Định vị khoa học Việt Nam trên trường quốc tế

Tôi xin post lại ở đây một bài viết hay trên blog của GS Nguyễn Văn Tuấn.
http://nguyenvantuan.net/science/4-science/1285-dinh-vi-khoa-hoc-viet-nam-tren-truong-quoc-te


Mấy năm gần đây, khái niệm kinh tế tri thức được đề cập nhiều lần. Nghiên cứu khoa học và ứng dụng thành tựu nghiên cứu khoa học là một thành tố quan trọng của một nền kinh tế tri thức. Bài này sẽ điểm qua vị trí khoa học của Việt Nam trên trường quốc tế trong từng lĩnh vực khoa học để thấy chúng ta đang ở đâu trên thế giới.
Gần đây, khái niệm kinh tế tri thức (knowledge-based economy) được đề cập đến nhiều lần trong các chính sách phát triển kinh tế quốc gia. Trong chiến lược hoàn thành công nghiệp hóa vào năm 2020, Đại hội Đảng XI nhấn mạnh đến “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường.” Một nền kinh tế tri thức có thể hiểu như là một nền kinh tế trong đó vai trò của tri thức đóng vai trò chủ đạo. Tri thức ở đây khác với tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực vật chất và lao động chân tay. Trong nền kinh tế tri thức, sự phát triển kinh tế có liên quan tới mức độ cạnh tranh về công nghệ, và cạnh tranh công nghệ phụ thuộc vào khoa học và nghiên cứu khoa học. Do vậy, trong nền kinh tế tri thức, nghiên cứu khoa học đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng trưởng kinh tế.



Ấn phẩm khoa học

Kết quả của nghiên cứu khoa học thể hiện qua số lượng và chất lượng ấn phẩm khoa học trong những tập san chuyên ngành có bình duyệt quốc tế. Tuy có tới trên 100.000 tập san khoa học trên toàn thế giới, chỉ có những tập san được liệt kê trong danh mục của Institute of Scientific Information (ISI) là được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận. Do đó, trên bình diện quốc gia, người ta dựa vào số lượng và chất lượng ấn phẩm khoa học trên các tập san thuộc thư mục ISI như là một thước đo để đánh giá và xếp hạng các nước.

Trong vài năm gần đây, người viết bài này đã phân tích số lượng và chất lượng ấn phẩm khoa học của nước ta, so sánh với các nước trong vùng (xem “Khoa học Việt Nam đang ở đâu?”, “Nghiên cứu khoa học và giấc mơ top 200”), cho thấy so với các nước trong vùng, khoa học nước ta nói chung còn kém. Trong thời gian 2001 đến 2010, các nhà khoa học Việt Nam công bố được 8220 bài báo khoa học trên các tập san ISI, thể hiện tăng 3,4 lần so với thời gian 10 năm trước (1991-2000). Tuy nhiên, số bài báo trong 2001-2010 của Việt Nam chỉ bằng 1/4 của Thái Lan, 1/3 Malaysia, và 1/6 Singapore. Nhưng các phân tích trên chưa định vị khoa học Việt Nam trên trường quốc tế ra sao.

Để xác định vị trí của nghiên cứu khoa học trên trường quốc tế, tôi sử dụng dữ liệu của ISI và SCOPUS (các thư mục khoa học quốc tế) trong thời gian 14 năm, tính từ 1996 đến 2009. Có nhiều cách định vị (hay xếp hạng) khoa học, nhưng tựu trung lại là dựa vào số lượng và một chỉ số hỗn hợp giữa số lượng và chất lượng. Cách đơn giản nhất là dựa vào số lượng ấn phẩm khoa học, vì chỉ số này phản ảnh khối lượng thông tin khoa học “sản xuất” của một nước. Nhưng cách xếp hạng này có vấn đề, vì có nước công bố rất nhiều công trình khoa học nhưng chẳng ai quan tâm vì chất lượng quá thấp. Tiêu biểu cho xu hướng này là Trung Quốc. Trong thời gian 1996 – 2009, Trung Quốc công bố 1,5 triệu ấn phẩm khoa học trên các tập san quốc tế, đứng vào hàng thứ 2 (sau Mĩ với gần 4,77 triệu bài báo khoa học trong cùng thời gian), nhưng nếu dựa vào tầm ảnh hưởng thì Trung Quốc đứng hạng 10 trong số 235 nước có thể xếp hạng.

Tuy nhiên, số lượng công trình khoa học chỉ phản ảnh lượng, mà không phản ảnh phần chất vốn rất quan trọng trong khoa học. Một nhà khoa học có thể có hàng trăm bài báo khoa học, nhưng chẳng ai trích dẫn hay quan tâm thì không thể xem là một nhà khoa học giỏi được. Do đó, một cách xếp hạng khách quan và hợp lí hơn là dựa vào chỉ số H. Chỉ số H là một sáng kiến của nhà vật lí học Jorge Hirsch (Đại học California San Diego). Hirsch định nghĩa rằng chỉ số H của một nhà khoa học là H công trình trong số N công trình của nhà khoa học đó được trích dẫn ít nhất là H lần, và (N – H) được trích dẫn dưới H lần. Ví dụ, nếu một nhà khoa học có chỉ số H = 20 có nghĩa là nhà khoa học này có 20 công trình nghiên cứu với mỗi công trình được trích dẫn ít nhất là 20 lần. Cần nói thêm rằng, một nhà khoa học với chỉ số H 20 là ở vào đẳng cấp giáo sư. Các nhà khoa học y sinh học, vật lí học, hóa học từng chiếm giải Nobel thường có chỉ số H trên 30. Do đó, chỉ số H “dung hòa” giữa lượng và chất và hợp lí trong xếp hạng khoa học của một nước.

Vị trí của khoa học Việt Nam


Dựa vào chỉ số H, Việt Nam đứng ở đâu trên bảng đồ khoa học quốc tế? Theo số liệu của SCOPUS, chỉ số H của Việt Nam trong thời gian 1996-2009 là 84. Nói cách khác, trong số hơn 8000 bài báo khoa học công bố trong thời gian trên, có 84 bài được trích dẫn ít nhất là 84 lần. Với chỉ số H này, Việt Nam đứng vào hạng 61 (trong số 235 nước). Thứ hạng của Việt Nam thấp hơn Thái Lan (hạng 39), Malaysai (54), Indonesia (58) và Philippines (56). Các cường quốc khoa học Á châu như Singapore (hạng 31), Hàn Quốc (21) và Trung Quốc (18) được xếp hạng trên Việt Nam khá xa.

Phân tích theo từng lĩnh vực nghiên cứu cho thấy nghiên cứu y sinh học (bao gồm y học, miễn dịch học) từ Việt Nam được xếp hạng cao hơn trung bình. Chỉ số H của y học Việt Nam là 65, và với chỉ số này nghiên cứu y học Việt Nam đứng vào hạng 50 trên thế giới. Riêng nghiên cứu về miễn dịch học được xếp hạng 48. Tuy nhiên, so với Thái Lan, Malaysia, Indonesia và nhất là Singapore thì hạng của Việt Nam vẫn còn khá thấp.

Trong khi nghiên cứu y học từ Việt Nam được xếp hạng 50, nghiên cứu toán học ở Việt Nam (chỉ số H 26) được xếp hạng 55 trên thế giới. Với hạng 55, toán học Việt Nam đứng “cao” hơn Thái Lan (65), Malaysia (70), Indonesia (89) và Philippines (80), nhưng còn thấp hơn nhiều so với Singapore (25) và Hàn Quốc (20) hay Trung Quốc (10).

Một điều khá ngạc nhiên là nghiên cứu vật lí từ Việt Nam được xếp hạng 59 (với chỉ số H 34), chỉ cao hơn Thái Lan 2 hạng (61), Malaysia (67), Indonesia (69) và Philippines (84). Tuy nhiên, nghiên cứu vật lí ở VN được xếp hạng thấp hơn Singapore (33) và Hàn Quốc (16).

Các lĩnh vực nghiên cứu khác của Việt Nam được xếp hạng thấp bao gồm sinh hóa, sinh học phân tử và di truyền học (75), kĩ thuật (hạng 74), khoa học vật liệu (71), khoa học môi trường (71), nông học (69), và khoa học xã hội (67).

Cần chuẩn mực mới

Những kết quả phân tích trên một lần nữa cho thấy khoa học Việt Nam chẳng những ở một vị trí thấp trên thế giới, mà còn so với các nước trong vùng. Tính chung, nghiên cứu khoa học ở nước ta thấp hơn các nước chung quanh, chỉ cao hơn Lào, Campuchea, Miến Điện. Phân tích chi tiết cho thấy Việt Nam tương đối “mạnh” trong lĩnh vực y học, toán, và vật lí. Nhưng trong thực tế, phần lớn (trên 90%) những công trình nghiên cứu y học ở nước ta là do hợp tác với các nhà khoa học nước ngoài, chứ “nội lực” thì không đáng kể. Thật ra, hợp tác trong nghiên cứu thực nghiệm là cần thiết và đáng khuyến khích, nhưng vấn đề là cần đảm bảo bản quyền sáng chế (nếu có) và tự chủ trong khoa học.

Một trong những lí do về sự khiêm tốn của khoa học Việt Nam trên trường quốc tế là số ấn phẩm khoa học còn thấp. Cả nước hiện nay có khoảng 9000 giáo sư và phó giáo sư, cùng với trên 3 vạn tiến sĩ. Nhưng mỗi năm, chỉ có khoảng 900 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế. Đó là một năng suất cực kì khiêm tốn, nếu nhìn theo theo chuẩn mực quốc tế mỗi giáo sư cần phải có ít nhất 1 bài báo khoa học mỗi năm. Vấn đề là ở nước ta, vẫn tồn tại một sự nhầm lẫn giữa bài báo khoa học và bài báo phổ thông. Chẳng hạn như gần đây báo chí nói đến một nhà khoa học có số lượng bài báo kỉ lục về rùa, nhưng thật ra chỉ có 2 công trình nghiên cứu (và cũng chưa có một bài nào trên một tập san quốc tế)! Không ít nhà khoa học nghĩ rằng những bài báo trên các tạp chí chuyên ngành hay thậm chí trên báo chí phổ thông là công trình nghiên cứu! Với cách làm khoa học phổ thông như thế chúng ta không ngạc nhiên khi thấy năng suất khoa học quốc gia rất thấp so với quốc tế.

Vấn đề là vì cộng đồng khoa học Việt Nam chưa nhất trí tạo ra những chuẩn mực khách quan để đánh giá thành tựu một nhà khoa học. Vì thiếu một chuẩn mực khách quan, nên có sự lẫn lộn giữa bài báo phổ thông hay abstract trong hội nghị và một bài báo khoa học nghiêm chỉnh. Từ sự lẫn lộn này dẫn đến những sai lầm trong đánh giá và đề bạt các chức danh khoa học. Tình trạng vàng thau lẫn lộn cũng xuất phát từ sự thiếu chuẩn mực khách quan cho một công trình nghiên cứu khoa học. Và, từ đó chúng ta có rất nhiều nhà khoa học phổ thông, nhưng rất ít những nhà khoa học thứ thiệt.

Theo thông lệ quốc tế, một công trình khoa học chỉ có thể xem là hoàn tất nếu kết quả công trình đó được công bố trên những tập san khoa học có bình duyệt (peer review). Chỉ qua bình duyệt và qua công bố quốc tế thì người ta mới có thể đánh giá công trình khoa học đó ra sao. Một công trình nghiên cứu tiêu nhiều triệu đồng (của dân) mà không được công bố trên các tập san khoa học có bình duyệt thì không thể xem là hoàn tất được, và tác giả vẫn còn nợ người dân. Những bài viết trên báo chí phổ thông không thể và không bao giờ xem là bài báo khoa học. Những bản tóm tắt (abstract) trong hội nghị cũng không phải là những bài báo khoa học.

Những kết quả phân tích trên đây gợi ý rằng đã đến lúc thiết lập các tiêu chuẩn để đánh giá một công trình khoa học. Cần phải thay thế qui trình “nghiệm thu” bằng những bài báo khoa học quốc tế mà Quĩ Nafosted của Bộ Khoa học và Công nghệ đang áp dụng. Một công trình mang tiếng là nghiên cứu khoa học mà không công bố được kết quả trên các diễn đàn quốc tế thì không thể xem là khoa học được.

Nhìn sang những nước công nghiệp hóa như Hàn Quốc và Singapore, chúng ta thấy một đặc điểm nổi bậc là khoa học của họ rất mạnh. Chỉ trong vòng 20 năm, Hàn Quốc và Singapore đã trở thành một cường quốc trung về khoa học, với nhiều đại học và trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu. Chúng ta đặt mục tiêu năm 2020 là hoàn thành công nghiệp hóa với kinh tế tri thức. Chúng ta chỉ có 10 năm nữa để thực hiện mục tiêu này, trong khi vị trí khoa học còn quá thấp. Nếu không có một sự đổi mới mang tính cách mạng trong chính sách tài trợ và quản lí nghiên cứu khoa học, e rằng vị thế của khoa học Việt Nam sẽ không thay đổi đáng kể trong vòng 10 năm tới.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chân dung người phụ nữ thứ 2 trên thế giới giật giải 'Nobel Toán học'

Con cừu đen của làng toán Việt

Coi chừng khoa học thuộc địa kiểu mới!