Pháp hình thành 8 siêu đại học để tăng sức cạnh tranh

Nghiên cứu sinh tiến sĩ của trường đại học Paris-Sorbonne.
Nghiên cứu sinh tiến sĩ của trường đại học Paris-Sorbonne.
AFP/Bertrand Guay
Lời bình: Bảng xếp hạng của Trường Đại học Giao thông Thượng Hải là bảng xếp hạng được đánh giá là uy tín nhất hiện nay trên thế giới bởi tiêu chí khách quan của nó. Chúng ta có thể xem tiêu chí đánh giá và bảng xếp hạng các Trường đại học tại đây:  http://www.arwu.org/

Nhật báo Pháp Le Monde hôm nay rất chú ý đến lãnh vực đào tạo, đặc biệt là nỗ lực của chính phủ muốn Đại học Pháp có sức cạnh tranh cao trên thị trường đào tạo thế giới. Trong bảng xếp hạng các đại học thế giới của Đại học Thượng Hải, đại học Pháp không mấy nổi bật. Le Monde gộp cả hai sự kiện trong hàng tít : “Tám siêu đại học để vượt qua cú sốc Thượng Hải”.

Mở đầu bài viết, tác giả nhìn thấy là Pháp sử dụng đến "trọng pháo" trong cuộc cạnh tranh quốc tế dữ dội hiện nay về đào tạo đại học, khi tập hợp các đại học và các trường lớn của mình, chuẩn bị tác chiến.
Trong chiến dịch này, tám siêu đại học sẽ hình thành. Bộ Đại học Pháp hiện nay hy vọng là các đơn vị này sẽ nổi bật trên thị trường quốc tế và “thu hút những tài năng hàng đầu”. Trong 8 siêu đại học, có 4 trường tập trung ở Paris : Université Sorbonne - Paris - Cité ; Sorbonne Université ; Université Paris - Saclay ; Paris Sciences -et-Lettres. Bốn trung tâm còn lại nằm ở tỉnh : Université de Toulouse, Aix-Marseille Université ; Université de Bordeaux, Université de Strasbourg.
Điểm mới là các siêu đại học này bao gồm cả các trường lớn. Như trong trường hợp của Paris - Saclay, ngoài hai trường đại học Nam Paris, còn tập hợp thêm 10 trường lớn trong đó có Polytechnique, HEC... và 7 trung tâm nghiên cứu trong đó có Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học CNRS.
Số lượng sinh viên dự kiến thu hút rất đông đảo, như Université Sorbonne - Paris - Cité, có thể đón đến 120.000 người. Các siêu đại học này sẽ hình thành dần kể từ năm 2012, trường chậm nhất như siêu đại học Toulouse là vào năm 2018.
Theo Le Monde đây là một giai đoạn quan trọng trong chiến lược mà Tổng thống Sarkozy phác họa từ từ 5 năm qua. Tập hợp các môn khác biệt tại cùng một khu đại học sẽ giúp sinh viên chuyên môn hóa và các nhà nghiên cứu sáng tạo. Khía cạnh sáng tạo này là mục tiêu lớn, trong việc gây uy tín, dễ hợp tác với các đại học lớn thế giới. Các siêu đại học này dựa theo mô hình đại học Anh Mỹ.
Le Monde nhắc lại là nếu trước đây vào năm 2000, Đức đã bị một cú sốc, gọi là "Pisa Schock", khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE, nêu bật sự yếu kém học vấn của học sinh Đức 15 tuổi, thì Pháp đã bị "cú sốc Thượng Hải".
Bảng xếp hạng đầu tiên của Đại học Giao Thông (Jiao Tong), vào năm 2003, đã làm giới đại học Pháp suy nghĩ. Trên tổng số 500 đại học thế giới được nghiên cứu, đại học Pháp kém xa các đại học Mỹ. Đứng đầu bảng xếp hạng là bộ ba Harvard, Stanford, MIT (Massachussetts Institute of Technology).
Theo Le Monde, thoạt đầu, giới đại học Pháp đã xem thưòng bảng xếp hạng này nhưng dần dà họ đã phải thấy là đại học Pháp yếu thế là vì tính chất tản mạn của Đại học mình, trong lúc phải cần nổi bật trong bảng xếp hạng quốc tế, phải sáng chói để thu hút chú ý.
Mai Vân (RFI)

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chân dung người phụ nữ thứ 2 trên thế giới giật giải 'Nobel Toán học'

Con cừu đen của làng toán Việt

Coi chừng khoa học thuộc địa kiểu mới!