Bài học truyền thông vụ Tiên Lãng
Lời bình: Các lãnh đạo của TP Hải Phòng nói riêng và các quan chức Việt Nam nói chung đều không được học cách ứng xử với giới truyền thông và thực sự không phải là các chính trị gia chuyên nghiệp. Vì vậy khi gặp các sự cố, họ đã không lường trước được những câu hỏi hóc búa của giới truyền thông, trả lời bừa và nói lấy được. Đó là những phát biểu thiếu suy nghĩ, như tán ngẫu vỉa hè, gây hiệu ứng ngược với công chúng. Sự kiện Tiên Lãng cũng là bài học cho tất cả các vị lãnh đạo, hãy chịu khó học cách ứng xử có văn hóa, có đạo đức và lương tâm. Cách xử lý của các lãnh đạo HP phơi bày một cách đáng lo ngại trình độ và đạo đức của một bộ phận các quan chức hiện nay.
Vụ Tiên Lãng: Gieo sự kiện - gặt sự cố
"Khi cấp huyện nói là phải phá nhà vì đó là chỗ ẩn nấp của "tội phạm", dư luận chỉ cười họ là "những kẻ dốt nát" thôi. Nhưng đến khi ông Đỗ Trung Thoại và ông Đỗ Hữu Ca lên tiếng, thì họ lại bị cho là coi thường dân, một cách "thẳng thắn và công khai"... Nói tóm lại là các ông quan ở Hải Phòng đã "gieo sự kiện", nhưng lại "gặt sự cố". Một vụ mùa bội thu!", Phạm Quang Vinh, Giám đốc Công ty "Phạm & Cộng sự".LTS: Tiếp tục loạt bài liên quan đến những rắc rối xung quanh vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng), Mục "Ký sự Nhân vật" tuần này của Tuanvietnam xin được giới thiệu với độc giả một khía cạnh mới của câu chuyện này - xử lý sự cố truyền thông, qua phần trao đổi giữa phóng viên Tuanvietnam và ông Phạm Quang Vinh, Giám đốc Công ty Tư vấn "Phạm & Cộng sự".
Một trong những dịch vụ mà công ty của ông cung cấp cho khách hàng là đào tạo và tư vấn về xử lý sự cố truyền thông, và vụ Tiên Lãng được coi là một "case study" mà ông và các cộng sự phải mổ xẻ một cách hết sức kỹ lưỡng. Bởi, theo ông, câu chuyện đất đai nói chung, và thu hồi - cưỡng chế nói riêng, qua phản ứng của dư luận và công luận qua vụ Tiên Lãng vừa rồi, hiện đã là mối quan tâm và bức xúc mang tính toàn quốc, và hoàn toàn có thể lặp lại, tuy ở mức độ khác nhau, ở bất cứ địa phương nào.
Ông Phạm Quang Vinh nói: "Về chuyện thu hồi, cưỡng chế thì đã có kết luận của Thủ tướng rồi, chúng ta không bàn nữa, nhưng ở đây chúng ta bàn về sự chủ động tạo ra sự kiện truyền thông của UBND huyện Tiên Lãng. Rõ ràng là đa số chúng ta đã được biết về vụ Tiên Lãng qua bản tin tối trên chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam về một vụ chống người thi hành công vụ vào cùng ngày xảy ra sự kiện."
Ý ông nói là phía lãnh đạo Tiên Lãng đã chủ động mời truyền thông đưa tin về vụ cưỡng chế này?
Đúng vậy. Nên chúng ta mới nhìn thấy những hình ảnh cận cảnh từ phía lực lượng tham gia cưỡng chế. Chúng ta hôm nay đã được biết ngoài VTV còn có hàng chục phóng viên báo chí tham gia đưa tin tại hiện trường hôm 5.1.2012.
Câu hỏi đặt ra là nếu họ biết có sự chống trả như vậy (thông qua việc huy động tới cả trăm công an và bộ đội với đầy đủ trang bị) thì việc để xảy ra một sự kiện như vậy trước sự chứng kiến của báo chí có phải là khôn ngoan hay không?
