Dạy học sinh trường chuyên bằng tiếng Anh, lợi bất cập hại!
TS LÊ TỰ HỶ (Atlanta, Hoa Kỳ)
Trên Tuổi Trẻ số Thứ Tư ngày 15/12/2010 có bài Nhiều trường nói khó khả thi đưa ra dư luận về việc dạy một số môn như Toán, Tin, Lý,... và đến năm 2020 sẽ dạy tất cả các môn về khoa học Kỹ thuật và khoa học nhân văn bằng tiếng Anh trong các trường chuyên theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Chúng ta thử xem Bộ GD&ĐT đã căn cứ vào những nguyên nhân nào để đề ra kế hoạch này? Những nguyên nhân ấy có thật sự chính đáng không?
- Học như thế để đi thi Quốc tế? Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển: “Với khả năng tiếng Anh còn yếu, nhiều học sinh dự thi Olympic quốc tế đã gặp khó khăn trong giao tiếp bằng tiếng Anh và khó khăn hơn trong việc tiếp cận nội dung đề thi, cách ra đề bằng tiếng Anh. Vì vậy, việc triển khai dạy một số môn chuyên bằng tiếng Anh vừa nhằm nâng cao vốn hiểu biết ngoại ngữ của học sinh vừa tạo điều kiện tốt cho học sinh khi tham dự các kỳ thi quốc tế và khu vực”. (Tuổi Trẻ, ngày 15/12/2010).
Như vậy, phải chăng mục đích giáo dục trường chuyên của Việt Nam ta là chỉ để cho học sinh đi thi quốc tế? Thi quốc tế chỉ là một cuộc chơi nhằm tạo không khí “gọi là sinh hoạt chung cho cộng đồng các học sinh Trung học nhiều nước trên thế giới”. Chỉ là một cuộc chơi. Nước ta nên tham dự như đã từng tham dự mấy chục năm nay. Nhưng lấy đó làm mục tiêu chính cho giáo dục các học sinh ưu tú nhất nước ta, rồi đem rất nhiều tiền bạc, thời gian, công sức của một nước còn nghèo như nước ta để cố tranh giành ngôi thứ với người ta trong cuộc chơi này thì quả là một sai lầm. Vì sao? Vì mục tiêu chính của các trường chuyên là tạo nền móng để đào tạo những học sinh ưu tú nhất của ta trở thành những người có đủ trình độ để giải quyết những vấn đề của Việt Nam trong mọi lĩnh vực, nhằm giúp dân giàu, nước mạnh, văn minh, chứ không nhằm đi thi quốc tế.
Thi quốc tế chỉ là một chút hương vị ban đầu của tài năng, mà sau đó người học sinh phải được đầu tư để học tập, làm việc nghiêm túc trong 10, 20 năm sau họa may mới có thể thực sự đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Không phải có vị trí cao trong các kỳ thi quốc tế mà nền khoa học của ta “ngon” hơn thiên hạ, nền giáo dục của ta “tiên tiến hơn thiên hạ”. Cũng không phải do nhờ dạy các môn Toán, Tin học,... bằng tiếng Anh mà học sinh sẽ được điểm cao trong kỳ thi quốc tế.
Có khá nhiều nước, học sinh Trung học học tiếng Anh như Philippines mà họ có được nhiều giải Toán thi quốc tế như Nga không? (mà hẳn là Nga không bao giờ dạy các môn Toán, Lý, Tin học... cho học sinh của họ hoàn toàn bằng tiếng Anh). Rồi hãy xem nước Nhật, họ có dạy Toán, Tin học,… trong trường Trung học quốc gia của họ bằng tiếng Anh không? Họ có đạt thành tích thi quốc tế Toán cao như ta trong các kỳ thi quốc tế không? Thậm chí, Tin học họ cũng không đạt cao như ta. Nhưng Khoa học, Kỹ Thuật, Kinh tế của ta so với họ thế nào? Họ hơn ta hàng vạn dặm! Ngay cả Hàn Quốc cũng vậy. Mở mắt ra, các vị đều thấy sản phẩm mang hàm lượng chất xám của Nhật Bản và Hàn Quốc đầy rẫy trong nước ta. Không những ở nước ta mà còn ở rất nhiều nước trên thế giới, kể cả Mỹ.
Hơn nữa, thi quốc tế như Toán chẳng hạn, học sinh nước nào làm bài bằng tiếng nước đó, với đề thi đã được dịch ra tiếng nước đó, chứ đâu có đọc đề bằng tiếng Anh và làm bài bằng tiếng Anh. Học sinh Việt Nam ta, từ mấy chục năm nay chưa hề học Toán bằng tiếng Anh ở Trung học mà vẫn có nhiều học sinh được huy chương vàng. Vậy cái lý do để đi thi quốc tế mà trường chuyên phải dạy các môn hoàn toàn bằng tiếng Anh là không đúng.
