Dự báo sai động đất, các nhà khoa học ra tòa
TT - Một phiên tòa đang gây chấn động cho giới khoa học
thế giới: ngày 23-10, sáu nhà khoa học và một cựu quan chức Ý đã bị
tuyên án 6 năm tù vì “dự báo sai động đất”.
Vụ động đất này là 306 người thiệt mạng ở L’Aquila hai năm trước.
Những hình ảnh đau thương thiệt hại về người và của sau động đất ở L’ Aquila ngày 6-4-2009 - Ảnh: Reuters |
Bảy bị cáo đều là thành viên Ủy ban quốc gia về dự báo
và ngăn chặn nguy cơ nghiêm trọng của Ý và là các nhà khoa học nghiên
cứu địa chấn hàng đầu của Ý và thế giới.
Ngoài án tù, họ còn bị cấm đảm trách các công việc tại
các cơ quan nhà nước, phải thanh toán án phí và bồi thường thiệt hại 50
triệu USD. Tòa án địa phương xác định họ đã “phạm tội giết chết nhiều
người”. Còn công tố cáo buộc họ “cẩu thả và khinh suất vì đã cung cấp
những đánh giá nguy cơ địa chấn không hiệu quả cũng như đưa ra những dự
báo không đầy đủ, thiếu chính xác”.
Bản án gây sốc
Trận động đất mạnh 6,3 độ Richter xảy ra ngày 6-4-2009
sau nhiều đợt rung chấn nhẹ tại L’Aquila, thành phố đã nhiều lần bị động
đất phá hủy.
Ủy ban quốc gia về dự báo và ngăn chặn nguy cơ nghiêm
trọng của Ý có trách nhiệm đánh giá nguy cơ sau hàng loạt rung chấn cấp
thấp từ nhiều tháng trước khi động đất xảy ra. Một tuần trước động đất,
ủy ban đưa ra một tuyên bố đảm bảo không có động đất, nhưng cũng nói
thêm là không thể dự báo chính xác liệu động đất có xảy ra không. Họ
cũng khuyến cáo cần nghiêm khắc thực hiện các giải pháp chống rung chấn,
đặc biệt là ở các công trình xây dựng. Trong biên bản họp ngày
31-3-2009, Enzo Boschi, cựu chủ tịch Viện quốc gia Địa vật lý, được cho
là đã đánh giá số dư chấn nhiều không có nghĩa động đất mạnh sắp xảy ra.
Còn ông Franco Barberi, người đứng đầu ủy ban, cũng được cho là đã kết
luận không có lý do gì để tin rằng hàng loạt rung chấn cấp độ thấp là
dấu hiệu của một sự kiện lớn hơn.
Kết thúc phiên tòa kéo dài từ tháng 9 tới nay, sau bốn
giờ đọc cáo trạng, thẩm phán Marco Billi đã đưa ra một phán quyết “lịch
sử”, gây nên những phản ứng khác nhau trong dư luận.
Bị cáo Bernardo De Bernardinis - cựu phó giám đốc phòng
kỹ thuật Cơ quan Bảo vệ công dân Ý - nói: “Tôi tin trước Chúa và loài
người, tôi vô tội. Cuộc đời tôi từ ngày mai sẽ thay đổi. Nhưng nếu tất
cả quá trình xét xử đều cho rằng tôi có tội thì tôi sẽ chịu trách
nhiệm”. Còn bị cáo Enzo Boschi chỉ nói: “Tôi những tưởng mình sẽ được
tha bổng. Tôi vẫn không hiểu tôi có tội gì”. Còn luật sư bào chữa
Marcello Petrelli mô tả bản án là vội vã và không xác đáng.
Đối với những nhà nghiên cứu và đánh giá thảm họa thiên
nhiên ở Ý, tất cả đều cảm thấy choáng váng. Bởi theo họ, trong tương
lai những phát ngôn, dự báo của họ sẽ phải chịu sự soi xét chưa từng có,
và họ lo sợ một ngày nào đó bản thân họ cũng sẽ bị đưa lên “đoạn đầu
đài” trong một phiên tòa tương tự vì những dự báo khoa học của mình.
Trong khi đó, Guido Fioravanti - một trong những nhân
chứng, người có cha chết vì động đất - cho biết anh đã gọi điện thoại
cho mẹ lúc 11 giờ đêm định mệnh đó, ngay sau những rung chuyển đầu tiên.
