GS Ngô Bảo Châu và nỗi niềm người làm Toán
Trò chuyện với Tiền Phong ngay sau khi đội tuyển Olympic Toán quốc tế (IMO) Việt Nam bị xếp thứ 31 chung cuộc, GS Ngô Bảo Châu cho rằng, thành tích của đội tuyển IMO Việt Nam những năm gần đây là biểu hiện đáng lo ngại về phong trào học Toán của học sinh phổ thông.
GS Ngô Bảo Châu nói:
GS Ngô Bảo Châu.
Tôi chia sẻ nỗi niềm của những người yêu toán trong những ngày vừa qua sau khi đội tuyển IMO Việt Nam chỉ được 6 Huy chương Đồng và xếp thứ 31 chung cuộc. Đối với những người làm Toán, sự kiện này không chỉ buồn mà còn rất đáng lo ngại.
Nguyên tắc của IMO là một nửa số thí sinh tham gia cuộc thi sẽ có huy chương, và nếu tôi nhớ không nhầm, 30% số thí sinh sẽ có Huy chương Bạc. Như vậy chúng ta không có một thí sinh nào lọt vào nhóm 30% đứng đầu.
Kỳ thi IMO không phải là thước đo đánh giá về đẳng cấp Toán học của một quốc gia, nhưng nếu bạn để ý thì sẽ thấy những người làm Toán tích cực thế hệ tôi trở về sau hầu hết là những thành viên trong đội tuyển IMO trước đây.
Trước tôi một vài năm có anh Nguyễn Tiến Dũng, Phùng Hồ Hải… Sau tôi một vài năm có Hà Dương, Hà Huy Tài, Nguyễn Chu Gia Vượng... Sau này nữa có Ngô Đắc Tuấn, Đào Hải Long, Bùi Mạnh Hùng... Hoặc Lê Hùng Việt Bảo, đang làm nghiên cứu sinh tại khoa Toán ĐH Harvard cũng đã từng là thành viên đội tuyển IMO.
Tôi được biết, không chỉ kết quả thi IMO của ta trong những năm gần đây không cao mà ngay cả điểm tuyển vào khoa Toán các trường ĐH cũng không khả quan. Khoa toán một số trường quốc gia tuyển sinh ở mức 15 điểm trên 30. Điều này cho thấy Toán nói riêng và khoa học cơ bản nói chung ít có sức cuốn hút với thế hệ học sinh THPT ngày nay, hoặc không nằm trong phạm vi ưu tiên của phụ huynh học sinh.
Thành tích IMO không phản ánh trình độ khoa học, nhưng có phản ánh trung thực một khía cạnh của giáo dục ở bậc phổ thông. Cho đến cách đây không lâu, hình mẫu của sinh viên Việt Nam ở nước ngoài là rụt rè trong giao tiếp, ngoại ngữ hơi kém, nhưng giỏi Toán.
Cái hình mẫu đó ngày nay không còn đúng nữa. Nhiều bạn trẻ Việt Nam, nhất là các bạn lớn lên ở thành thị, không hề rụt rè trong giao tiếp, tiếng Anh khá lưu loát, nhưng cũng không giỏi Toán lắm. Cái này tự nó không có gì đáng phàn nàn nếu hệ thống chuyên Toán tiếp tục thực hiện tốt vai trò của nó là đào tạo ra một bộ phận ưu tú trong khoa học, trong kinh doanh và quản lý nhà nước có tư duy toán học chặt chẽ, mạch lạc. Nhưng tôi e rằng thực tế không phải như thế.
Theo giáo sư, những yếu tố nào đã tác động tới tình yêu toán học của học sinh phổ thông, khiến nó suy giảm?
Tôi không dám khẳng định là tình yêu Toán học của học sinh phổ thông giảm đi. Nhưng phải thấy rõ là sự nhiệt tình của một bộ phận không nhỏ thầy cô giáo trong việc chuẩn bị IMO giảm đi đáng kể. Luyện thi đại học có thù lao hơn nhiều, mà không đòi hỏi sự lao tâm khổ tứ của thầy cô. Đây là năm đầu tiên khối chuyên Toán của Đại học Quốc gia và Đại học Sư phạm Hà Nội không có đại diện trong đội tuyển IMO.
