Khoa học Việt Nam mắc kẹt trong phi chuẩn mực, hành chính hóa và tư duy ăn xổi
GS Phạm Duy Hiển
Việt
Nam là nước đi sau về khoa học và công nghệ (KH-CN). Ta du nhập cách
làm KH-CN, ban đầu từ các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô và Đông Âu (ở
miền Bắc), gần đây từ các nước tư bản Âu-Mỹ. Ý thức hệ và thiết chế của
hai hệ thống hoàn toàn khác nhau, song tư duy và cách nghiên cứu khoa
học lại khá giống nhau. Học họ, nhưng ta chẳng giống ai, có chăng chỉ là
những bề nổi bên ngoài, như các danh hiệu giáo sư, tiến sỹ, còn cốt lõi
bên trong thì theo cách tư duy của mình.
Từ chối chuẩn mực phổ quát trong nghiên cứu khoa học
Ở
nước ngoài, chức danh tiến sỹ khẳng định anh đã vượt qua những đòi hỏi
gắt gao về học thuật để có thể bắt đầu theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu
khoa học, hoặc giảng dạy đại học. Ở ta, thiếu tấm bằng tiến sỹ chẳng
những không vênh vang được với thiên hạ mà không thể chen chân vào nhiều
chức quan. Có nơi còn quy định 50% cán bộ thuộc thành ủy quản lý phải
có bằng tiến sỹ (TuanVietnam.net, 29/10/2012). Theo kế hoạch của Bộ
GD-ĐT, đến năm 2020 Việt Nam phải có sáu vạn tiến sỹ để đáp ứng quy mô
mở rộng hệ thống đại học với 450 sinh viên trên một vạn dân, không cần
biết hiện có bao nhiêu người hướng dẫn và phòng thí nghiệm đáp ứng yêu
cầu. Cách quy hoạch ngược đời này đang lạm phát ồ ạt bằng tiến sỹ, thực
học không cần, chuẩn mực khoa học bị gạt bỏ, chưa kể bằng dởm, viết luận
án thuê, đang tràn lan (ANTĐ, 28/10/2012).
Ở
nước ngoài, giáo sư phải là người sáng tạo ra tri thức mới qua hàng
loạt công trình được đồng nghiệp khắp nơi trên thế giới trích dẫn và sử
dụng. Ở ta, trong Quy chế bổ nhiệm giáo sư mới sửa đổi gần đây để tiến
gần hơn đến thông lệ quốc tế vẫn chưa có điểm sàng tối thiểu, chẳng hạn
yêu cầu giáo sư phải có một vài bài báo quốc tế. Giáo sư ở ta được tính
điểm khoa học chủ yếu dựa trên 900 ấn phẩm nội địa, nhưng chưa có tạp
chí nào trong số này, kể cả những tạp chí tiếng Anh, lọt vào Web of
Knowledge của Thomson Reuter (ISI). Đây là cơ sở dữ liệu chứa những
thông tin cơ bản về các công trình khoa học có phản biện quốc tế đăng
trên một vạn tạp chí hàng đầu, bao quát mọi ngành khoa học, kỹ thuật, xã
hội, nhân văn và nghệ thuật.
Tuy
không đâu quy định chính thức, song ISI được giới khoa học khắp nơi xem
như chuẩn mực, một bộ lọc bảo đảm chất lượng đội ngũ nghiên cứu khoa
học, qua đây khẳng định chỗ đứng của nhà khoa học trên mặt tiền thế
giới. Các tổ chức quốc tế cũng dựa vào số bài báo có phản biện quốc tế
và số bằng sáng chế để xếp hạng đại học, trình độ khoa học và năng lực
cạnh tranh của các quốc gia. Cách làm này chưa thể xem là tuyệt hảo,
song tương tự như GDP, tuy còn khiếm khuyết vẫn được dùng làm thước đo
sức mạnh của nền kinh tế. Cho nên né tránh các diễn đàn khoa học quốc tế
chẳng khác nào vận động viên cấp quốc gia chê đấu trường Olympic.