“Tôi nhớ mẹ tôi nói giọng rất sợ hãi. Nếu là những lần khác, chắc chắn
họ đã tìm nơi an toàn cho mình. Nhưng đêm đó, cha mẹ tôi cứ nhắc đi nhắc
lại tuyên bố của ủy ban là mọi chuyện rất an toàn, không sao cả”. Họ đã
ở lại và phải trả giá bằng mạng sống của mình!
Phiên tòa tuyên án sáu nhà khoa học hàng đầu và một quan chức Ý về tội “giết chết nhiều người” khi đưa ra cảnh báo động đất sai - Ảnh: AFP |
Phán xử khoa học
Quyết định truy tố các nhà khoa học địa vật lý hàng đầu
của Ý đã khiến cộng đồng khoa học thế giới lên tiếng chỉ trích dữ dội.
Các cơ quan hàn lâm quốc tế cho rằng không ai có thể dự báo chính xác về
điều gì sẽ xảy ra ở L’Aquila vào ngày 6-4-2009. Nhận định này tương tự
như nhận định của các luật sư bào chữa. Khoa học chưa sở hữu được quyền
năng đoán định chính xác về thời gian của các sự kiện tương lai. Khả
năng tốt nhất của khoa học đến nay là cảnh báo về nguy cơ và những khả
năng có thể xảy đến, khả năng động đất ở một số độ mạnh nhất định tại
một thời điểm nào đó trong tương lai.
Một số chuyên gia cũng cảnh báo vụ việc có thể tạo ra
tiền lệ nguy hiểm, khiến các nhà khoa học và giới chuyên gia không còn
muốn chia sẻ kiến thức với cộng đồng vì sợ trở thành mục tiêu của các vụ
kiện tụng.
Trước khi phiên tòa diễn ra, hơn 5.000 nhà khoa học đã
ký thư ngỏ gửi Tổng thống Giorgio Napolitano để bày tỏ sự ủng hộ đối với
các bị cáo. Giám đốc Bệnh viện hoàng gia Berkshire của Anh Malcolm
Sperrin cho rằng bản án là đầy ngạc nhiên và tạo tiền lệ đáng lo ngại.
“Nếu giới khoa học bị trừng phạt vì đưa ra các dự báo hóa ra là sai,
hoặc vì không dự báo chính xác một sự kiện sau đó xảy ra, nỗ lực khoa
học sẽ bị giới hạn ở chỗ chỉ dự báo cái chắc chắn mà thôi (thì còn gì
gọi là dự báo nữa), như vậy lợi ích từ những phát hiện trong nhiều lĩnh
vực, từ thuốc cho tới vật lý, sẽ bị hạn chế và đình trệ”.
Trong khi đó, nhà chức trách lại cho rằng vụ án được
đưa ra xét xử không phải chuyện dự báo sai, mà là bản thân các nhà khoa
học đã không đưa ra đủ cảnh báo về nguy cơ đối với người dân, về việc họ
đã cố tìm cách trấn an người dân khiến họ hiểu sai về những nguy cơ
đang đối mặt.
Trước khi mở phiên tòa, công tố viên thành phố
L’Aquila, Alfredo Rossini, cũng khẳng định “chúng tôi đơn giản chỉ muốn
công lý”. Vào đêm động đất, nhiều người vẫn ở trong nhà và chết vì lời
khuyên của các nhà khoa học, còn những người khác quyết định ở ngoài
đường thì lại sống. Bác sĩ Vincenzo Vittorini, người mất vợ và con gái,
nói: “Không ai muốn được chỉ bảo rõ là khi nào động đất chính xác xảy
ra. Chúng tôi chỉ muốn được cảnh báo là mình đang ngồi trên bom”.
Giáo sư Luciano Maiani, giám đốc Ủy ban quốc gia về dự
báo và ngăn chặn nguy cơ nghiêm trọng của Ý, đã từ chức để phản đối bản
án với các đồng nghiệp của mình vì “ủy ban không thể làm việc với điều
kiện khó khăn như vậy”. Phó chủ tịch Cơ quan Bảo vệ công dân Ý Mauro
Rosi và chủ tịch danh dự Giuseppe Zamberletti cũng đệ đơn từ chức để
phản đối.
Theo tuoitre.vn