- Không khả thi: Giả sử mục tiêu là đúng thì kế hoạch cũng không khả thi: thầy của ta có nói tiếng Anh trôi chảy không mà dạy? Theo tôi nghĩ, các thầy giáo của ta, với 4 năm học Đại học sư phạm thì không đủ khả năng dạy các môn học bằng tiếng Anh. Ngay cả thầy dạy tiếng Anh, sau 4 năm học Đại học sư phạm Anh văn, nếu không tu nghiệp với thầy dạy tiếng Anh bản ngữ ít nhất trong 2 năm thì cũng chưa phải là “đủ chuẩn” để dạy Anh ngữ đâu! Mặt khác, học sinh trường chuyên tuy thông minh, nhưng lại phải tiếp thu kiến thức Toán, Tin học, Khoa học Kỹ thuật và Nhân văn qua tiếng Anh, với thầy dạy “không đủ trình độ về ngôn ngữ để trình bày bài dạy một cách lưu loát, tài hoa, hấp dẫn,…” thì lợi bất cập hại! Hơn nữa, học hoàn toàn bằng tiếng Anh thì khi thi Tú tài Việt Nam họ thi chung một đề với đại đa số học sinh Việt Nam ở các trường phổ thông, họ có đủ tiếng Việt để làm bài không? Hay là Bộ sẽ cho họ một kỳ thi riêng?
- Tác hại tâm lý của việc dạy các môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội cho học sinh Việt Nam các trường chuyên bằng tiếng Anh. Học sinh các trường chuyên đa số đều là những học sinh thông minh, có tiềm năng. Đây là lực lượng đáng quý của trí thức tương lai cho đất nước. Việt Nam cần phải giáo dục lực lượng này thành những con người có khả năng cao để phụng sự đất nước. Phải dạy cho họ tinh thông tiếng Việt, yêu tiếng Việt và đồng thời tinh thông ít nhất một ngoại ngữ. Điều này không có nghĩa là phải dạy họ mọi môn học trong chương trình giáo dục Việt Nam bằng tiếng Anh. Trái lại, dạy họ mọi môn học bằng tiếng Việt với một văn phong thuần Việt trong sáng để họ thấy tiếng Việt cũng là ngôn ngữ có khả năng diễn đạt mọi tư tưởng của nhân loại, và về sau, họ sẽ có khả năng và nhiệm vụ giúp làm phong phú thêm tiếng Việt trong chuyên ngành của họ. Chứ nếu dạy họ hoàn toàn bằng tiếng Anh các môn học ấy thì vô tình các vị đã tô bồi cho họ tâm lý:
- Xem nhẹ tiếng Việt, chê tiếng Việt nghèo nàn, họ sẽ không thể diễn tả được chuyên môn của họ bằng tiếng Việt chính trên quê hương của mình. Đó là mầm mống làm giảm đi tình yêu đối với quê hương đất nước. Và họ sẽ mất đi cái khả năng và nhiệm vụ làm giàu tiếng Việt mà tầng lớp trí thức ưu tú như họ đáng lý phải làm.
- Tự kiêu là mình đã ở vào một tầng lớp cao sang hơn những học sinh khác, không cần học bằng tiếng Việt. Đây là mầm mống của sự vọng ngoại. Với tâm lý ấy, không khéo rất có thể trường chuyên của Việt Nam lại trở thành công cụ đào tạo dùm người ưu tú cho các nước khác!
- Nên dạy như thế nào? Phải dạy mọi môn bằng tiếng Việt. Đồng thời, phải dạy cho họ một ngoại ngữ tinh thông có thể từ lớp 3 hay lớp 6 tới lớp 12, chủ yếu nói, nghe, đọc, viết khá thông thạo về những vấn đề chung của xã hội chứ không phải trong một chuyên ngành, và dạy họ thêm một ngoại ngữ thứ hai nữa từ lớp 10 đến lớp 12. Một trong hai ngoại ngữ này phải là tiếng Anh.
Với cái vốn ấy, những học sinh trường chuyên nếu có điều kiện ra nước ngoài học thì không khó khăn gì khi theo học ở Đại học của người ta. Điều này đã từng có tiền lệ từ mấy chục năm nay ở nước ta. Thế hệ của tôi, cũng như trước và về sau này, biết bao học sinh giỏi của nước ta đâu cần học mọi môn bằng tiếng Anh ở Trung học mà đến học Đại học Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Nhật, Nga,... bằng tiếng bản xứ, đã trở thành những Tiến sĩ, những người làm việc trong Khoa học, Kỹ thuật, Văn học ở xứ người.
- Để giúp học sinh nước ta xin được học bổng Đại học như ở Mỹ, cần phải:
+ Dạy tiếng Anh để các em thi TOEFL đạt điểm cao, ít nhất trên 550 điểm.