Mãi
gần đây, công bố quốc tế mới được dùng làm căn cứ để đánh giá các đề
tài khoa học cơ bản. Nhưng công bố quốc tế lại không đòi hỏi đối với các
nghiên cứu ứng dụng, kỹ thuật, xã hội, nhân văn chiếm hầu hết ngân sách
và nguồn nhân lực khoa học của đất nước, lại có tác động trực tiếp đến
quốc kế dân sinh. Các ngành xã hội nhân văn chiếm ba phần tư số ấn phẩm
khoa học nội địa hầu như không có mặt trên các tạp chí quốc tế. Các kết
quả nghiên cứu này đúng sai đến đâu, rất khó biết. Trong nhiều thập kỷ
gần đây diện mạo khoa học xã hội nhân văn trên thế giới đã thay đổi hoàn
toàn nhờ có sự xâm nhập của toán học và các khoa học tự nhiên. Nhiều
hướng nghiên cứu đa ngành xuất hiện, khoa học tự nhiên và xã hội đan xen
nhau, không thấy đâu phân chia riêng rẻ như ở ta. Khoa học xã hội nhân
văn của ta đang lạc lỏng khỏi thế giới.
Vì
sao cho đến nay các diễn đàn khoa học quốc tế không được chấp nhận?
Trong số các giáo sư được bổ nhiệm mấy năm gần đây chỉ những người làm
Toán và Vật lý có 4-5 bài báo quốc tế trở lên, đa số những giáo sư
nghiên cứu ứng dụng, kỹ thuật và xã hội, nhân văn chỉ công bố công trình
trong nước. Nhiều người trong số này lập luận rằng nghiên cứu ứng dụng
cốt mang lại lợi ích kinh tế thiết thực, cần gì những mục tiêu hàn lâm.
Lập luận này phù hợp với quan điểm nhiều người trong giới quản lý và các
cơ quan cấp kinh phí, nên có tác động đến chính sách.
Trên
thực tế rất khó đánh giá một công trình nghiên cứu mang lại “lợi ích
kinh tế thiết thực” bằng cách nào (xem phần sau). Vả lai, trong số hàng
triệu công trình nghiên cứu hàng năm trên thế giới chỉ một số rất ít có
tiềm năng trực tiếp tạo ra những ứng dụng nào đó. Trong khi đó, nghiên
cứu khoa học có sứ mạng tìm ra tri thức mới, mà cái mới lại rất dễ khẳng
định qua bài báo có phản biện quốc tế. Những khám phá trong khoa học cơ
bản là tri thức mới đã đành, những quy luật tự nhiên, xã hội ở Việt Nam
mà thế giới chưa biết, những phiên bản ứng dụng có thêm phát hiện mới
trong điều kiện cụ thể ở nước ta … vẫn cứ rất mới với thế giới, miễn là
nhà khoa học phải am tường mọi kết quả nghiên cứu và phương pháp luận
hiện đại nhất, từ đó tìm được chỗ đứng dành cho kết quả nghiên cứu của
mình trên mặt tiền khoa học.
Cũng
phải thừa nhận rất khó tìm được chỗ đứng trên mặt tiền khoa học nếu
không có thiết bị nghiên cứu, phòng thí nghiệm và hạ tầng kỹ thuật hiện
đại. Chính khó khăn này giải thích tại sao công bố quốc tế của Việt Nam
nghiêng hẳn về Toán và các môn lý thuyết. Số bài báo quốc tế về khoa học
thực nghiệm, ứng dụng và kỹ thuật quá ít, không tương xứng với quy mô
nhân lực và đầu tư, và ít hơn hẳn các nước xung quanh như Thái Lan,
Malaysia.
Bước đột phá trong chiến lược KH-CN 2011-2020
Gần
đây lãnh đạo Bộ KHCN đã tạo ra bước đột phá rất đáng mừng, chính thức
khẳng định công bố quốc tế là thước đo năng lực nghiên cứu khoa học của
đất nước. Chiến lược KH-CN 2011-2020 (sau đây gọi tắt là Chiến lược) nêu
rõ mục tiêu (thứ hai) tăng số lượng công bố quốc tế từ các đề tài sử dụng ngân sách nhà nước trung bình 15-20%/năm. Mục tiêu thứ năm lại ghi rõ đến năm 2020 hình thành 60 tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đạt trình độ khu vực và thế giớí.