Tức là với chủ ý ban đầu là tạo ra một "sự kiện truyền thông" thì cuối cùng cái chính quyền Tiên Lãng nhận được một "sự cố truyền thông"?
Và khi nó biến thành sự cố rồi thì họ không quản lý và xử lý được, để nó tiếp tục phát triển thành "khủng hoảng truyền thông".
Có một chi tiết nữa là thông tin ban đầu được đăng tải trên báo chí là hoàn toàn có lợi cho phía thi hành cưỡng chế, bởi khán thính giả và độc giả đều biết về vụ Đoàn Văn Vươn như một vụ "chống người thi hành công vụ". Thậm chí, có báo còn miêu tả Đoàn Văn Vươn như một "giang hồ đất cảng". Cảm giác đầu tiên của nhiều người là "dân Hải Phòng kinh thế", và chỉ quan tâm xem chuyện truy bắt "tội phạm" như thế nào.
Cộng thêm cả quan điểm của Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca, rằng chính ông ấy đã đề xuất cấm súng bắn đạn hoa cải trong một bài phỏng vấn vào ngày hôm sau, dư luận đã bị hướng theo suy nghĩ rằng anh em ông Vươn là "dân anh chị".
Vậy mục đích của việc tạo ra sự kiện truyền thông là để có thể dễ dàng thực hiện các vụ cưỡng chế thu hồi đất khác ở Tiên Lãng, bởi họ nghĩ rằng "đầu xuôi thì chuôi lọt"?
Có vẻ là như vậy, và báo chí được mời đến đưa tin vụ cưỡng chế đó như một "thành tích" của huyện Tiên Lãng. Bởi sau khi nhận được lời đe doạ sẽ chống trả nếu chính quyền cương quyết cưỡng chế, chính quyền Tiên Lãng đã huy động một lực lượng lớn công an, quân đội. Anh em họ Đoàn chống trả, và như vậy là vi phạm pháp luật. Từ đó, hành động tiếp theo của chính quyền Tiên Lãng sẽ được coi là với mục đích trấn áp tội phạm, và sẽ tranh thủ được sự đồng thuận của xã hội, vốn có sẵn những định kiến với cái gọi là "giang hồ đất Cảng".
Quả có vậy. Dường như trong số các báo ra trong ngày 6.1, chỉ có mỗi Pháp luật Thành phố HCM là có thông tin hai chiều, tức là phóng viên có hỏi thêm cả phía gia đình họ Đoàn. Và số ra ngày hôm 7.1, họ lại tiếp tục thông tin theo hướng đó.
Nhưng đó chỉ là những cố gắng đơn lẻ để đưa tin khách quan, hai chiều. Luồng dư luận nói chung chỉ bỗng dưng, và đồng loạt, đổi chiều, khi vào ngày 8.1, nếu tôi nhớ không nhầm, một số người tìm thấy lại một bài báo về ông Đoàn Văn Vươn từ năm 2010. Lúc đó, mọi người mới ngã ngửa ra rằng "té ra Đoàn Văn Vươn được coi là một người tốt".
Và tư duy của công chúng đôi khi khá đơn giản: Nếu ông Vươn là tốt thì chắc hẳn những người cưỡng chế đất của ông Vươn là người xấu. Và câu chuyện về ông Vươn và vụ cưỡng chế đã được xới lên từ đó.
Lẽ ra, khi đã nhận ra được sự thay đổi của tình hình, chính quyền Hải Phòng phải đánh giá lại và có cách ứng xử phù hợp, hay nói cách khác là phải bắt đầu cho một chiến dịch quản lý khủng hoảng truyền thông (crisis management).
Các quan chức Hải Phòng
|
Bỏ qua một bên mọi câu chuyện về đạo đức cầm quyền, về lợi ích, về chính sách (nếu có), ta chỉ bàn về cách hành xử của chính quyền với công chúng và truyền thông, và có thể thấy rằng trong đó rất có vấn đề.
