Phân tích ấn phẩm toán học 1975-2011

Lời bình: Lại một bài viết rất sâu sắc của GS Nguyễn Văn Tuấn trên blog của ông. Em xin mạn phép GS đăng lại ở đây. In Email
http://www.paulabliss.com/math.gifTiếp theo 3 bài trước, bài này sẽ trình bày một cách tổng quan tình hình công bố quốc tế ngành toán ở Việt Nam. Vẫn sử dụng dữ liệu của Web of Science (WoS) và các tập san ISI. Lần này, tôi có cơ duyên download toàn bộ ấn phẩm toán từ VN trên các tập san ISI tính từ 1975 đến 2011 (36 năm).

Tính từ 1975 đến 2011, VN công bố được 1715 bài báo trên các tập san trong thư mục của ISI (Viện thông tin khoa học). Nhờ sự giúp đỡ của một bạn, tôi có thể download toàn bộ danh sách của 1715 bài, với tất cả thông tin cần thiết cho phân tích như tác giả, viện / trung tâm, năm công bố, hợp tác, tần số trích dẫn, v.v. Dĩ nhiên, dữ liệu này không đầy đủ, vì chưa kể các tập san ngoài ISI. Nhưng thông thường, các nhà tài trợ hay sử dụng ISI và WoS để đánh giá, nên có thể xem đây là số liệu quí, và tôi nghĩ có thể sử dụng như là một nguồn tham khảo sau này. Có thể tóm lược vài xu hướng qua dữ liệu này như sau:
Xu hướng tăng trưởng. Số bài báo ngành toán tăng mỗi năm, và bắt đầu xuất hiện trên tập san ISI từ năm 1976 (2 bài). Năm 1977 và 1978 không có bài nào, nhưng đến năm 1979 trở đi thì năm nào cũng có vài bài. Tuy nhiên, mãi đến năm 1980, số bài báo về toán từ VN trên ISI vẫn chỉ 3 bài. Trong thập niên đầu thế kỉ 21, trước năm 2008, mỗi năm VN công bố khoảng 50-70 bài. Bắt đầu từ 2009, VN có số bài báo về toán “nhạy vọt”, với trên 130 bài mỗi năm. Tính trung bình từ 1980 trở đi, số bài báo về toán của VN tăng khoảng 10% mỗi năm (Biểu đồ 1).

Trung tâm nghiên cứu. Bảy mươi phần trăm những bài báo về toán chỉ tập trung trong 10 trung tâm / đại học (Bảng 1). Riêng Viện Toán với gần 700 bài, chiếm tỉ trọng 41% tổng số bài báo về toán trên các tập san ISI trong thời gian 36 năm qua. Trung tâm có số bài báo nhiều thứ hai là ĐH Quốc gia, nhưng không rõ ở Hà Nội hay TPHCM (tôi nghĩ chủ yếu là ĐHQG Hà Nội). Như có thể thấy qua bảng này, 8 trong số 10 trung tâm hàng đầu là ở phía Bắc; phía Nam chỉ có 2 đại học trong danh sách này: ĐH Cần Thơ và ĐH Quốc tế. Cần để cập ở đây rằng ĐH Huế và ĐH Vinh cũng có số bài báo về toán đáng chú ý.
Bảng 1. Các viện / trường hàng đầu (top 10) trong công bố quốc tế về toán
Trường / viện
Số bài báo
Phần trăm (tính trên tổng số 1715)
Viện Toán
699
40.75
Đại học Quốc gia (HN hay HCM?)
119
6.94
ĐH Sư Phạm Hà Nội
89
5.19
Viện Khoa học công nghệ
73
4.25
ĐH Huế
61
3.56
ĐH Khoa học Tự nhiên HN
44
2.57
ĐH Vinh
36
2.10
ĐH Quốc tế TPHCM
35
2.04
ĐH Bách Khoa Hà Nội
28
1.63
ĐH Cần Thơ
25
1.46

Hợp tác quốc tế. Cũng như các ngành khoa học khác, giới toán học VN cũng hợp tác với đồng nghiệp nước ngoài. Những nước hợp tác nhiều với VN là Pháp, Đức, Mĩ, Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc và Úc. Số bài báo hợp tác với những nước trên chiếm khoảng 1/3 tổng số bài báo về toán từ VN (Biểu đồ 2).

Ngôi sao. Có tất cả 490 tác giả của 1715 bài báo. Những tác giả thuộc vào nhóm “top 10” (dựa vào số bài báo ISI) có thể xem qua trong bảng 2 dưới đây. Người đứng đầu bảng là Gs Ngô Việt Trung (66 bài), kế đến là các giáo sư NT Long (48), PQ Khánh (45), ND Yên (43), Hoàng Tuỵ (39), v.v. Số bài báo của các tác giả này chiếm 1 phần 4 tổng số bài báo về toán từ VN. Chú ý trong danh sách “top 10” có hai người nước ngoài, có lẽ là những người hợp tác với các nhà toán học VN.
Bảng 2. Các tác giả “top 10” về toán
Tên
Số bài báo
Phần trăm (tính trên tổng số 1715)
Trung NV (Ngô Việt Trung)
66
3.85
Long NT (?)
48
2.80
Khanh PQ (Pham Quốc Khánh)
45
2.62
Yen ND (Nguyễn Đông Yên)
43
2.51
Tuy H (Hoàng Tuỵ)
39
2.27
Sach PH (?)
33
1.92
Hoa LT (Lê Tuấn Hoa)
32
1.87
VanHuynh D (Đinh Văn Huỳnh)
32
1.87
Yao JC
32
1.87
Lee GM
31
1.63
Ang DD (Đặng Đình Áng)
28
1.52

Trích dẫn. Biểu đồ 3 dưới đây trình bày tần số trích dẫn của toàn bộ 1715 bài báo trong thời gian 36 năm qua. Như có thể thấy, phần lớn những bài báo về toán của VN được trích dẫn dưới 10 lần. Thật ra, có đến 698 bài (hay 41%) bài chưa bao giờ được trích dẫn.

