Dạy thêm, học thêm: Đừng chỉ đổ lỗi cho giáo viên!
Giáo dục không chỉ gói gọn trong nhà
trường và không thể phụ thuộc hoàn toàn vào các thầy cô giáo. Các em học
sinh dù học ở lớp trong trường cũng như học tại các lớp học thêm cũng
rất cần phải có thời gian tự học, tự nghiên cứu để có thể hiểu và nắm
chắc kiến thức thì mới có thể nhớ và vận dụng vào việc làm bài; việc học
thêm nhiều hay ít hoàn toàn không quyết định lực học giỏi hay kém.
Khi Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT được ban hành, trong đó quy định chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm (DTHT), đã tạo nên xáo động lớn cho ngành giáo dục nước nhà. Hàng loạt các cơ sở dạy thêm, “trông trẻ” đóng cửa, nhiều vụ “bắt” dạy thêm như bắt trộm. Rất nhiều phụ huynh chép miệng, thở dài vì mất đi những “bảo mẫu” chất lượng.
Khi Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT được ban hành, trong đó quy định chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm (DTHT), đã tạo nên xáo động lớn cho ngành giáo dục nước nhà. Hàng loạt các cơ sở dạy thêm, “trông trẻ” đóng cửa, nhiều vụ “bắt” dạy thêm như bắt trộm. Rất nhiều phụ huynh chép miệng, thở dài vì mất đi những “bảo mẫu” chất lượng.
Lâu nay chúng ta vẫn đi tìm nguyên nhân của tình trạng dạy thêm, học
thêm tràn lan, gây mất thời gian, công sức và tiền bạc của phụ huynh và
học sinh. Rất nhiều đối tượng được “hạch tội”, đó là do chương trình học
quá nặng, do cơ chế lỏng lẻo, do nhà trường thờ ơ hoặc do mức lương của
giáo viên quá thấp. Thế nhưng rất ít người phân tích và chỉ ra một phần
nguyên nhân thúc đẩy vấn nạn dạy thêm, học thêm trở nên càng lúc càng
nghiêm trọng - đó là nhu cầu của phụ huynh. Nhu cầu ấy có thể chính
đáng, có thể không, nhưng không thể phủ nhận rằng, phụ huynh cũng đã
“bắt tay” với nhà trường và giáo viên để ép con cái mình học thêm vô độ.
Phụ huynh học sinh cần dành nhiều thời gian hơn trong việc giáo dục trẻ
Cái “bắt tay” hai phía
Theo số liệu của Sở GD-ĐT Hà Nội, có đến 80% học sinh tiểu học ở thủ đô
đã được học cả ngày ở trường, có nghĩa là các em đã học 7 tiết các môn
văn hóa, mỗi môn trung bình 35 phút trong một ngày. Như vậy là đủ thời
lượng để hoàn thành chương trình học được thiết kế cho học sinh cả nước,
hầu hết chỉ học một buổi. Tuy nhiên, có quá nhiều phụ huynh cho rằng,
chương trình đó, kiến thức đó “dưới tầm” của con cái mình và họ đã “bắt
tay” với nhà trường để đẩy học sinh vào vòng xoáy của dạy thêm, học
thêm.
Cái “bắt tay” này đã được hiện thực hóa bằng việc “làn sóng” dạy thêm
học thêm lan rộng ở hầu hết các cấp học và với hầu hết các giáo viên. Đã
có nhiều ý kiến “mổ xẻ” nguyên nhân của những tiêu cực nảy sinh từ công
tác dạy thêm học thêm, trong đó có lý do phụ huynh quá kỳ vọng vào
thành tích học tập của trẻ. Để con cái mình có kết quả học tập không
thua bạn, kém bè, họ nghĩ rằng, việc tăng thời lượng học tập sẽ có thể
rèn thêm kỹ năng, củng cố kiến thức cho trẻ. Cũng có không ít bậc cha mẹ
cho con đi học thêm còn vì tâm lý đám đông, vì sợ không đi học thêm
không được cô giáo đối xử công bằng.
Đã có rất nhiều phụ huynh lo lắng cho con cái mình bằng cách bắt con đi
học thêm dưới nhiều hình thức, có thể học ở trường do trường tổ chức,
có thể đến tại nhà thầy do thầy tự mở lớp, hoặc gia đình tự mở lớp rồi
thuê thầy về dạy cho con… thậm chí, nhiều gia đình khá giả còn thuê hẳn
thầy về dạy kèm con mình!
Hơn thế nữa, ngoài những phụ huynh “ép” con học thêm với hy vọng nâng
cao kết quả học tập, cũng có nhiều gia đình cho con học thêm chỉ để
“nhốt” con tại trường, coi thầy cô giáo như “bảo mẫu chất lượng cao”.
Đây thường là những gia đình mà cha mẹ quá bận bịu công việc, không có
thời gian chăm sóc việc học hành của con cái mình. Vì thế, việc các lớp
học thêm mọc ra như nấm sau mưa lại vô tình trở thành nhà giữ trẻ.
Gia đình chị Đặng Thu Hoài (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đều làm ngân hàng, đi
sớm về muộn là chuyện bình thường. Đứa con gái mới học lớp 4 ngày học 2
buổi hay được nghỉ sớm nên thường tha thẩn chơi một mình chờ bố mẹ đến
đón. Thấy vậy, vợ chồng chị bàn nhau cho con đi học thêm sau giờ tan học
chờ bố mẹ về đón tại nhà cô chủ nhiệm gần trường. Giờ con tan học thì
bố mẹ cũng tan làm.