Rõ ràng, qua toàn bộ sự việc này chúng ta có thể thấy ở Hải Phòng không có người phân tích đánh giá tình hình, diễn biến của truyền thông và tình cảm của công chúng theo toàn bộ bước tiến triển của nó.
Nghiêm trọng nhất, đã có sự lầm lẫn giữa việc là giải quyết sự cố Tiên Lãng, câu chuyện pháp luật, với việc quản trị và ứng xử với một sự cố truyền thông, câu chuyện dư luận. Sự kiện đã tiến triển thành câu chuyện của truyền thông và dư luận, chứ không chỉ còn "đơn giản" là câu chuyện thu hồi cưỡng chế và những tranh cãi về pháp lý nữa.
Chính quyền Hải Phòng chính thức lên tiếng lần đầu tiên khi ông Phó Chủ tịch UBND Đỗ Trung Thoại tổ chức họp báo tại buổi giao ban báo chí hàng tuần của Bộ Thông tin Truyền thông...
Ông Thoại đã thông báo và trả lời báo chí ở một diễn đàn chính thức, như lời ông nói, là trên cơ sở báo cáo của huyện Tiên Lãng. Đó là một sai lầm lớn.
Ông Thoại đã không biết một nguyên tắc quan trọng của phát ngôn trong một tình trạng khủng hoảng về truyền thông là báo chí và dư luận sẽ luôn phỏng đoán, suy đoán, nhưng quan chức, người có trách nhiệm, khi phát ngôn với giới truyền thông, thì không được phép nói theo cách có thể suy đoán, hoặc không chính xác. (Ông Thoại cho rằng chính người dân xã Vinh Quang đã phá nhà ông Vươn do bức xúc.)
Khi phát ngôn, với tư cách là người đại diện cho chính quyền Hải Phòng, ông ấy chỉ được phép nói những gì chính xác và đã được kiểm chứng. Một người thay mặt chính quyền để phát ngôn, nhất là trong những tình huống khủng hoảng, thì không được đưa ra những thông tin có thể tạo ra những suy đoán.
Sai lầm thứ hai của Hải Phòng là có quá nhiều người tự cho là mình có thẩm quyền phát ngôn, và sự tiền hậu bất nhất trong phát ngôn của họ đã góp phần làm cuộc khủng hoảng truyền thông ngày càng lớn, ngày càng vượt qua tầm kiểm soát của họ.
Có thể thấy từ cấp xã đến cấp huyện, từ ông chánh Văn phòng, trưởng ban Tuyên giáo và chủ tịch huyện ở Tiên Lãng, rồi đến phó Chủ tịch và Chủ tịch UBND, rồi trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy..., trước khi Bí thư Thành uỷ Hải phòng tổ chức họp báo, ai cũng có thể nêu quan điểm, đánh giá của mình về sự kiện, và mỗi người nói một kiểu.
Lẽ ra trong những tình huống thế này thì chỉ nên có một người phát ngôn duy nhất, và nói một cách rõ ràng, rành mạch, ngôn ngữ phù hợp, thái độ chân thành.
Họ lại mắc thêm một lỗi không kém phần nghiêm trọng nữa là còn bình luận về vị cựu lãnh đạo nọ, ông cựu quan chức kia, như về ông Đặng Hùng Võ chẳng hạn. Điều đó khiến việc điều qua tiếng lại được đẩy thêm một mức nữa.
Khi đi dạy về xử lý sự cố truyền thông, chúng tôi luôn nhắc nhở học viên rằng không nên bình luận về phát ngôn của người khác khi chỉ biết về những điều đó thông qua báo chí. Bởi bỏ qua chuyện trích dẫn sai, nhà báo thường sẽ trích dẫn những gì mà họ cho là phù hợp với quan điểm chủ quan của họ trong bài viết.
Theo ông, tại sao trong cuộc họp báo đầu tiên của lãnh đạo Hải Phòng, do họ chủ động, ở Hà Nội, tại sao lại có sự lúng túng như vậy? Sự cố lúc đó là có nhưng chưa lớn, hoàn toàn có thể xử lý được.