Tăng
số lượng công bố quốc tế 15-20%/năm là mục tiêu hoàn toàn khả thi, Ngay
trong mười năm 2000-2009 chúng ta đã đạt tốc độ 15-16%/năm, ngang với
Thái Lan và Malaysia, chỉ kém Trung Quốc (20%/năm), nhưng nhanh hơn
Philippine và Indonesia (5,7%/năm). Song số lượng công bố quốc tế chưa
phản ảnh đầy đủ năng lực nghiên cứu và hiệu quả đầu tư cho khoa học của
một quốc gia. Phân tích các công bố quốc tế của Việt Nam và 11 nước Đông
Á cho thấy chất lượng các bài báo (dựa trên chỉ số trích dẫn trung
bình) của Việt Nam còn thấp, nhiều ngành trực tiếp liên quan đến quốc kế
dân sinh chưa có công bố quốc tế, và phần lớn đồng tác giả Việt Nam
không đóng vai trò chính trong các công trình. Số công trình do nội lực
chỉ chiếm 30%, vào loại thấp nhất khu vực, so với 90% ở Nhật, Hàn Quốc
và Đài Loan (xem bài “A comparative study of research capability of East
Asian countries and implication for Vietnam” đăng trên Higher
Education, Vol. 60, trang 615-625, bản dịch tiếng Việt trên Tia Sáng,
22/06/2010).
Bước
đột phá trong “Chiến lược” sẽ đưa chúng ta thoát khỏi tình trạng lạc
lỏng bấy lâu nay để sớm sánh vai với các nước, nhanh chóng tiếp cận mặt
tiền khoa học. Song muốn đạt được các mục tiêu trong “Chiến lược” cần có
những đột phá mới để khoa học Việt Nam khỏi bị mắc kẹt trong những tư
duy, cơ chế và cơ cấu tổ chức bất cập hiện nay.
Hành chính hóa hoạt động nghiên cứu khoa học
Chỉ
bám vào nguồn kinh phí duy nhất từ ngân sách nhà nước, lại thiếu chuẩn
mực nghiêm túc, hoạt động nghiên cứu khoa học rơi vào tình trạng hành
chính hóa, do các quan chức hành chính cầm cân nẩy mực. Họ là những
người chưa hề nghiên cứu khoa học, hoặc nếu xuất thân từ giới khoa học,
họ sẽ ném ngay “hòn gạch gõ cửa” sau khi lọt vào chốn quan trường (Lỗ
Tấn, Khổng Phu tử ở Trung Quốc đời nay, bản dịch Phan Khôi). Đối với
nhiều người trong số họ, khoa học giờ đây chỉ còn là chiếc áo khoác bên
ngoài, bên trong là danh, quyền và tiền, những cạm bẫy rất ít ai thoát
khỏi.
Hành
chính hóa nghiên cứu khoa học đặt ra luật chơi hành chính. Đề tài các
cấp vận hành theo kiểu hợp đồng kinh tế như ra đầu bài, đấu thầu, tuyển
chon, kiểm tra tiến độ v.v…Kinh phí được quyết toán dựa trên số ngày
công khai báo cho từng thành viên tham gia, số trang dịch thuật, tiền
thuê mướn nhân công, vật tư, hóa chất tiêu hao v.v… Sản phẩm phải mục sở
thị như quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn nhà nước, phần mềm, số cơ sở sử
dụng các kết quả v.v…. Để được nghiệm thu lại phải có đầy đủ các chứng
từ, hóa đơn thanh toán hợp “lệ”. Chỉ có bài báo quốc tế là không đòi
hỏi.