+ Giúp họ thi SAT, ACT được điểm cao. Chẳng hạn, SAT (gồm 3 phần: Toán, tiếng Anh tổng quát, viết tiếng Anh) cho đạt ít nhất 2100/2400. Với những học sinh giỏi của Việt Nam, nếu được học tiếng Anh tổng quát giỏi, có tài liệu luyện thi SAT để tự luyện hoặc do các trung tâm luyện thi tư nhân luyện trong 2 năm lớp 10 và 11 thì thi SAT phần Toán rất dễ đạt 750-800/800. Nhưng phần tiếng Anh tổng quát, và phần viết là rất khó đạt 770-800/800.
Vậy cái cần là nên giới thiệu với các em các tài liệu luyện thi SAT, ACT... của Mỹ. Nhà trường nên mua một số bộ mẫu về để giới thiệu, các học sinh sẽ tự tìm mua bản photocopy hay bản gốc. Và nhà trường cũng cần soạn ra một tập danh từ đối chiếu Việt-Anh về các môn Toán, Lý, Tin học... để giúp các em đọc các sách về ôn luyện thi SAT, ACT.
Trong vấn đề này, chúng tôi đã từng trải qua một ít kinh nghiệm như sau: Vào những năm trước 1975, chúng tôi dạy mọi môn như Toán, Lý, Hóa, Sinh... ở Đại học Khoa Học Huế hoàn toàn bằng tiếng Việt, nhưng sau mỗi bài giảng đều có danh từ đối chiếu Việt, Anh, Pháp của những thuật ngữ đã dùng trong bài giảng, rồi trong phần bài tập có những đề bằng tiếng Việt, một số đề bằng tiếng Anh, một số bằng tiếng Pháp, và trong hướng dẫn lời giải cũng vậy. Nhờ đó sinh viên dễ dàng đọc, tham khảo tài liệu chuyên ngành trong những sách viết bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, mà không cần học các môn ấy trực tiếp bằng tiếng Pháp hay tiếng Anh với các thầy tại trường.
Ở đây cũng tương tự, nếu nhà trường cung cấp tài liệu tốt về SAT, ACT,… thì học sinh sẽ tự tra cứu, ôn luyện thi hay học thêm ở các trung tâm luyện thi bên ngoài nhà trường, chứ nhà trường không cần phải dạy họ trực tiếp bằng tiếng Anh vì những lý do như đã nêu trên.
Cũng cần biết rằng, học bổng vào các trường Đại học ở Mỹ không những chỉ căn cứ vào điểm thi SAT, ACT, TOEFL mà còn căn cứ vào thành tích học tập tổng quát: vị thứ so với bạn cùng học thường chỉ dành cho những học sinh ở nhóm 5% (do nhà trường và các thầy đánh giá kèm theo trong đơn xin nhập học), thành tích các hoạt động xã hội, thể thao, âm nhạc,... Và cũng nên biết, học bổng cho sinh viên nước ngoài vào năm đầu của Đại học ở Mỹ chỉ có ở những trường Đại học tư. Nếu thành tích học tập xuất sắc mà được nhận vào các trường hàng đầu như Harvard, Princeton,… theo chế độ “need blind” thì sinh viên sẽ được chu cấp đầy đủ tiền ăn, ở, học tập đến nơi đến chốn. Vì vậy, các trường chuyên của ta không phải chỉ lo dạy cho các em luyện thi, mà phải tạo điều kiện cho các em khỏe mạnh, tinh thần sung mãn, tình yêu quê hương sâu đậm qua các hoạt động thể dục thể thao, các công tác xã hội, từ thiện,…
Học bổng vào Cao học - Tiến sĩ thì ngoài TOEFL điểm ít nhất phải 550, ứng viên phải thi GRE ở các ngành Khoa học và GMAT ở ngành như Quản trị kinh doanh. Đặc biệt, sinh viên ban Cử nhân khoa học ở nước ta nên chuẩn thi TOEFL và GRE đạt điểm thật cao, và thành tích học tập cấp Cử nhân thật tốt (trong nhóm 5%) để xin học bổng Tiến sĩ theo dạng TA (Teaching Assistant) mà hiện nay các Đại học Mỹ thường có khoảng trên 50% sinh viên nước ngoài được chọn vào, vì sinh viên Mỹ không đủ nguồn tuyển, và Mỹ rất cần những sinh viên ưu tú của nước ngoài để về sau trở thành nhân tài cho Mỹ sử dụng.