“Không phải ai học chuyên toán đều ra làm Toán hay ai học Vật lý đều trở thành nhà nghiên cứu Vật lý, nhưng thực tế cho thấy nói chung học sinh trường chuyên đều thể hiện được năng lực tư duy vượt trội và là những người có nhiều thành công trong cuộc sống sau này. Tập hợp một nhóm học sinh ưu tú vào mội môi trường giáo dục đặc biệt, nơi đó các em không chỉ có thầy giỏi mà còn có bạn giỏi như mình để cùng ganh đua, đó là cách tốt nhất để phát triển tư duy của học trò”. - GS Ngô Bảo Châu.
Một yếu tố khác là thiếu chính sách ưu tiên cho các em đoạt giải trong kỳ thi Olympic Quốc gia và quốc tế. Học sinh giỏi Toán quốc gia chắc chắn có đủ tư chất để theo học khoa Toán ở các trường đại học, trong khi các khoa này do chưa được phép tuyển thẳng nên phải hạ điểm tuyển xuống 15 trên thang điểm 30.
Yếu tố khác nữa là sự thay đổi trong nhận thức của gia đình và xã hội đối với các giải thưởng học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Trước đây, có thể chúng ta có một số ảo tưởng cho rằng thành tích các kỳ thi Olympic phản ánh trình độ khoa học của quốc gia, của trí tuệ dân tộc và rồi đặt lên đầu đội tuyển IMO những vầng hào quang tưởng tượng. Những ảo tưởng đó nay về cơ bản không còn nữa.
Nhưng tôi hơi lo rằng chúng ta đang đánh đổi một ảo tưởng cũ lấy một ảo tưởng mới về giá trị tuyệt đối của ngoại ngữ, của kỹ năng giao tiếp xã hội, của nghiệp vụ thương mại… Không ai phàn nàn về việc trong xã hội có nhiều quan niệm và nhiều thang giá trị khác nhau, nhưng về cơ bản cha mẹ vẫn cần khuyến khích nếu con em mình có thiên hướng, năng khiếu về Toán, về khoa học hoặc ít nhất không nên cản trở định hướng đó của các em.
Nhưng phụ huynh cũng có những lý do của họ…
Phụ huynh ngày hôm nay có cái nhìn thực tế hơn, nhưng chưa chắc đã đúng trong mọi trường hợp. Đặt mình vào địa vị của người khác để quyết định thay cho họ là việc rất khó, kể cả trong trường hợp người khác ấy là con mình.
Mặt khác các bậc phụ huynh có lẽ không có đủ thông tin khi đánh giá tình hình. Giải thưởng IMO và các kỳ thi học sinh giỏi khác là chìa khoá để mở cửa vào những trường ĐH tốt nhất thế giới. Kể cả ở bậc trên đại học, giải thưởng quốc tế bạn đạt được trong thời phổ thông vẫn là một lợi thế lớn trong hồ sơ của ứng viên.
Tất nhiên, phụ huynh có lập luận riêng của họ. Họ có thể cho rằng nếu mục tiêu chỉ là du học thôi, con em họ có thể đi bằng những con đường khác, không nhất thiết phải thi quốc gia, quốc tế. Thậm chí những con đường kia còn dễ dàng hơn, ít hao tâm tổn trí hơn là đầu tư để tranh đua vào một vị trí trong đội tuyển thi quốc tế, chưa nói đến chuyện đi thi thì phải có giải.
Nhưng chẳng lẽ lúc nào chúng ta cũng khuyên con em mình chọn con đường dễ? Vượt qua thử thách là phương pháp tốt nhất để trẻ lớn lên, vững tin đi những bước tiếp theo của cuộc đời mình. Tất nhiên bài toán khó của cha mẹ là tìm ra sự thử thách phù hợp cho con mình.
Không phải cứ luyện “gà nòi” là không tốt
Theo quan sát của giáo sư, các nước có nền giáo dục phát triển họ nhìn nhận thế nào về kỳ thi Olympic?