Theo tôi, ông Thoại và có lẽ cả chính quyền Hải Phòng đã không hình dung sẽ có những câu hỏi gai góc được đưa ra tại cuộc họp báo đó, nên không có phương án chuẩn bị trước, và cuối cùng thành ra cứ phỏng đoán bừa và trả lời bừa.
Ông Phạm Quang Vinh - Giám đốc Công ty "Phạm và Cộng sự"
|
Tôi cũng không nghĩ ra cái giải thích nào hợp lý hơn. Nhưng ít nhất ông ấy phải hiểu rằng một vụ việc mà khiến không chỉ dư luận chung chung, mà cả những vị cựu lãnh đạo, khó chịu, thì không còn là chuyện đùa nữa rồi. Lúc đó, không còn là chuyện cố giữ cái "được" nữa, mà là câu chuyện giảm thiểu cái "mất", hay trong kinh doanh người ta nói là "cắt lỗ" ấy.
Khi cấp huyện nói là phải phá nhà vì đó là chỗ ẩn nấp của "tội phạm", thì dư luận chỉ cười họ là "những kẻ dốt nát" thôi. Nhưng đến khi ông Thoại và ông Ca lên tiếng, thì họ lại bị công chúng cho rằng đó là sự coi thường dân. Mà cái "tội" coi thường nhân dân một cách "thẳng thắn và công khai" như vậy thì không ông quan nào gánh nổi.
Nói tóm lại là các ông đã "gieo sự kiện" nhưng "gặt sự cố". Một vụ mùa bội thu!
Như vậy, theo ý ông, nếu biết xử lý kịp thời, câu chuyện đã không lớn như hiện giờ chúng ta chứng kiến?
Lãnh đạo cấp thành phố thấy cấp huyện, cấp xã nếu đã sai như vậy, mà nhận ra và có cách ứng xử phù hợp, dập ngay từ đó, thì êm hơn nhiều. Đứng ra xin lỗi, rồi kiểm điểm, kỷ luật , thái độ chân thành, ngôn ngữ khiêm nhường, tôi nghĩ dư luận sẽ dịu đi.
Đằng này, họ lại phát ngôn kiểu "cãi chày cãi cối" đến cùng, rồi giấu đầu hở đuôi. Thậm chí, họ còn khiêu khích dư luận, kích động để dư luận nổi khùng lên.
Tôi nghĩ lãnh đạo ở Hải Phòng và Tiên Lãng có lẽ nên học mấy anh thợ lái máy xúc phá nhà ông Vươn. Trước đó, khi phóng viên liên lạc, họ dứt khoát không trả lời, nói rằng "chúng tôi chẳng liên quan gì đến các ông". Nhưng đến lúc buộc phải lên tiếng, ông chủ đầm được chính quyền "nhờ" thuê máy xúc, đã gọi hai nhân viên lái máy xúc đến, và họ cùng đọc theo tờ giấy đã chuẩn bị sẵn, và không nói thêm gì nữa. Một cách ứng xử với truyền thông cực kỳ chuyên nghiệp.
Hơn nữa, ông Kết lại chọn địa điểm họp báo là chính cái đầm của anh ta, nơi anh ta làm chủ cuộc chơi. Tôi theo dõi, và có thế thấy đó là điểm sáng duy nhất của Hải Phòng liên quan đến cách thức quản lý một cuộc khủng hoảng truyền thông.
Vụ Tiên Lãng: Bài học đắt giá về quản trị truyền thông
Thế còn cuộc họp báo của lãnh đạo Hải Phòng,
trước khi Thủ tướng có kết luận cuối cùng thì sao? Ông có nhận xét gì về
hình ảnh truyền thông của cuộc họp báo đó?Trước hết, là tôi rất ngạc nhiên, khi người chủ trì họp báo là ông Bí thư thành uỷ chứ không phải ông Chủ tịch UBND Thành phố.
Tại sao?