Bởi
bài báo quốc tế yêu cầu cao hơn hẳn. Đó là phát hiện mới (new
findings), tính độc đáo (originality), góp phần đẩy hướng nghiên cứu lên
phía trước (significant advances in field) và phương pháp luận hiện đại
(state-of- the art approach). Không cần hội đồng đông người, chỉ một
trong hai phản biện lắc đầu, bài báo sẽ bị từ chối. Rõ ràng từ đề tài
được Bộ KH-CN nghiệm thu đến bài báo quốc tế được chấp nhận là một
khoảng cách rất xa, đầy thách thức, nhiều người đành bỏ cuộc vì không
còn kinh phí và thời gian, họ phải lao tiếp vào đề tài mới để tồn tại.
Song những đề tài, luận án nói trên lại được dùng làm căn cứ bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư. Theo Quy chế, giáo sư phải
hướng dẫn chính ít nhất hai nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận
án tiến sĩ, chủ trì ít nhất một đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ hoặc
đề tài cấp cao hơn đã nghiệm thu với kết quả từ đạt yêu cầu trở lên.
Các tân giáo sư sẽ được phân vai mới trong hệ thống hành chính, chủ trì
các đề tài, dự án, chương trình nhà nước, có tiếng nói nặng cân hơn
trong các hội đồng xét duyệt và nghiệm thu. Cuộc chơi trên sân nhà có
thêm vai diễn mới, không thấy hồi kết.
Hành
chính hóa nghiên cứu khoa học bộc lộ nhiều lỗ hổng làm nơi ẩn chứa cơ
chế xin cho, ban phát, vốn là sản phẩm của thời bao cấp. Thời nay, mỗi
đề tài, dự án cấp Bộ trở lên thường được cấp từ hàng trăm triệu đến hàng
chục tỷ đồng, nên không còn ai ban phát vô tư nữa, kẻ cho người nhận
đều phải biết hành xử theo “luật thị trường”. Có hội đồng khoa học để
xét duyệt và nghiệm thu, nhưng hội đồng lại do chính bộ máy hành chính
lập ra để dễ dàng hợp thức hóa các ý định của mình. Hội đồng chỉ bàn về
học thuật không tham gia xét duyệt kinh phí cho đề tài, việc này thường
được dàn xếp giữa người ban phát và người nhận. Tiếng nói chính trực
thường là thiểu số và sẽ không có cơ hội trong các lần sau.
Dễ
hiểu tại sao nạn gian dối – điều tối kỵ nhất trong khoa học – lại lên
ngôi trong những năm gần đây. Khai gian, khai khống các khoản chi là
chuyện thường tình. Mọi người đều gian dối nên không ai phải xấu hổ. Bịa
số liệu, đạo văn, thuê viết luận án …, ngày càng phổ biến. Nhóm lợi ích
hình thành qua các đề tài dự án, che chắn nhau rút ruột kinh phí nhà
nước. Phi chuẩn mực và hành chính hóa làm cho môi trường học thuật ở
nước ta ngày một tù mù, vàng thau lẫn lộn, nghiên cứu khoa học trở nên
tùy tiện, đề tài nào, công trình nào cũng xem là nghiên cứu, hội thảo
nào cũng có thể gán thêm mác khoa học. Báo chí và xã hội không phân biệt
được thực và giả, nhà khoa học đích thực với những người khoác áo khoa
học.
Từ
môi trường học thuật này không thể xuất hiện đỉnh cao mà chỉ có số đông
làng nhàng, thiếu chuyên nghiệp. Lao vào quan trường là con đường tiến
thân độc đạo, số người theo đuổi học thuật đến cùng hiếm dần, thành phần
ưu tú ngày càng vắng bóng trong lãnh đạo các viện nghiên cứu, trường
đại học và ngay ở những cơ quan đầu não về KH-CN. Rất đông tài năng trẻ
được đào tạo bài bản ở nước ngoài không tìm thấy đất dụng võ khi trở về
nước. Thực trạng này liệu các nhà lãnh đạo có biết?
