Cổng Trường Thực nghiệm đổ vì... Ngô Bảo Châu?
Không rõ Trường Thực nghiệm Hà Nội có tên ở Thủ đô từ năm nào, ảnh hưởng của ngôi trường này đến đâu? Mô hình trường này đã có số lượng bao nhiêu trong hệ thống giáo dục phổ thông tại Việt Nam?
Nhưng đêm 12, rạng sáng 13/5 vừa rồi, các bậc phụ huynh chen lấn, mua đơn để con (cháu) được dự thi vào lớp 1 của quí trường, đã xô đổ cổng sắt nhà trường là một...sự kiện mang lại hiệu quả mạnh hơn rất nhiều, nếu so với các video quảng cáo bán hàng trên các phương tiện truyền thông trên đất nước này.
Đến nỗi, GS Hồ Ngọc Đại, người sáng lập Trường Thực nghiệm Giảng Võ, phải thốt lên: "Tôi thương phụ huynh quá".
Tuy vậy cũng cần nói lời cám ơn các đấng phụ huynh ngày hôm ấy, cám ơn cách tổ chức bán "đơn xin dự thi" của Ban Giám hiệu nhà trường vì đã không cần tốn xu nào mà cả nước, biết đến nhà trường.
Đã có nhiều ý kiến, nhiều bình luận về sự kiện "cổng sắt Trường Thực nghiệm đổ". Xin không nói thêm nữa.
Nhưng một trong những ý kiến rất được chú ý, đó là tâm lý nhiều vị phụ huynh tin tưởng khi cho rằng, vì GS Ngô Bảo Châu, người đoạt Giải thưởng Fields đã từng là học trò trường này.
Vừa không oan, và vừa oan cho Ngô Bảo Châu quá!
Từ ngày thành lập, Trường Thực nghiệm (đến nay vẫn đang thực nghiệm), chắc đã có nhiều trăm, nhiều nghìn học sinh học tại đây. Và Trường Thực nghiệm (cũ) rất tự hào có một Ngô Bảo Châu. Nhưng cũng còn những học sinh trung bình, học sinh chưa đạt yêu cầu...thì có lẽ chưa ai thống kê.
Nếu các bậc phụ huynh nghĩ rằng ngôi trường này đã đào tạo được, dù chỉ một NBC, và hy vọng, con (cháu) mình cũng sẽ có thể trở thành...nổi tiếng, e rằng...hơi bị nhầm. Tất nhiên, hy vọng chẳng ảnh hưởng đến ai, càng không hề ảnh hưởng đến hòa bình thế giới.
GS Ngô Bảo Châu
|
Vì rằng từ khi có người dạy/người học, từ khi có nhà trường, không ai dám phủ nhận vai trò của nhà trường, không ai dám phủ nhận vai trò của thầy, cô (người dạy). Xã hội càng phát triển với internet thì vai trò của nhà trường, của thầy cô giáo không hề thay đổi. Không cái gì có thể thay thế ông thầy.
Nhưng đóng góp vào thành công của người học, nhà trường, thầy cô giáo chỉ dám nhận một phần rất nhỏ.
Không ai, không ở đâu, có thể đào tạo được nhân tài. Lê Quí Đôn, 3 tuổi đã xuất khẩu ra nhiều vế đối tuyệt vời. Ông được coi là bác học của Việt Nam. Trần Đăng Khoa, 8, 9 tuổi đã có "Góc sân và khoảng trời". Nhà trường nào, thầy, cô nào đã dạy họ? Câu trả lời là "không".
Còn nhớ cách đây gần nửa thế kỷ, khi vừa bước chân vào đại học, tại một buổi học, thầy Đoàn Nồng (thân phụ của GS Đoàn Quỳnh, TS Đoàn Hương) đã nói với chúng tôi: "Tôi đến đây, có mặt ở đây, không phải để dạy các em. Tôi chỉ hướng dẫn các em cách học, cách tư duy".
Chúng tôi quá ngỡ ngàng...và sợ nữa. Ra trường, được giữ lại trường làm giảng viên, rồi được đi học, đi tu nghiệp nước ngoài, chúng tôi càng thấm hiểu câu "nhập môn" của thầy Đoàn Nồng.
