Nền công vụ đang xuống cấp
Lời bình của tôi: Sự kiện hai nhà báo bị đánh trọng thương trong vụ cưỡng chế thu hồi đất tại Văn Giang đã gây bức xúc rất lớn trong xã hội. Sự vụ này một lần nữa gióng hồi chuông báo động về thái độ cửa quyền của cơ quan công quyền đối với người dân, đạo đức suy đồi của một bộ phận công an, thái độ quan liêu của một bộ phận quan chức và đặc biệt là trình độ ứng xử, giải quyết tình huống của các quan tỉnh. Sự thấp kém về năng lực chuyên môn và đạo đức công vụ của một bộ phận quan chức cấp cao đang có vẻ lan rộng. Đến bao giờ Việt Nam mới phát triển được khi có các vị quan kiểu này!
SGTT.VN - “Phải xem lúc bị đánh các phóng viên có xưng
là nhà báo không, có thẻ hành nghề không hay là khi bị đưa về cơ quan
công an mới xưng là nhà báo? Vấn đề này cần làm rõ mới xác định được
tính chất vụ việc”. Đó được cho là nguyên văn phát biểu của chánh văn
phòng UBND tỉnh Hưng Yên khi trả lời phỏng vấn của báo chí, quanh vụ hai
nhà báo của đài Tiếng nói Việt Nam bị lực lượng cưỡng chế thu hồi đất
tại Văn Giang hành hung trong lúc đang tác nghiệp.
Nhà
báo Nguyễn Ngọc Năm - trưởng phòng phóng viên thời sự, chính trị, kinh
tế của Đài Tiếng nói Việt Nam - người bị lực lượng cưỡng chế thu
hồi đất Văn Giang hành hung. Ảnh: Báo Tuổi trẻ
|
Dư luận rất bức xúc trước kiểu nói này. Bởi, ai cũng
biết và, suy cho cùng, buộc phải biết rằng ngoài trường hợp phạm pháp
quả tang, thì việc sử dụng vũ lực để thực thi công vụ ở nơi công cộng
chỉ được pháp luật cho phép trong các trường hợp cần phải ngăn chặn hoặc
vô hiệu hoá sự chống đối hoặc cản trở cũng bằng vũ lực của người này,
người nọ.
Vả lại, sức mạnh trấn áp của quyền lực công, cái theo
giả thiết chỉ nhằm phục vụ cho việc bảo đảm và duy trì trật tự xã hội,
không thể được sử dụng tuỳ thích, mà phải theo quy trình và có mức độ
thích hợp, tuỳ giai đoạn, tình huống. Trước hết, nếu thấy người không có
liên quan đến vụ việc mà cứ chàng ràng tại hiện trường, thì phải mời họ
đi chỗ khác; nếu họ không tự giác đi ra, thì tiến hành khống chế và
trục xuất; và nếu họ có hành vi chống đối, thì mới có thể bị trấn áp
bằng vũ lực một cách thích ứng, với mục đích duy nhất là triệt tiêu mối
nguy hiểm mà họ có thể gây ra cho người thi hành công vụ.
Các quy tắc này được áp dụng bất kể chủ thể chống đối
hoặc cản trở là ai, có liên quan hay không có liên quan đến vụ việc,
quan chức hay thường dân. Đáng lý ra, vấn đề phải là những người bị đánh
có được quyền lui tới hiện trường và có hành động gì tỏ ra đe doạ tới
sự an toàn của lực lượng thi hành công vụ hay không, chứ không phải họ
có là hoặc có xưng là nhà báo hay không trong lúc bị đánh.
Cái đáng lo không chỉ dừng lại ở nguy cơ lạm dụng quyền dùng vũ lực của người thi hành công vụ. Qua thái độ ứng xử của một số quan chức khi giao tiếp với công chúng, sự tầm thường, nếu không muốn nói là sự thấp kém cả về năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức công vụ của người được giao chức năng quản trị, điều hành, đang có dấu hiệu lây lan trong hệ thống. |
Không chỉ bức xúc, dư luận đồng thời còn ngạc nhiên vì
cách đặt vấn đề kỳ quặc và hoàn toàn phi logic ấy lại có tác giả là một
quan chức có cỡ của một tỉnh, và được lồng trong lời phát ngôn chính
thức nhân danh nhà chức trách trong khuôn khổ giải trình công khai về sự
việc. Có thể người nói chưa có kinh nghiệm đối đáp trước giới truyền
thông nên dễ lúng túng; hoặc có khả năng do hiểu biết kém cỏi mà nói
sai; hay cũng có thể vẫn biết, vẫn tỉnh táo, nhạy bén và đã chuẩn bị từ
trước để nói như thế.
Rõ ràng, cái đáng lo từ câu chuyện, cũng như từ những
chuyện tương tự xảy ra gần đây và được báo chí đưa tin, không chỉ dừng
lại ở nguy cơ lạm dụng quyền dùng vũ lực của người thi hành công vụ
trong xử lý các vụ việc rối rắm trong đời sống xã hội, đặc biệt là các
tình huống nhạy cảm liên quan đến đất đai, giải toả và đền bù. Người ta
còn nhận thấy, qua thái độ ứng xử của một số quan chức khi giao tiếp với
công chúng, sự tầm thường, nếu không muốn nói là sự thấp kém cả về năng
lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức công vụ của người được giao chức
năng quản trị, điều hành, đang có dấu hiệu lây lan trong hệ thống.
Phải thấy rằng các mối quan hệ trong giao tiếp của cơ
quan công quyền với chủ thể được quản lý càng lúc càng trở nên tinh tế,
phức tạp; một phần do nhận thức xã hội, pháp lý của người dân, theo sự
phát triển kinh tế và quá trình hội nhập của đất nước, đã được nâng cao
đáng kể. Đặc biệt, ý thức của người dân về việc bảo vệ các quyền của chủ
thể, nhất là quyền sở hữu tài sản bằng công cụ luật pháp ngày càng tốt
hơn. Trong hoàn cảnh đó, một bộ máy quản lý với nhiều vị trí yếu kém lại
có thiên hướng hành động tuỳ tiện, lộng quyền dễ khiến cho quyền lực
công trong nhiều trường hợp bị đặt ở vị trí đối đầu với dân thường trong
cuộc xung đột lợi ích. Với tình trạng ấy cộng thêm nạn ăn nói hồ đồ khi
tiếp xúc với công luận, sự giảm sút lòng tin của người dân đối với
chính quyền là khó tránh.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện
Xem thêm tại: