quan hệ, làm việc với các cơ quan, đơn vị để giải quyết công
vụ.
Lệ thường, ai có công việc gì, không thể trực tiếp gặp được lãnh đạo mà
phải thông qua trợ lý hoặc thư ký giúp việc; có nơi là chánh, phó văn
phòng. Từ thời phong kiến, những người này được gọi là nha lại, bản nha
(quan thì xa, bản nha thì gần). Nếu có quan hệ thân quen thì mọi việc
được giải quyết dễ dàng, người giúp việc sẽ bố trí lịch để gặp gỡ lãnh
đạo sớm nhất. Ngược lại, nếu chưa quen biết nhau, người đến liên hệ công
tác sẽ gặp ngay thái độ hách dịch, cửa quyền và những lời từ chối khiếm
nhã, gây khó khăn cho tiến độ công việc.
Mỗi khi lãnh đạo đi thăm địa phương, cơ sở nào, trợ lý thường báo trước
cho cơ sở đó chuẩn bị các nghi lễ đón tiếp; thậm chí đích thân đi kiểm
tra, đôn đốc. Những nghi thức bình thường với những điều kiện tối thiểu
để phục vụ cho chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo thì không nói làm
gì. Nhưng thông qua trợ lý, mọi việc trở nên phức tạp bởi những đòi hỏi,
hạch sách vô lý khiến cơ sở “vắt chân lên cổ” mà chuẩn bị. Từ phông
màn, khẩu hiệu, bàn ghế, thiếu nữ tặng hoa, văn nghệ, pháo giấy đến cỗ
bàn và quà biếu lúc ra về. Từ bài phát biểu đến lời đáp, từ phải sửa đi
sửa lại nhiều lần mới được duyệt. Và dĩ nhiên, việc ấy cũng phải có
khoản thù lao thỏa đáng cho trợ lý.
Địa phương, cơ sở nào xin phê duyệt dự án gì thì phải gặp trợ lý trước.
Họ sẽ vạch đường chỉ lối, cần qua những cửa nào, cách thức tiến hành ra
sao. Một phương án ăn chia “hoa hồng” cũng được thỏa thuận luôn. Trong
đó, phần trăm “lại quả” cho lãnh đạo và tỷ lệ phí “giao dịch” của trợ lý
phải được ấn định rõ. Họ còn lợi dụng “oai hùm” để làm nhiều việc tiêu
cực khác. Nhiều vị lãnh đạo có tác phong giản dị, say mê công việc,
không đòi hỏi những thủ tục rườm rà, không làm phiền hà cho cơ sở. Nhưng
chính người giúp việc đã bày đặt ra những điều bất hợp lý.
Thậm chí, họ vượt quyền để chỉ đạo cả những vấn đề mà lãnh đạo không hề
hay biết. Mục đích của họ là vừa ra oai, vừa trục lợi cá nhân. Như vậy,
họ là một đối tượng tham ô, tham nhũng và cũng là tác nhân mở đường cho
tham nhũng phát triển. Điều đó ảnh hưởng đến uy tín của các vị lãnh đạo
mà nhiều vị không thể biết được các trò ma giáo của họ.
Có một loại cán bộ khác, không trực tiếp làm trợ lý hay thư ký mà chỉ
là nhân viên bình thường nhưng nhờ có mối quan hệ rộng và có tiềm lực
kinh tế khá nên cũng thường xuyên lòe thiên hạ. Ngồi đâu, gặp ai, những
người này thường sĩ diện khoe khoang quen biết ông nọ, bà kia. Tay chém
gió, miệng nói oang oang: “Tôi vừa tháp tùng cụ đi công tác” hoặc: “Hôm
qua tôi vừa ngồi với cụ A, cụ B. Có nhiều thông tin quan trọng lắm”.
Rồi: “Việc này để tôi nói với cụ một câu là xong ngay”. Để nâng tầm “Mit
tơ oai”, họ nghe nhắc đến ai là lấy điện thoại ra gọi, nịnh nọt “sếp”
vài câu rồi mặt vênh lên như “bánh đa nướng”.