Không thành công trong nội địa hóa công nghệ
Nhà
nước có chủ trương nội địa hóa công nghệ, nhưng thiếu quyết sách. Hàng
điện tử và công nghệ cao là mủi nhọn xuất khẩu, dự kiến đến 2020 kim
ngạch lên đến 45% để minh chứng cho mục tiêu công nghiệp hóa theo hướng
hiện đại của đất nước. Riêng chín tháng đầu năm 2012 kim ngạch xuất khẩu
lên đến 15 tỷ USD, chiếm 18% tổng kim ngạch. Song phần lớn là sản phẩm
từ các doanh nghiệp nước ngoài, và đằng sau những con số ấn tượng trên
là một sự thật ê chề: “trong mặt hàng này các doanh nghiệp Việt Nam
nhập 100% linh kiện nước ngoài…, phần nội địa hóa chỉ là vỏ nhựa, thùng
các tôn và xốp” (SGGP, 25/9/2012).
Về
cơ khí, nội địa hóa công nghiệp ô tô trong hơn hai thập kỷ qua chỉ đạt
vài phần trăm (Vneconomy, 03/07/2012), xem như thất bại. Công bằng mà
nói, thành tích nội địa hóa công nghệ ấn tượng nhất chính là mấy con tàu
trọng tải 50 nghìn tấn được VINASHIN cho hạ thủy và xuất khẩu. Nhưng
VINASHIN vỡ nợ, gây hậu quả nghiêm trọng cho đất nước. Các học giả có
dịp ném đá vào đống đổ nát mà ít ai quan tâm nhặt ra từ đó bài học nội
địa hóa công nghệ thành công hay thất bại.
Có
nhiều lợi thế hơn VINASHIN, nhưng TKV và EVN cũng không chịu nội địa
hóa công nghệ. Theo Quyết định 167/2007/QĐ- TTg, hàng chục nhà máy chế
biến alumina sẽ được xây dựng từ năm 2007 dến 2025 trên Tây Nguyên,
nhưng không có từ ngữ nào nhắc đến lộ trình nội địa hóa công nghệ, trong
khi Việt Nam sở hữu một tiềm năng bô xít lớn thứ năm thế giới. Chính
phủ cũng không yêu cầu TKV hứa hẹn đến bao giờ sẽ có công nghệ Việt Nam.
Mẻ alumina đầu tiên đang chậm tiến độ hơn hai năm, và trên thực tế cả
đại dự án bô xit đang gặp bế tắc, chính phủ phải rút quy mô chỉ còn hai
nhà máy thí điểm. Một kết quả nhãn tiền, bởi không chỉ công nghệ, mà cả
khoa học cũng đứng ngoài. Bao nhiêu bài toán kinh tế, kỹ thuật, môi
trường, xã hội … chưa được nghiên cứu thấu đáo trước khi ra Quyết định.
Hàng
chục nhà máy điện chạy than được EVN xây dựng trên khắp cả nước đều rơi
vào tay nhà thầu nước ngoài. Không biết đến bao giờ mới thấy tua bin và
máy phát điện do người Việt tự chế tạo. Trong khi đó, EVN đi tắt đến
thẳng điện hạt nhân, đề xuất đưa vào vận hành hàng chục lò phản ứng từ
2020 đến 2030. Nhiều ý kiến phản bác hoặc đề nghị đình hoãn kế hoạch mạo
hiểm này sau khi xảy ra thảm họa Fukushima. Nhưng chúng đều lọt thỏm
trong luồng dư luận phải làm điện hạt nhân mới có quốc phòng mạnh, mới
có nước Việt Nam hiện đại vào năm 2020.
Thành
ra hiện đại hay không là ở người tiêu dùng. Nói nôm na, với chiếc
iphone 5S bên tay lái Mercedes ngày một phổ biến trên các xa lộ nước ta,
người Việt cũng hiện đại không kém người Mỹ, người Đức. Đó là nhờ ta
biết đi tắt đón đầu, đúng như lời một vị Bộ trưởng dõng dạc thuyết phục
Quốc Hội trước đây ba năm: “xây dựng đường sắt cao tốc Bắc –Nam chính là
phương án đi tắt đón đầu lên thẳng hiện đại”.
Không có bằng sáng chế
Không
có sản phẩm từ công nghệ Việt Nam, bằng sáng chế cũng không có nốt.