Tuy nhiên, chú ý biểu đồ trên, chúng ta thấy vẫn có những bài được trích dẫn nhiều lần. Chẳng hạn như bài của Gs Ngô Việt Trung trên Proceed Amer Math Soc năm 1987 được trích dẫn 82 lần; và đây là công trình về toán (trên ISI) từ VN được trích dẫn nhiều nhất. Bài thứ 2 được trích dẫn cũng nhiều lần (76) là của tác giả Gs Vũ Quốc Phóng (anh bạn cũ của tôi ở Ohio) và Lyubich trên Studia Mathematica vào năm 1988. Hai bài của Gs Hoàng Tuỵ trên J Computat Appl Math và J Optimization Theor and Appl cũng được trích dẫn nhiều lần (63 và 67 lần, tính từ 1987 và 2000).
Tính trung bình (median), số lần trích dẫn cho mỗi bài báo về toán từ VN là 1.
Tự trích dẫn. Tổng số lần trích dẫn của 1715 bài báo trong vòng 36 năm qua là 7442 lần. Trong số này, 2292 là tác giả tự trích dẫn bài của mình. Nói cách khác, gần 1 phần 3 tần số trích dẫn là tự trích dẫn (self-ciation). Tỉ lệ này rất cao so với các nước phương tây (trung bình 5-6%).
Tập san. Gần 40% những bài báo về toán của VN xuất hiện trên 11 tập san trong bảng dưới đây. Đặc biệt, 3 tập san rất “quen” với toán học VN là Nonlinear Analysis Theory Methods Applications, Journal of Optimization Theory and Applications, và Journal of Mathematical Analysis and Applications. Nói chung, phần lớn những tập san này đều có impact factor dưới 1.5. Hình như trong ngành toán, tập san có impact factor cao nhất (trên 4) là Annals of Mathemat, Bull. Amer. Math Soc, J Amer Math Soc, Inventiones Mathemat, Acta Mathematica.
Bảng 3. Những tập san giới toán học thường công bố
Tập san
Impact factor
Số bài báo
Phần trăm (tính trên tổng số 1715)
NONLINEAR ANALYSIS THEORY METHODS APPLICATIONS
1.409
103
6.01
JOURNAL OF OPTIMIZATION THEORY AND APPLICATIONS
1.011
98
5.71
JOURNAL OF MATHEMATICAL ANALYSIS AND APPLICATIONS
1.345
95
5.54
PROCEEDINGS OF THE AMERICAN MATHEMATICAL SOCIETY
0.640
65
3.79
JOURNAL OF ALGEBRA
0.473
49
2.86
JOURNAL OF GLOBAL OPTIMIZATION
1.160
49
2.86
COMMUNICATIONS IN ALGEBRA
0.369
45
2.62
NUMERICAL FUNCTIONAL ANALYSIS AND OPTIMIZATION
0.687
43
2.51
MATHEMATISCHE NACHRICHTEN
0.653
34
1.98
JOURNAL OF PURE AND APPLIED ALGEBRA
0.650
31
1.81
APPLIED MATHEMATICS AND COMPUTATION
1.370
30
1.75
OPTIMIZATION
0.755
29
1.69

Nói tóm lại, những số liệu trên đây cho thấy trong 36 năm qua ngành toán học VN đã có một số đóng góp đáng chú ý, nhưng vẫn còn khiêm tốn. Số bài báo khoa học còn thấp, và phần lớn xuất hiện trên những tập san có ảnh hưởng không cao. Đáng chú ý hơn là dù toán học đã có một bước “nhảy vọt” từ sau 2008, nhưng vẫn chưa đủ để vượt qua các nước trong vùng như Singapore và Đài Loan. Thật ra, trong một phân tích trước, tôi đã trình bày số liệu cho thấy Mã Lai đã qua mặt VN về số lượng và chất lượng nghiên cứu về toán (và Thái Lan cũng trên đường qua mặt VN).
Về chất lượng, như phản ảnh qua chỉ số trích dẫn, các nghiên cứu toán học cũng chưa đạt chất lượng cao. Tính trung bình mỗi bài chỉ được trích dẫn 1 lần. Có đến 41% những nghiên cứu toán ở VN chưa bao giờ được trích dẫn. Còn trong những bài được trích dẫn, thì có đến gần 1/3 là tự trích dẫn!
Tính chung, theo cách xếp hạng của ISI, toán học VN đứng hạng 55 (trong số 158 nước trên thế giới), so với Hàn Quốc (hạng 20) và Singapore (25). Theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, VN phấn đấu đến năm 2020 sẽ đứng hạng 40 về toán học trên thế giới. Nhưng nếu những số liệu này là kinh nghiệm và giả định tăng trưởng như hiện nay, thì đến năm 2020, chúng ta có thể tiên lượng VN sẽ công bố khoảng 380 bài báo về toán. Đến lúc đó, Mã Lai và Thái Lan có thể công bố trên 1000 bài. Hi vọng rằng Viện Toán cao cấp sẽ giúp VN tạo nên một bước nhảy vọt khác trong vòng 8 năm tới.
NVT

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chân dung người phụ nữ thứ 2 trên thế giới giật giải 'Nobel Toán học'

Con cừu đen của làng toán Việt

Coi chừng khoa học thuộc địa kiểu mới!