Những đối tượng “yếu bóng vía” hoặc ít thông tin thì kính nể họ và sẵn
sàng móc hầu bao nhờ vả, chạy chọt. Loại cán bộ này cũng nhờ cách hù dọa
ấy mà giàu lên từ nguồn bổng lộc hối lộ của những người muốn mua quan,
bán chức, chạy dự án. Tất nhiên, nhiều khi họ cũng phải dùng một khoản
tài chính khá lớn để mua danh hão. Tiền đút lót trợ lý của lãnh đạo;
tiền lo những bữa nhậu sang trọng để thầy trò lãnh đạo tiếp khách mà bản
thân họ là khổ chủ trở thành người ăn theo, nói leo. Và hôm sau họ lại
khoe với bạn bè rằng: “Hôm qua tôi vừa ngồi nhậu với ông A, ông B”.
Rồi khi đã quen biết thì họ tìm đủ mọi cách để được tham dự những sự
kiện mà có mặt các vị lãnh đạo. Chen chân vào để bắt tay một cái là thấy
vinh dự lắm. Trong cả bữa ăn, họ cũng cố lượn lờ, mang ly rượu đến chạm
chén với lãnh đạo, làm cho các vị khó chịu. Gia đình, họ hàng các vị
lãnh đạo có việc vui buồn gì, họ đều hăng hái đến giúp đỡ bằng cả công
sức lẫn tiền của. Khi đã gây thiện cảm với một số vị lãnh đạo, họ cũng
cố mời bằng được các vị đến dự nhân gia đình họ có việc đại sự. Họ ra
đón rước tận đầu đường. Các loại khách khứa khác đều bị quên lãng bởi họ
mải hầu quan lớn. Không thiếu những người trong số ấy đã nhờ thợ ảnh
chụp lấy tấm hình chung với lãnh đạo, phóng thật to treo ở phòng khách
để hù thiên hạ. Vị lãnh đạo này nghỉ hoặc bị mất chức thì họ lại săn đón
chụp với vị khác để thay thế. Và từ đó, không bao giờ họ đến thăm hoặc
nhắc tới những vị đã hết thời.
Từ việc làm quen để lấy oai, họ dần dà nảy sinh ý đồ chạy chọt lên cấp,
lên chức. Có người tốn kém quá nhiều nhưng chỉ nhận được lời hứa suông
và chờ đợi mãi nên đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Đã có trường hợp một vị
cán bộ mất gần chục năm trời chạy lên chức cao hơn không được, than thở
với bạn bè: “Vừa rồi mình đến thăm lại nhà mấy vị lãnh đạo, nhìn những
món quà giá trị lớn mình biếu trước đây mà thấy tiếc quá”.
Còn một loại cán bộ, nhân viên là con cháu lãnh đạo cũng gây ra bao
điều phiền toái, nhức nhối trong xã hội. Họ coi mình như “con trời”,
ngông nghênh lộng hành khắp thiên hạ, nhìn mọi người bằng nửa con mắt.
Xài đồ đắt tiền, sang trọng; ăn chơi thác loạn, thậm chí mang theo vũ
khí nóng. Khi vi phạm pháp luật, họ còn trơ tráo lớn tiếng đe dọa cả
người thi hành công vụ; lấy bố mẹ, chú bác là quan to ra để chạy tội.
Nhiều người, kể cả quan và dân đều ngại “dứt dây động rừng”, thôi thì
“tránh voi chẳng xấu mặt nào”.
Với những cán bộ nói trên, một số thất thế, hết thời, trở thành nhân
viên làng nhàng, vô tích sự khi sếp của họ nghỉ hưu hoặc mất chức. Bởi
trong số ấy, có người không có năng lực, trình độ chuyên môn gì cụ thể
ngoài năng lực nịnh và bệnh sĩ tiềm ẩn. Lúc ấy, trong ánh mắt mọi người,
họ trở thành nhân vật vừa đáng thương vừa đáng trách. Thương họ một
thời hầu hạ, nịnh bợ quan trên mà bây giờ không còn oai phong, hét ra
lửa trong thiên hạ; trách họ mượn “oai hùm” để gây không ít phiền hà, lỡ
dở công việc của nhiều người, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng.
Từ thực trạng ấy, một vấn đề đặt ra là các vị lãnh đạo dù bận trăm công
nghìn việc thì cũng cần dành chút thời gian để lắng nghe ý kiến phản
hồi, góp ý từ cấp dưới và từ nhân dân về ưu khuyết điểm của những người
giúp việc và con cháu của mình. Nếu không có sự quan tâm, giám sát, để
họ mượn “oai hùm” và sĩ diễn rởm như thế thì nhiều hậu họa sẽ còn tiếp
diễn.
Đức Toàn