Ở Pháp và Mỹ, người dân ít ai biết về các kỳ thi Olympic. Người Pháp quan tâm hơn đến cuộc thi học sinh giỏi quốc gia của họ có tên là Concours général hay cuộc thi vào một vài trường “đỉnh”.
Ngược lại, các trường ĐH cả Pháp và Mỹ đều đánh giá cao thành tích thi Olympic. Khoa Toán trường ĐH Chicago, nơi tôi đang làm việc cũng vậy. Khi tuyển nghiên cứu sinh, chúng tôi ưu tiên nhận những người được giải IMO, tất nhiên là vẫn phải xem xét cả quá trình học tập sau này của họ nữa.
Mười năm trở lại đây, các đại học Mỹ quan tâm nhiều hơn đến việc tổ chức trại hè toán học. Ở đó ngoài việc giới thiệu toán học hiện đại cho học sinh, họ tổ chức luyện thi Olympic khá quy củ. Chính vì thế mà đội IMO của Mỹ có thành tích rất tốt.
Dư luận cũng từng chỉ trích việc luyện “gà nòi” của ta và cho rằng nó chẳng giúp ích cho mặt bằng chất lượng giáo dục phổ thông, giáo sư nghĩ thế nào về điều này?
Hầu hết các nước đưa người đi dự IMO đều huấn luyện “gà nòi”. Tất nhiên, mỗi nước họ luyện “gà nòi” theo một kiểu. Mỹ, Pháp thì ngoài chuyện luyện thi, học tập trung trước khi thi thì họ có cách tiếp cận hiện đại hơn – tổ chức mô hình học tập theo dạng câu lạc bộ (CLB). Trong các CLB, học sinh được tìm hiểu, khám phá khoa học chứ không chỉ ôn luyện để tập làm bài thi.
Trong thực tế, nhiều thí sinh IMO ở Pháp và Mỹ tiếp tục theo đuổi Toán và khoa học cơ bản. Trung Quốc có vẻ tập trung vào việc luyện thi thuần túy. Đội IMO của Trung Quốc thường có điểm thi ấn tượng, nhưng hầu hết các thí sinh IMO của Trung Quốc sau đó chia tay với Toán học.
Phải chăng vì vậy mà chúng ta vẫn nên phát triển các trường chuyên, tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi, từ đó tuyển chọn đội quân tinh nhuệ rồi huấn luyện các em để đi thi quốc tế?
Theo tôi, về mặt cơ bản, ta tổ chức được hệ thống các trường chuyên, trong đó có các lớp chuyên Toán là một thành công trong giáo dục phổ thông, dù cách tổ chức này có thể khác với một số nước. Tất nhiên mỗi mô hình có nhược điểm của nó. Nhưng cái gì mình cơ bản làm tốt rồi thì cần phát huy.
Giáo sư có ý tưởng gì để gia tăng niềm đam mê với các môn khoa học cơ bản trong giới học trò?
Ai cũng thấy cái bất hợp lý trong phong trào dạy thêm học thêm. Học thêm rất nhiều mà cái đó không giúp ích mấy trong việc phát triển tư duy, nhân cách của trẻ. Đây là sự lãng phí tiền của của dân, và là sự lãng phí tuổi thơ của trẻ.
Phải chăng xã hội cần tìm cách điều chỉnh để việc học thêm trở thành hình thức sinh hoạt CLB. CLB là nơi khơi dậy niềm say mê khám phá, tìm hiểu cuộc sống, nghiên cứu khoa học chứ không hướng vào việc cải thiện kết quả thi cử.
Hình thức CLB dĩ nhiên không chỉ áp dụng tốt cho Toán mà còn có thể thực hiện cho các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nghệ thuật, thể thao... Để phát triển mô hình CLB cần có sự tham gia của các nhà khoa học, những nhà hoạt động nghệ thuật, đặc biệt của những phụ huynh học sinh công tác trong các lĩnh vực liên quan.
Nhưng về cơ bản, để có những thay đổi lớn trong chất lượng giáo dục, không có cách nào tốt hơn là xây dựng lại vị trí của người thầy giáo. Đà Nẵng là nơi có chính sách đãi ngộ đặc biệt với những thầy giáo dạy Toán giỏi, tâm huyết với học sinh, và cũng là nơi phong trào học Toán có tiến bộ đáng kể từ mười năm trở lại đây. Đây là ví dụ để các tỉnh, thành phố khác nên lưu tâm.