Ông chính quyền trực tiếp làm thì ông chính quyền phải đứng ra trả lời chứ. Câu chuyện họp trong nội bộ thành uỷ (mà Chủ tịch UBND và các phó chủ tịch đều là thành viên) để đưa ra phương án xử lý là việc cần thiết, nhưng đại diện đứng ra họp báo phải là người đại diện chính quyền chứ.
Vừa không sai cái nguyên tắc Đảng lãnh đạo chứ không làm thay. Ở cấp trung ương ta thấy là Thủ tướng là người đứng ra chịu trách nhiệm xử lý. Chứ còn trong trường hợp Hải Phòng, dường như lại là sự khẳng định cái điều mà dư luận vẫn bàn tán lâu nay là "chính quyền bày ra, Đảng đi thu dọn".
Hay là Thành ủy Hải Phòng đã cảm nhận được sự "mất thiêng" của chính quyền, và quyết định tạo ra một hình ảnh mới với công chúng và báo giới?
Tôi không nghĩ như vậy. Nếu như vậy, họ phải đầu tư vào hình ảnh để tạo ra hiệu ứng khác đi chứ .
Xin ông nói rõ hơn.
Cái đầu tiên đập vào mắt tôi khi theo dõi cuộc họp báo của Thành ủy Hải Phòng qua chương trình thời sự tối trên Truyền hình Việt Nam là cái pa nô đằng sau bàn chủ tọa. Họ lẽ ra không nên làm một cái pa nô hoành tráng, quá trang trọng như vậy cho một cuộc họp báo về vụ Tiên Lãng.
Tại sao?
Lúc đó dư luận đang khó chịu về sự chậm trễ, trì trệ, quan liêu của Hải Phòng, và cuộc họp báo của Thành uỷ Hải Phòng, theo tôi hiểu, là nhằm giải quyết một phần sự khó chịu đó của công chúng. Một cuộc họp báo được hiểu theo nghĩa khẩn cấp như vậy không nên tạo cho người ta cảm giác đã được chuẩn bị kỹ càng và quá chú trọng về mặt hình thức, thậm chí là phô trương và công thức. Đó là chưa nói đến cái bàn chủ tọa cũng trịnh trọng quá...
Cuộc trả lời phỏng vấn VTV của ông Bí thư Thành ủy ngay sau đó cũng lại được sắp xếp trong một căn phòng quá sang trọng. Một người quen của tôi làm công tác tuyên giáo khi nói về hình ảnh trong cuộc họp báo đã thốt lên "Thảm sang trọng quá!"
Trong suốt hơn một tháng, kể từ khi diễn ra vụ Tiên Lãng, lãnh đạo Hải Phòng trong con mắt công chúng là xa dân, xa thực tế, và với những hình ảnh tại cuộc họp báo, một cách vô hình trung, họ càng khẳng định, nếu không nói là gia cố thêm, hình ảnh đó của mình.
Vậy theo ông, cuộc họp báo, cũng như cuộc trả lời phỏng vấn VTV nên diễn ra ở đâu là phù hợp? Kéo xuống khu đầm ông Vươn?
(Cười) Tất nhiên là không nên cực đoan như vậy. Có nhiều cách để có thể tạo ra hình ảnh của sự khẩn trương, nghiêm túc. Ví dụ có thể tổ chức ngay ngoài sân Thành ủy với một cái micro đứng. Hình ảnh của lãnh đạo Hải Phòng cho đến giờ phút đó là rất "bàn giấy", cho nên hình ảnh mới phải làm sao tách xa khỏi cái bàn giấy đó. Lúc đó, lãnh đạo Hải Phòng hẳn sẽ tạo ra được một hình ảnh khác. Đúng không anh?
Buổi họp báo về vấn đề cưỡng chế tại Tiên Lãng do Thành ủy Hải Phòng tổ chức chiều 7.2.2012 |
Ngoài hình ảnh đẹp của lãnh đạo, điều đó còn tạo cho người dân cảm giác an tâm vì không bị chính quyền bỏ rơi, mà từ đó tự có những nỗ lực của riêng mình...
Nhưng trong trường hợp cụ thể nói trên, liệu có phải là bản thân ông Bí thư Hải Phòng không đủ tự tin với nội dung ông sẽ trả lời báo giới, nên ông đã phải chọn cái nơi ông cảm thấy thoải mái nhất, tức là trong cái "pháo đài" của ông?
Tôi không nghĩ như vậy. Với những gì tôi được biết và nghe về ông Nguyễn Văn Thành, thì ông ấy sẽ không "ngại" báo chí như cách anh vừa nói. Ở đây cũng cần nói đến một chuyện khác, là thực ra, người lãnh đạo không thể quan tâm nhiều đến những chi tiết cụ thể như vậy, và cái họ lo là sẽ có một cuộc gặp báo chí và sẽ nói những gì ở đấy, thông điệp, nội dung sẽ như thế nào. Nhưng chắc chắn phải có ai lo về chuyện đó chứ, để lời nói và hình ảnh ít nhất nó phải đồng nhất, và có thể đạt hiệu quả tốt.
Trong cuộc họp báo đó, tôi nhớ là ông Thành có nhắc tới con số 750 bài báo viết về vụ Tiên Lãng. Nhưng có vẻ ông ấy chỉ nhận được từ bộ phận tham mưu cái con số đơn giản đó, chứ không phải là một cái báo cáo phân tích về những xu hướng thông tin, thậm chí nguy cơ về truyền thông và xu hướng ý kiến của công chúng, tác động của chúng tới quần chúng, và đề xuất hướng giải quyết như thế nào.
Chúng ta có thể thấy là sau cuộc họp báo đó, những bức xúc không được giải toả, mà có phần trở nên nặng nề hơn. Ví dụ, ông Thành có thể nói rằng "chúng tôi xin lỗi vì để sự việc kéo dài quá lâu", chứ không phải là trình bày với các phóng viên, ví dụ việc xử lý cán bộ theo qui trình nó phải như vậy. Qui trình lúc xảy ra khủng hoảng phải khác với qui trình xảy ra sự cố bình thường chứ.
Những cái đó nó tạo ra sự phản cảm một cách tự nhiên. Rõ ràng là có sự hành động chậm trễ, vậy thì nhận đi, bức xúc tự nhiên chùng xuống ngay, những hành động sau đó của chính quyền sẽ dễ được đồng thuận và cảm thông hơn. Dư luận ở Việt Nam cũng vị tha lắm, và người ta có sự kỳ vọng nhất định ở ông Bí thư thành uỷ với tư cách là người đứng đầu thành phố.
Hải Phòng cũng có thể hứa sẽ làm đến nơi đến chốn với chức phận của mình, và trước mắt là đình chỉ công tác của ông nọ, ông kia, rồi xem xét tiếp chẳng hạn. Anh thấy rồi đấy, khi Thủ tướng có kết luận, đằng nào mà chả phải đình chỉ ông nọ ông kia, chỉ muộn thêm mấy ngày thôi mà.
Khả năng "nghe nhạc hiệu, đoán chương trình" yếu, phải không ạ?
Có thể. Nhưng theo tôi, thậm chí lãnh đạo Hải Phòng, nếu thấy cần phải chờ ý kiến, kết luận của Thủ tướng sau đó mấy ngày, họ không cần trả lời bất cứ câu hỏi nào của báo giới mà chỉ cần đưa ra một cái tuyên bố có mấy điểm rõ ràng 1 là, 2 là, 3 là. Thực ra ở thời điểm thực hiện cuộc họp báo của Hải phòng, giới truyền thông và công chúng không chờ đợi nhiều lắm những câu chuyện của Hải phòng, mà họ chủ yếu đang chờ xem Thủ tướng sẽ kết luận thế nào.
Họp báo mà không giải đáp thỏa đáng được những câu hỏi của báo giới, và đằng sau là dư luận, thì cuộc họp báo ấy có lẽ là không cần thiết. Với nhiều công ty, tập đoàn lớn trên thế giới, trong những tình huống cụ thể tương tự thế này, họ sẽ chỉ gửi một bản tuyên bố (statement) đến báo giới để tránh những suy diễn phiền phức. Họp báo không phải là cách duy nhất để đưa câu chuyện đến báo giới và công chúng.