Việt Nam hầu như không có bằng sáng chế đăng ký ở Mỹ (US Patent and
Trademark Office, US PTO). Trong khi đó, năm 2011 Indonesia và
Philippines sở hữu hàng chục bằng, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Hàn
Quốc còn nhiều hơn gấp bội. Báo chí đổ lỗi cho 9000 giáo sư/ phó giáo sư
(VietnamNet, 5/11/2012) khiến mọi người có dịp mang các vị ra đàm tiếu
mà không biết rằng nghiên cứu khoa học khác nghiên cứu công nghệ. Sản
phẩm nghiên cứu khoa học là tài sản chung cho mọi người cùng sử dụng,
bằng sáng chế là bí quyết công nghệ của doanh nghiệp được bảo vệ và mua
bán thông qua cơ quan đăng ký. Chính doanh nghiệp, chứ không phải tác
giả, phải bỏ tiền ra để đăng ký bằng sáng chế và hưởng lợi từ việc mua
bán nầy.
Đâu
phải làm thơ, nhà khoa học lấy đâu ra bằng sáng chế khi doanh nghiệp
không yêu cầu. Thiếu bằng sáng chế chứng tỏ trình độ quá thấp của nền
công nghiệp nước nhà. Chúng ta chỉ du nhập công nghệ từ nước ngoài để
sản xuất, mà không nội địa hóa để có công nghệ của mình. Nếu cần thay
thế công nghệ, doanh nghiệp sẽ đi mua, hơn là đầu tư nghiên cứu.
Tư duy ăn xổi
Dù
sao, thiếu bằng sáng chế cũng đặt ra dấu hỏi về tính thiết thực và hiệu
quả của nghiên cứu khoa học. Ở Việt Nam hai thuật ngữ khoa học và công
nghệ luôn gắn với nhau, thậm chí đồng nhất với nhau trong cùng một khái
niệm như thị trường khoa học công nghệ, hội chợ khoa học công nghệ v.v…
Chính sự nhập nhằng này trong tư duy làm cho nghiên cứu công nghệ đích
thực vẫn là bãi đất trống. Đây là hệ quả của tư duy ăn xổi, muốn nghiên
cứu khoa học phải cho ra ngay sản phẩm trên thị trường.
Khoa
học và công nghệ hỗ trợ lẫn nhau, nghiên cứu khoa học tạo ra mảnh đất
cho công nghệ phát triển, và ngước lại. Tuy nhiên ngay trong số hàng
triệu bài báo khoa học công bố hàng năm trên thế giới, rất ít công trình
có tiềm năng tạo ra công nghệ hay dịch vụ. Nếu có, còn phải trải qua
nhiều khâu, đòi hỏi thời gian, công sức và kinh phí. Kết quả nghiên cứu
phải được kiểm nghiệm và củng cố bằng nhiều nghiên cứu mới tiếp theo,
bảo đảm chất lượng (QA), prototype, quy mô pilot, thử sai (trial by
error) nhiều lần trước khi đưa ra ứng dụng. Tư duy ăn xổi bỏ qua các
khâu quan trọng này, nên nghiên cứu khoa học sinh ra những đứa trẻ đẻ
non, chết yểu, làm thất thoát nguồn kinh phí lớn của nhà nước. Bao nhiêu
đề tài chế tạo thiết bị với tính năng “chẳng kém nước ngoài”, nhưng chỉ
là đơn chiếc mang trưng bày ở triển lãm, hội chợ, sau vài năm mất hút.
Số trẻ đẻ non, chết yểu này nhiều lắm, cứ chọn ra một số đề tài, dự án
lớn được Bộ KHCN nghiệm thu từ 5 đến 10 năm trước đây sẽ thấy ngay.