Cảm ơn giáo sư.
GS Ngô Bảo Châu nói:
GS Ngô Bảo Châu.
Tôi chia sẻ nỗi niềm của những người yêu toán trong những ngày vừa qua sau khi đội tuyển IMO Việt Nam chỉ được 6 Huy chương Đồng và xếp thứ 31 chung cuộc. Đối với những người làm Toán, sự kiện này không chỉ buồn mà còn rất đáng lo ngại.
Nguyên tắc của IMO là một nửa số thí sinh tham gia cuộc thi sẽ có huy chương, và nếu tôi nhớ không nhầm, 30% số thí sinh sẽ có Huy chương Bạc. Như vậy chúng ta không có một thí sinh nào lọt vào nhóm 30% đứng đầu.
Kỳ thi IMO không phải là thước đo đánh giá về đẳng cấp Toán học của một quốc gia, nhưng nếu bạn để ý thì sẽ thấy những người làm Toán tích cực thế hệ tôi trở về sau hầu hết là những thành viên trong đội tuyển IMO trước đây.
Trước tôi một vài năm có anh Nguyễn Tiến Dũng, Phùng Hồ Hải… Sau tôi một vài năm có Hà Dương, Hà Huy Tài, Nguyễn Chu Gia Vượng... Sau này nữa có Ngô Đắc Tuấn, Đào Hải Long, Bùi Mạnh Hùng... Hoặc Lê Hùng Việt Bảo, đang làm nghiên cứu sinh tại khoa Toán ĐH Harvard cũng đã từng là thành viên đội tuyển IMO.
Tôi được biết, không chỉ kết quả thi IMO của ta trong những năm gần đây không cao mà ngay cả điểm tuyển vào khoa Toán các trường ĐH cũng không khả quan. Khoa toán một số trường quốc gia tuyển sinh ở mức 15 điểm trên 30. Điều này cho thấy Toán nói riêng và khoa học cơ bản nói chung ít có sức cuốn hút với thế hệ học sinh THPT ngày nay, hoặc không nằm trong phạm vi ưu tiên của phụ huynh học sinh.
Thành tích IMO không phản ánh trình độ khoa học, nhưng có phản ánh trung thực một khía cạnh của giáo dục ở bậc phổ thông. Cho đến cách đây không lâu, hình mẫu của sinh viên Việt Nam ở nước ngoài là rụt rè trong giao tiếp, ngoại ngữ hơi kém, nhưng giỏi Toán.
Cái hình mẫu đó ngày nay không còn đúng nữa. Nhiều bạn trẻ Việt Nam, nhất là các bạn lớn lên ở thành thị, không hề rụt rè trong giao tiếp, tiếng Anh khá lưu loát, nhưng cũng không giỏi Toán lắm. Cái này tự nó không có gì đáng phàn nàn nếu hệ thống chuyên Toán tiếp tục thực hiện tốt vai trò của nó là đào tạo ra một bộ phận ưu tú trong khoa học, trong kinh doanh và quản lý nhà nước có tư duy toán học chặt chẽ, mạch lạc. Nhưng tôi e rằng thực tế không phải như thế.
Theo giáo sư, những yếu tố nào đã tác động tới tình yêu toán học của học sinh phổ thông, khiến nó suy giảm?
Tôi không dám khẳng định là tình yêu Toán học của học sinh phổ thông giảm đi. Nhưng phải thấy rõ là sự nhiệt tình của một bộ phận không nhỏ thầy cô giáo trong việc chuẩn bị IMO giảm đi đáng kể. Luyện thi đại học có thù lao hơn nhiều, mà không đòi hỏi sự lao tâm khổ tứ của thầy cô. Đây là năm đầu tiên khối chuyên Toán của Đại học Quốc gia và Đại học Sư phạm Hà Nội không có đại diện trong đội tuyển IMO.