Tức là họ đã họp báo để tự bào chữa, kêu gọi sự cảm thông?
Tôi muốn nhấn mạnh một đặc điểm tâm lý là trong bối cảnh mọi người không thông cảm, mọi nỗ lực tự bào chữa đều vô ích, nếu không nói là có tác dụng ngược. Hãy nhận lỗi trước, và để khi bức xúc của dư luận đã dịu xuống, sẵn sàng nghe và cảm thông, sau đó có muốn bào chữa thì mới có thể bào chữa được.
Cái mà báo chí và dư luận nói đến là vấn đề tình cảm. Mà để ứng xử với câu chuyện tình cảm, thì cần nhất là sự chân thành.
Về nội dung, trong phần trả lời của ông Thành có rất nhiều lý luận, lý lẽ, nhưng không có hình ảnh, không có câu chuyện. Chẳng hạn ông Thành hoàn toàn có thể nói là "tôi đã gặp gỡ, tìm hiểu người nọ người kia, đã đến chỗ nọ chỗ kia", để chứng minh rằng những gì ông nói là kết quả của sự tìm hiểu của cá nhân ông nói riêng và lãnh đạo Hải Phòng nói chung.
Và, vì vậy, ví dụ về mặt "hình ảnh", ông Thành lẽ ra có thể mời gia đình ông Vươn, ông Quý lên để hỏi chuyện. Chúng ta nên phân biệt rõ ràng giữa hỏi chuyện và công nhận hành động của ông Vươn, ông Quý là đúng. Động thái đó chỉ khẳng định là lãnh đạo cấp cao nhất ở Hải Phòng rất sâu sát và biết nghe hai tai.
Ông Phạm Quang Vinh, Giám đốc Công ty Phạm & Cộng sự |
Theo ông, với tư cách là nhà tư vấn, bài học lớn nhất của Hải Phòng dưới góc độ truyền thông là gì?
Theo tôi, quản lý truyền thông về bản chất là quản lý dư luận xã hội, và chính quyền nào cũng phải làm.
Trong sự kiện Tiên Lãng chúng ta thấy sự kiện diễn ra ở Hải Phòng, nhưng dư luận của xã hội ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tác động đến sự kiện này lớn hơn nhiều so với dư luận ở Hải Phòng.
Có vẻ lãnh đạo Hải Phòng không hiểu rằng dư luận của cả nước đã thông qua chuyện Tiên Lãng để bày tỏ tình cảm và thái độ của họ đối với những bất cập trong việc sử dụng đất đai, và mâu thuẫn giữa những người thực thi chính sách đất đai với những người thụ hưởng chính sách này.
Hầu hết những chuyện bất lợi đó là do một cơ quan nhà nước không có người lo chuyên trách về quan hệ với công chúng nói chung, chứ không chỉ truyền thông.
Sở Thông tin Truyền thông chủ yếu lo chuyện tuyên truyền, chứ không lo chuyện ứng phó. Còn Văn phòng Uỷ ban cũng không có người làm, bởi ông chánh văn phòng là người lo chuyện trị sự, cơ sở vật chất, chứ không phải chuyện công chúng, chuyện báo chí.
Trong vụ này, chính quyền nhiều cấp ở Hải Phòng rõ ràng đã lúng túng khi phải ứng xử với báo chí, truyền thông của cả nước. Có lẽ do họ quen cách ứng xử với những cơ quan truyền thông đại chúng của Hải Phòng mà họ cho là công cụ tuyên truyền của họ.
Theo ông, để tránh những hậu quả về khủng hoảng truyền thông như Hải Phòng, lãnh đạo các địa phương khác phải chuẩn bị trước những gì khi sự cố xảy ra?
Trong việc xử lý sự cố truyền thông, chúng tôi vẫn khuyên các khách hàng, chủ yếu là các tổ chức và công ty, rằng sự khác biệt giữa công ty nước ngoài và công ty Việt Nam là ở các công ty nước ngoài bao giờ họ cũng chuẩn bị sẵn cho những tình huống khó khăn, những cuộc khủng hoảng về truyền thông.