Bây giờ, lịch học của cô con gái 9 tuổi cũng bận rộn không kém lịch làm
việc của hai nhân viên ngân hàng. Cả ngày bố mẹ chỉ gặp con lúc đưa đi
học vào sáng sớm và tối muộn khi đón con về. Chị Hoài chia sẻ: “Cũng
không muốn cháu học nhiều, nhưng để cháu chơi không còn phí thời gian và
nguy hiểm hơn. Cháu đi học thêm có bạn bè, có cô giáo đưa đón, dạy dỗ
mà kiến thức lại được bổ sung. Tôi thấy chỉ có lợi thôi, không có hại gì
cả”. Mặc dù con gái càng lúc càng ít nói, ít giao tiếp với bố mẹ, chỉ
lấy sách vở làm bạn, nhưng vợ chồng chị Hoài vẫn thấy mừng, vì “con mình
ít nói thì không hư hỏng”.
Thay vì "dồn" con vào lớp học thêm, phụ huynh nên dành nhiều thời gian để chăm sóc, trò chuyện cùng con
Giáo dục không chỉ ở nhà trường
Dạy thêm, học thêm, nhất là ở bậc tiểu học, đã trở thành nỗi bức xúc
dai dẳng của xã hội trong nhiều năm qua. Trong thư gửi ngành GD-ĐT nhân
dịp khai giảng năm học 2012-2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã
nhấn mạnh, trong năm học mới này, ngành cần tập trung giải quyết những
bức xúc về dạy thêm, học thêm không đúng quy định. Sau đó, Bộ GD-ĐT đã
ban hành Thông tư 17, quy định cụ thể về việc dạy thêm, học thêm trong
và ngoài nhà trường, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tiêu cực mà
hình thức dạy và học này mang lại.
Về vấn đề dạy thêm, học thêm tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt đối với
học sinh tiểu học, ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học
(Sở GD-ĐT Hà Nội) đã khẳng định: “Tôi đã không ít lần khẳng định với báo
chí đó là, đối với học sinh cấp tiểu học, nhất là học sinh đã học 2
buổi/ngày thì phụ huynh không nên và không nhất thiết phải cho con học
thêm. Giáo viên và phụ huynh học sinh cần phải nhận thức rõ rằng, đối
với lứa tuổi học sinh tiểu học, thời gian học và chơi cần phải được cân
đối hài hòa, phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý, sức khỏe lứa tuổi”.
Gần đây, dư luận cũng đã ngỡ ngàng trước sự việc các cơ quan chức năng
đi “bắt” giáo viên và các lớp dạy thêm như bắt tội phạm, các thầy, cô bị
kiểm tra, bị bắt ký vào biên bản trước những ánh mắt ngỡ ngàng của học
sinh. Những người thầy muốn sống được bằng nghề, làm thêm ngoài giờ để
cải thiện đời sống vốn đã đạm bạc lại giống như “một tên trộm” trong mắt
học sinh… Suy cho cùng, đó chỉ là phương pháp tạm thời và rất tiêu cực.
Vẫn biết rằng, nhu cầu bổ sung thêm kiến thức cho con, thậm chí kể cả
nhu cầu “giữ trẻ” của phụ huynh rất lớn, nhưng có một vấn đề rất cơ bản
mà rất ít phụ huynh hiểu rõ, đó là giáo dục không chỉ gói gọn trong nhà
trường và không thể phụ thuộc hoàn toàn vào các thầy cô giáo. Các em học
sinh dù học ở lớp trong trường cũng như học tại các lớp học thêm cũng
rất cần phải có thời gian tự học, tự nghiên cứu để có thể hiểu và nắm
chắc kiến thức thì mới có thể nhớ và vận dụng vào việc làm bài; việc học
thêm nhiều hay ít hoàn toàn không quyết định lực học giỏi hay kém.
Thêm vào đó, thay vì “khoán trắng” cho nhà trường và thầy cô trong việc
quản lý cả trong và ngoài giờ lên lớp, phụ huynh học sinh cũng cần dành
nhiều thời gian hơn trong việc giáo dục trẻ cả kiến thức cũng như nhân
cách. Thay vì “nhồi nhét” trẻ vào các lớp học thêm vô độ, cha mẹ cần đưa
trẻ tới những khu vui chơi, bảo tàng lịch sử hay các câu lạc bộ để trẻ
phát triển một cách toàn diện.
Có lẽ chỉ khi nào giáo viên không có nhu cầu dạy thêm, phụ huynh không
có nhu cầu cho con cái học thêm và bản thân học sinh cảm thấy việc học
trên lớp đã đáp ứng đủ lượng kiến thức thì vấn nạn dạy thêm học thêm mới
chấm dứt. Và để có được điều ấy, có lẽ chúng ta không chỉ trông chờ vào
các thông tư, quy định hay những cuộc bắt bớ mà còn cần thay đổi suy
nghĩ của chính những người cha, người mẹ. Chúng ta cần phải nghĩ rằng,
quan tâm đến con cái không chỉ vì “tương lai con em chúng ta” mà vì
“tương lai chính chúng ta”.
Theo Petrotimes