Tư
duy ăn xổi không thể tạo ra những đỉnh cao khoa học, những hướng nghiên
cứu mũi nhọn có thể sớm bứt phá lên mặt tiền khoa học thế giới. Các
quan chức muốn thấy thành tích ngay trong nhiệm kỳ của mình, lại phải
ban phát, rải đều quả thực cho mọi người, năm nay anh có đề tài, sang
năm đến lượt anh khác, người làm khoa học giống như dân du canh, không
chuyên sâu vào một hướng nhất định. Trong khi đó, khoa học phát triển
được nhờ tích lũy và kế thừa, công trình đẻ ra công trình, thành công
lẫn thất bại trong công trình trước đều để lại dấu ấn trong các công
trình sau. Biết tích lũy và kế thừa, tri thức sẽ tăng tốc theo cấp số
nhân, được lưu lại trong đầu con người qua các thế hệ, trở thành một
dạng chứng khoán (stock) của các doanh nghiệp, thành truyền thống của
phòng thí nghiệm và hình hài của nền khoa học.
Qua
cơ chế tích lũy và kế thừa, người tài mới xuất hiện, người khác đứng
trên vai họ (stand on the shoulder of giants) để nhìn rõ chân trời phía
trước. Nhờ đó các nhóm nghiên cứu mạnh được hình thành và phát triển,
các thế hệ khoa học sinh ra và trưởng thành nối tiếp nhau. Theo “Chiến
lược”, năm 2020 nước ta sẽ có 60 nhóm nghiên cứu mạnh. Hy vọng họ, và
những người lãnh đạo của họ, sẽ làm nên hình hài nền khoa học nước nhà.
Thế giới sẽ biết khoa học Việt Nam qua họ. Các thế hệ tương lai sẽ nhớ
đến thế hệ hiện nay qua các công trình khoa học của họ.
Mấy bước đột phá thay lời kết
Chỉ
cần cố gắng làm giống như các nước khác, KH-CN Việt Nam sẽ thoát ra
khỏi tình trạng hiện nay. Nghiên cứu khoa học chỉ được xem là đích thực
khi tìm ra tri thức mới. Những người cầm quân, như giáo sư, chỉ được bổ
nhiệm khi có chỗ đứng nhất định trên mặt tiền khoa học. Công bố quốc tế
phải được dùng làm thước đo thay cho các chuẩn mực hành chính. Làm được
những việc này sẽ tạo ra bước đột phá lớn đẩy lùi tệ nạn xin cho, ban
phát và những tiêu cực trong môi trường học thuật hiện nay.
Sản
phẩm nghiên cứu khoa học là đỉnh cao văn hóa, làm tăng vốn tri thức của
đất nước, tác động đến chính sách và nâng cao mặt bằng dân trí, từ đó
tạo nên sức mạnh tác động đến phát triển kinh tế xã hội. Trường đại học
là nơi gánh vác tốt nhất sứ mạng này. Từ trường đại học tri thức khoa
học lan tỏa ra cộng đồng, do đó phải tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên
– những người lan tỏa tri thức – được tiếp thu tri thức mới trực tiếp
từ những nhà khoa học có chỗ đứng trên mặt tiền khoa học. Nghĩa là phải
ưu tiên tập trung nghiên cứu khoa học về các trường đại học và xây dựng
lên tại đây những nhóm nghiên cứu mạnh. Chúng ta đã bỏ lỡ bao nhiêu cơ
hội rồi, giờ đây không được chậm trễ nữa.
Nghiên
cứu công nghệ khác với nghiên cứu khoa học và cần có chỗ đứng trong
phát triển kinh tế. Nên cho qua đi niềm tự hào Việt Nam là nơi thu hút
vốn FDI, ODA nhiều nhất, thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất…. Không thể mãi
mãi làm người tiêu thụ mà phải bước lên bục cao hơn của những người tạo
ra tiện ích cho xã hội. Con đường duy nhất là nội địa hóa công nghệ, sau
đó tiến lên đổi mới để cạnh tranh. Cho nên rất cần một quyết sách từ
phía nhà nước, đừng để doanh nghiệp mãi chạy theo lợi nhuận trước mắt mà
quên lợi ích lâu dài của dân tộc. Và sau quyết sách là tầm nhìn và
trách nhiệm của những nhà lãnh đạo KH-CN. Bởi tìm ra cách đi hợp lý
trước trăm bề ngổn ngang hiện nay, thật không dễ chút nào.