Táng tận lương tâm

Có lẽ chưa bao giờ sự tha hóa trong cung cách làm ăn, buôn bán của người Việt ta lại xuống cấp như ngày nay. Chưa bao giờ vì mưu sinh, vì làm giàu mà người ta bất chấp thủ đoạn, quên đi đạo đức, lương tâm, sẵn sàng đẩy nguy hại cho đồng loại đến như vậy.

Ra đường, chạy xe thì dính phải đinh do đinh tặc rải, dắt xe vào vá thì bị cắt ruột xe, phải thay với giá cắt cổ. Đổ xăng tại không ít cây xăng thì không chỉ bị gian lận số lượng mà còn gặp phải xăng dỏm, gây hỏng xe. Ra chợ thì mua phải thực phẩm thiếu an toàn; không ít quán ăn chế biến thực phẩm bẩn bán cho thực khách. Báo chí mấy ngày qua đưa tin nhiều người chết vì uống nhầm rượu dỏm làm từ men của Trung Quốc hay áo ngực từ Trung Quốc có chứa chất độc...
Thật khó kể hết những chuyện tương tự bởi đầy rẫy. Đó là sự táng tận lương tâm đến mức đáng báo động, làm nhói đau lương tri; cuộc sống với những ý nghĩa tốt đẹp nhất của nó đã bị những con người tha hóa làm cho vẩn đục... Đó là sự gian dối thắng thế hoặc mặc nhiên được chấp nhận, là người ngay phải sợ kẻ gian. Phẫn nộ biết bao khi thấy kẻ trộm đến nhà hàng xóm khiêng đồ mà không dám kêu bởi sợ chúng quay lại trả thù. Xót xa biết bao nhiêu khi người làm ra rượu lại không dám uống, rau nhà trồng không dám ăn mà bán cho người khác bởi đó là rượu độc, rau bẩn...
Hơn 70 năm trước, nhà cách mạng xuất thân Nho học Lương  Văn Can đã  viết: “Bí quyết thành công đối với nhà kinh doanh là ở sự trung thực. Nghĩa là nguồn lợi thu về phải theo lẽ tự nhiên, đừng bao giờ vì lợi mà làm điều xằng bậy. Giả dụ như người tích lũy gạo, vải mà lại mong mất mùa lúa, mùa bông thì đó là cái tâm địa độc ác. Lại có người kinh doanh chuyên làm hàng giả để đánh tráo hàng thật, cũng bởi lòng tham không cùng mà thôi. Lòng ngay thẳng, khoan hậu với người, đấy cũng là phép kinh doanh vậy!”. So ra đến nay, những lời ấy vẫn còn nguyên giá trị. Sự trung thực, không làm điều xằng bậy, khoan hậu với người lẽ nào lại trở thành một thứ xa xỉ hoặc mơ hồ, trái với đạo lý truyền thống của người Việt ta?
Từ xa xưa, cha ông ta đã để lại cho con cháu câu chuyện cái cân thủy ngân đầy ý nghĩa. Đôi vợ chồng chế ra cái cân cán rỗng, trong đổ thủy ngân để mua bán gian lận, bao giờ phần lợi cũng về mình. Khi họ hồi tâm phá bỏ cái cân thì chẻ cân ra, trong cán cân đọng một cục máu đỏ và không lâu sau hai con đều chết. Lại thêm một thời gian dài làm ăn lương thiện và điều phúc đức, họ mới có lại hai con trai và sau này các con lớn lên đều thành đạt. Ngày nay, ai dám chắc mình mãi giàu có và an lành khi bản thân làm điều sai quấy với đồng loại. Bàn tay không nắm lại được cả ngày, sẽ có lúc lo âu vì làm điều ác và không trả giá cách này thì cũng cách khác mà thôi.
Cho dù lương tâm thức tỉnh hay không, điều cần bàn ở đây là hệ thống luật pháp phải đủ mạnh để răn đe, ngăn chặn và các cơ quan chức năng kiểm tra kiểm soát thị trường phải làm tròn nhiệm vụ của mình. Một xã hội sẽ bình yên nếu pháp luật được thượng tôn; cái ác, cái xấu bị đẩy lùi, không có cơ hội để manh nha, hoành hành.
Theo nld.com.vn

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chân dung người phụ nữ thứ 2 trên thế giới giật giải 'Nobel Toán học'

Con cừu đen của làng toán Việt

Coi chừng khoa học thuộc địa kiểu mới!