“Không phải ai học chuyên toán đều ra làm Toán hay ai học Vật lý đều trở thành nhà nghiên cứu Vật lý, nhưng thực tế cho thấy nói chung học sinh trường chuyên đều thể hiện được năng lực tư duy vượt trội và là những người có nhiều thành công trong cuộc sống sau này. Tập hợp một nhóm học sinh ưu tú vào mội môi trường giáo dục đặc biệt, nơi đó các em không chỉ có thầy giỏi mà còn có bạn giỏi như mình để cùng ganh đua, đó là cách tốt nhất để phát triển tư duy của học trò”. - GS Ngô Bảo Châu.
Một yếu tố khác là thiếu chính sách ưu tiên cho các em đoạt giải trong kỳ thi Olympic Quốc gia và quốc tế. Học sinh giỏi Toán quốc gia chắc chắn có đủ tư chất để theo học khoa Toán ở các trường đại học, trong khi các khoa này do chưa được phép tuyển thẳng nên phải hạ điểm tuyển xuống 15 trên thang điểm 30.
Yếu tố khác nữa là sự thay đổi trong nhận thức của gia đình và xã hội đối với các giải thưởng học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Trước đây, có thể chúng ta có một số ảo tưởng cho rằng thành tích các kỳ thi Olympic phản ánh trình độ khoa học của quốc gia, của trí tuệ dân tộc và rồi đặt lên đầu đội tuyển IMO những vầng hào quang tưởng tượng. Những ảo tưởng đó nay về cơ bản không còn nữa.
Nhưng tôi hơi lo rằng chúng ta đang đánh đổi một ảo tưởng cũ lấy một ảo tưởng mới về giá trị tuyệt đối của ngoại ngữ, của kỹ năng giao tiếp xã hội, của nghiệp vụ thương mại… Không ai phàn nàn về việc trong xã hội có nhiều quan niệm và nhiều thang giá trị khác nhau, nhưng về cơ bản cha mẹ vẫn cần khuyến khích nếu con em mình có thiên hướng, năng khiếu về Toán, về khoa học hoặc ít nhất không nên cản trở định hướng đó của các em.
Nhưng phụ huynh cũng có những lý do của họ…
Phụ huynh ngày hôm nay có cái nhìn thực tế hơn, nhưng chưa chắc đã đúng trong mọi trường hợp. Đặt mình vào địa vị của người khác để quyết định thay cho họ là việc rất khó, kể cả trong trường hợp người khác ấy là con mình.
Mặt khác các bậc phụ huynh có lẽ không có đủ thông tin khi đánh giá tình hình. Giải thưởng IMO và các kỳ thi học sinh giỏi khác là chìa khoá để mở cửa vào những trường ĐH tốt nhất thế giới. Kể cả ở bậc trên đại học, giải thưởng quốc tế bạn đạt được trong thời phổ thông vẫn là một lợi thế lớn trong hồ sơ của ứng viên.
Tất nhiên, phụ huynh có lập luận riêng của họ. Họ có thể cho rằng nếu mục tiêu chỉ là du học thôi, con em họ có thể đi bằng những con đường khác, không nhất thiết phải thi quốc gia, quốc tế. Thậm chí những con đường kia còn dễ dàng hơn, ít hao tâm tổn trí hơn là đầu tư để tranh đua vào một vị trí trong đội tuyển thi quốc tế, chưa nói đến chuyện đi thi thì phải có giải.
Nhưng chẳng lẽ lúc nào chúng ta cũng khuyên con em mình chọn con đường dễ? Vượt qua thử thách là phương pháp tốt nhất để trẻ lớn lên, vững tin đi những bước tiếp theo của cuộc đời mình. Tất nhiên bài toán khó của cha mẹ là tìm ra sự thử thách phù hợp cho con mình.
Không phải cứ luyện “gà nòi” là không tốt
Theo quan sát của giáo sư, các nước có nền giáo dục phát triển họ nhìn nhận thế nào về kỳ thi Olympic?
Ở Pháp và Mỹ, người dân ít ai biết về các kỳ thi Olympic. Người Pháp quan tâm hơn đến cuộc thi học sinh giỏi quốc gia của họ có tên là Concours général hay cuộc thi vào một vài trường “đỉnh”.