Càng học, càng dạy, càng tôn kính thầy. Thầy Đoàn Nồng đã về với tổ tiên lâu rồi, không một danh hiệu, không tấm huân, huy chương nào. Nhưng tấm Huân chương đẹp nhất dành cho thầy là thầy sống mãi trong tim nhiều thế hệ học trò.
Và nhất là cách dạy của thầy, phương pháp dạy của thầy vẫn rất hiện đại đối với bộ môn Giáo học pháp, mặc dù, lúc ấy, điều kiện học chỉ có bảng đen và phấn trắng.
Quá mong muốn cho con cái phải có nhiều thành tích học tập, phải được học ở các trường có tiếng, có "thương hiệu", các trường chuyên, lớp chọn...liệu đã phải là cách lựa chọn đúng?
Sao nhiều người không tự hỏi hàng năm phần lớn thủ khoa vào các trường đại học chỉ đã học ở các trường phổ thông thường, thậm chí có những trường ở vùng núi, khó khăn.
Rất nhiều thủ khoa, suốt 12 năm học phổ thông, sáng đi học, chiều đi cấy đi cày, hoặc phụ giúp cha mẹ kiếm sống từng ngày? Và tại tất cả các quốc gia phát triển làm gì có hệ thống trường phổ thông chuyên.
Giáo dục đang trở nên...méo mó không giống đâu
Giáo dục là cho mọi người. Giáo dục phải là môi trường bình đẳng nhất, dân chủ nhất. Và bản chất của giáo dục là phi lợi nhuận.
Nước ta đang lúng túng trên nhiều lĩnh vực. Giáo dục không phải là ngoại lệ. Quá nhiều loại hình giáo dục. Nhiều mô hình...nhưng chương trình thì nghèo nàn. Sách giáo khoa cho phổ thông thì vẫn đang hy vọng sau 2015 sẽ có bộ sách tốt (?)
Từ ngày "xã hội hóa giáo dục" nhiều người không hoặc không chịu hiểu đúng nghĩa của nhóm từ này, nên giáo dục ở mọi cấp học trở nên méo mó... không giống đâu. Những thành tích học tập, thi thố (người viết không muốn dùng chữ này), chủ yếu do tư chất học trò và kết quả "nuôi gà chọi".
Đóng góp vào thành công của người học, nhà trường, thầy cô giáo chỉ dám nhận một phần rất nhỏ. |
Đến ba cái trò chơi trên tivi như "Tìm kiếm tài năng" cũng làm sôi sùng sục vì ngộ nhận, vì máu háo danh của vài ba vị phụ huynh làm thiên hạ một phen cười vỡ bụng.
Một gia đình chỉ muốn thắng, muốn hơn người khác. Hay một cộng đồng chỉ muốn thắng không biết chấp nhận thất bại, và một một dân tộc chỉ luôn tuyên truyền chiến thắng, còn thất bại thì dấu đi, xóa đi, không bao giờ nhắc đến; thì gia đình ấy, cộng đồng ấy, dân tộc ấy rất khó phát triển nếu không muốn nói là thụt lùi, dẫn đến lụi bại.
Ông cha ta luôn răn dạy: "Thất bại là mẹ thành công". Có lẽ luôn ý thức được như thế, nên tổ tiên chúng ta không chỉ biết chiến thắng thiên tai, chiến thắng ngoại bang mà còn chiến thắng chính bản thân mình.
Nhiều người trong chúng ta mới biết một NBC, Giáo sư, Viện sĩ của Pháp của Mỹ, một NBC đoạt Giải Fields và một NBC từng là học sinh của Trường tiểu học Thực nghiệm Giảng Võ Hà Nội.
Nhưng mấy ai đã biết NBC, "thông minh vốn sẵn tính trời", hưởng thụ gien của cả ông bà, cha mẹ, và NBC cũng đã từng nhận điểm kém trong học tập, một NBC nhiều đêm trắng miệt mài học tập, nghiên cứu và không phải lúc nào cũng thành công.
Đến hôm nay, nếu có người nghĩ rằng NBC từng học tại Trường Thực nghiệm Giảng Võ nên thành GS,VS, nếu có thầy, cô nào nghĩ rằng vì NBC từng là học trò của mình nên mới có thể đạt được "đỉnh" như thế, thì trái đất này... sẽ là hình vuông.