Lúc khủng hoảng xảy ra rồi anh sẽ rất khó khăn để có đủ nguồn lực và sự tỉnh táo để giải quyết, và vì vậy nó phải được chuẩn bị khi anh có đủ nguồn lực và cả sự tỉnh táo. Cho nên anh phải mô hình hoá, lường trước những tình huống giả định, lập kế hoạch ứng phó, làm cho mọi người liên quan thuộc cái "cẩm nang" ấy.
Cẩm nang này cũng có qui trình việc gì làm trước, việc gì làm sau, và phân công cụ thể ai làm việc gì. Phát ngôn trong lúc khủng hoảng cũng khác hẳn phát ngôn lúc bình thường.
Quay lại câu chuyện Tiên Lãng, nó giống như một bài học lớn về truyền thông, về phát ngôn, về ứng xử. Ví dụ, lãnh đạo thành phố cần qui định rằng khi một việc xảy ra ở huyện, nhưng có ảnh hưởng tới thành phố, việc phát ngôn phải được chuyển lên thành phố, và ai sẽ chịu trách nhiệm. Nếu người được phân công đi vắng, ai sẽ chịu trách nhiệm thay...
Với một qui trình rành mạch như vậy, ít nhất anh kiểm soát được thông điệp từ phía anh đưa ra. Anh không thể trách dư luận, không thể đòi hỏi mọi người tin anh, khi về phía anh có tới 3-4 người cùng nói, và đưa ra những thông tin khác nhau, thậm chí mâu thuẫn với nhau.
Chúng ta phải hiểu rằng cấp thành phố nói, cấp huyện nói, hay cấp xã nói, thì mọi người vẫn cho rằng đó là Hải Phòng nói. Ở Hải Phòng ông Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Thành có sự phân biệt với ông Chủ tịch xã Lê Văn Liêm, chứ đối với bên ngoài, không có sự phân biệt đó - vẫn là chính quyền Hải Phòng thôi.
Giả định rằng, lãnh đạo Hải Phòng muốn công ty ông tư vấn về quản trị truyền thông, bởi dường như câu chuyện vẫn chưa kết thúc, ông sẽ khuyên họ những gì?
"Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn", tôi tin như vậy. Từ bây giờ, dư luận, công chúng sẽ còn khắt khe hơn nhiều với những thông tin từ Hải Phòng, sau khi Thủ tướng đã có kết luận về nhiều điểm sai trong vụ việc Tiên Lãng.
Quản trị truyền thông nên là một phần quan trọng trong tiến trình giải quyết vụ việc này, để tạo được thiện cảm của quần chúng, có được không gian phù hợp để giải quyết vụ việc một cách hợp lý. Khi công chúng không thông cảm thì làm cái gì cũng rất khó. Nói một cách nôm na, thì bây giờ là lúc để chính quyền thành phố tạo dựng lòng tin với công chúng, ở đây là công chúng cả nước, về sự nghiêm túc, chân thành và cầu thị, và lúc đó, sẽ có thể nhận được sự cảm thông.
Ví dụ chẳng cần nói xa xôi, Hải phòng có thể học tập cách thức Chính phủ ứng phó với vụ việc, chủ động thông tin một cách rõ ràng, kiên quyết, phù hợp, cho dù Thủ tướng không xuất hiện trực tiếp, nhưng ông và Chính phủ đã thực sự "ghi điểm" trong lòng công chúng, dư luận, sau cuộc họp báo thông báo kết luận của Thủ tướng tuần trước.
Ví dụ, có lẽ Hải Phòng nên cử một quan chức phù hợp để thông báo, cập nhật tình hình giải quyết vụ việc với báo giới và công chúng, nếu lại để báo chí phải đi tìm thông tin từ những nguồn khác nhau, nếu lại không có kỉ luật phát ngôn, thì thành phố sẽ lại gặp phải nhiều khó khăn nữa...
Xin cám ơn ông.