Ngược lại, các trường ĐH cả Pháp và Mỹ đều đánh giá cao thành tích thi Olympic. Khoa Toán trường ĐH Chicago, nơi tôi đang làm việc cũng vậy. Khi tuyển nghiên cứu sinh, chúng tôi ưu tiên nhận những người được giải IMO, tất nhiên là vẫn phải xem xét cả quá trình học tập sau này của họ nữa.
Mười năm trở lại đây, các đại học Mỹ quan tâm nhiều hơn đến việc tổ chức trại hè toán học. Ở đó ngoài việc giới thiệu toán học hiện đại cho học sinh, họ tổ chức luyện thi Olympic khá quy củ. Chính vì thế mà đội IMO của Mỹ có thành tích rất tốt.
Dư luận cũng từng chỉ trích việc luyện “gà nòi” của ta và cho rằng nó chẳng giúp ích cho mặt bằng chất lượng giáo dục phổ thông, giáo sư nghĩ thế nào về điều này?
Hầu hết các nước đưa người đi dự IMO đều huấn luyện “gà nòi”. Tất nhiên, mỗi nước họ luyện “gà nòi” theo một kiểu. Mỹ, Pháp thì ngoài chuyện luyện thi, học tập trung trước khi thi thì họ có cách tiếp cận hiện đại hơn – tổ chức mô hình học tập theo dạng câu lạc bộ (CLB). Trong các CLB, học sinh được tìm hiểu, khám phá khoa học chứ không chỉ ôn luyện để tập làm bài thi.
Trong thực tế, nhiều thí sinh IMO ở Pháp và Mỹ tiếp tục theo đuổi Toán và khoa học cơ bản. Trung Quốc có vẻ tập trung vào việc luyện thi thuần túy. Đội IMO của Trung Quốc thường có điểm thi ấn tượng, nhưng hầu hết các thí sinh IMO của Trung Quốc sau đó chia tay với Toán học.
Phải chăng vì vậy mà chúng ta vẫn nên phát triển các trường chuyên, tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi, từ đó tuyển chọn đội quân tinh nhuệ rồi huấn luyện các em để đi thi quốc tế?
Theo tôi, về mặt cơ bản, ta tổ chức được hệ thống các trường chuyên, trong đó có các lớp chuyên Toán là một thành công trong giáo dục phổ thông, dù cách tổ chức này có thể khác với một số nước. Tất nhiên mỗi mô hình có nhược điểm của nó. Nhưng cái gì mình cơ bản làm tốt rồi thì cần phát huy.
Giáo sư có ý tưởng gì để gia tăng niềm đam mê với các môn khoa học cơ bản trong giới học trò?
Ai cũng thấy cái bất hợp lý trong phong trào dạy thêm học thêm. Học thêm rất nhiều mà cái đó không giúp ích mấy trong việc phát triển tư duy, nhân cách của trẻ. Đây là sự lãng phí tiền của của dân, và là sự lãng phí tuổi thơ của trẻ.
Phải chăng xã hội cần tìm cách điều chỉnh để việc học thêm trở thành hình thức sinh hoạt CLB. CLB là nơi khơi dậy niềm say mê khám phá, tìm hiểu cuộc sống, nghiên cứu khoa học chứ không hướng vào việc cải thiện kết quả thi cử.
Hình thức CLB dĩ nhiên không chỉ áp dụng tốt cho Toán mà còn có thể thực hiện cho các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nghệ thuật, thể thao... Để phát triển mô hình CLB cần có sự tham gia của các nhà khoa học, những nhà hoạt động nghệ thuật, đặc biệt của những phụ huynh học sinh công tác trong các lĩnh vực liên quan.
Nhưng về cơ bản, để có những thay đổi lớn trong chất lượng giáo dục, không có cách nào tốt hơn là xây dựng lại vị trí của người thầy giáo. Đà Nẵng là nơi có chính sách đãi ngộ đặc biệt với những thầy giáo dạy Toán giỏi, tâm huyết với học sinh, và cũng là nơi phong trào học Toán có tiến bộ đáng kể từ mười năm trở lại đây. Đây là ví dụ để các tỉnh, thành phố khác nên lưu tâm.
Cảm ơn giáo sư.