Ngoài ra, tôi đề nghị các trường chuyên nên có các chương trình liên kết liên thông với các Đại học để tạo điều kiện cho các em có khả năng kết thúc sớm chương trình trung học và đại học, để một số em có khả năng có thể hoàn tất đại học (có bằng Cử nhân) vào cỡ tuổi 17, 18 hay 20. Để các em lên ngay chương trình Tiến sĩ và hoàn thành luận án Tiến sĩ ở tuổi 24, 25, 26,... Chúng ta cần đào tạo ra nhiều Tiến sĩ ở tuổi 25-30 trong những ngành khoa học, công nghệ để họ sẽ làm đầu tàu kéo con tàu khoa học, kỹ thuật của đất nước đi lên. Đó mới chính là mục đích của trường chuyên.
Chương trình liên thông này như sau: ở trung học, chẳng hạn môn Toán, nếu các em tỏ ra có đủ khả năng tiếp thu chương trình ở các lớp cao hơn thì cứ tổ chức dạy cho các em không cần phải đợi lên lớp trên mới học. Ở Mỹ, không có Trường chuyên như ở ta. Nhưng những trường cấp 3 (High School, thường từ lớp 9 tới lớp 12), các học sinh vượt trội môn nào có thể được phép ghi tên học các môn ở trình độ đại học (chương trình y như ở đại học, gọi chung là AP (Advanced Placement) tại ngay trường trung học. Những môn này nếu đạt điểm A thì sẽ tính thành 5 điểm trong khi những môn ở trung học thì A tính thành 4 điểm, cho nên nhiều học sinh tốt nghiệp phổ thông với điểm trung bình trong học bạ trên 4 điểm mặc dù mọi môn ở trung học chỉ tối đa 4 điểm. Và đó là lợi thế của các học sinh giỏi khi được các trường Đại học xét tuyển vào đại học.
Có nhiều học sinh trong 3 năm lớp 10, 11 và 12 đã học hết nửa chương trình đại học qua các môn AP, và khi vào đại học các học sinh này chỉ cần trong 2 năm đã có bằng Cử nhân. Vì vậy mà ta thấy ở Mỹ có những sinh viên tốt nghiệp Đại học khi mới 17 tuổi, để bắt đầu vào học chương trình Tiến sĩ (đã có một nữ sinh viên gốc Việt tốt nghiệp xuất sắc Cử nhân khi mới 17 tuổi và được học bổng vào học chương trình Tiến sĩ tại Đại học Harvard cách đây khoảng 2 năm).
Tóm lại, không nên xây dựng nên quốc học nước ta với tư tưởng dạy các môn khoa học tự nhiên và nhân văn cho những học sinh trung học ưu tú nhất Việt Nam hoàn toàn bằng tiếng Anh, mà nên đổi chương trình liên thông lên đại học, tạo điều kiện để học sinh trường chuyên sớm trở thành những chuyên gia vào độ tuổi 24-30, không những giỏi về chuyên môn mà còn sung mãn về sức khỏe, và thấm đượm tình yêu tiếng Việt và đồng thời tinh thông ngoại ngữ trong chuyên ngành. Nhờ vậy, họ mới có thể trở thành những người trí thức phục vụ tốt cho quê hương trong khoảng thời gian dài từ khoảng 24, 30 tuổi trở lên.
Nguon: http://honvietquochoc.com.vn/Giao-duc/Day-hs-truong-chuyen-bang-tieng-Anh-loi-bat-cap-ha.aspx
Trên Tuổi Trẻ số Thứ Tư ngày 15/12/2010 có bài Nhiều trường nói khó khả thi đưa ra dư luận về việc dạy một số môn như Toán, Tin, Lý,... và đến năm 2020 sẽ dạy tất cả các môn về khoa học Kỹ thuật và khoa học nhân văn bằng tiếng Anh trong các trường chuyên theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Chúng ta thử xem Bộ GD&ĐT đã căn cứ vào những nguyên nhân nào để đề ra kế hoạch này? Những nguyên nhân ấy có thật sự chính đáng không?
- Học như thế để đi thi Quốc tế? Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển: “Với khả năng tiếng Anh còn yếu, nhiều học sinh dự thi Olympic quốc tế đã gặp khó khăn trong giao tiếp bằng tiếng Anh và khó khăn hơn trong việc tiếp cận nội dung đề thi, cách ra đề bằng tiếng Anh. Vì vậy, việc triển khai dạy một số môn chuyên bằng tiếng Anh vừa nhằm nâng cao vốn hiểu biết ngoại ngữ của học sinh vừa tạo điều kiện tốt cho học sinh khi tham dự các kỳ thi quốc tế và khu vực”. (Tuổi Trẻ, ngày 15/12/2010).
Như vậy, phải chăng mục đích giáo dục trường chuyên của Việt Nam ta là chỉ để cho học sinh đi thi quốc tế? Thi quốc tế chỉ là một cuộc chơi nhằm tạo không khí “gọi là sinh hoạt chung cho cộng đồng các học sinh Trung học nhiều nước trên thế giới”. Chỉ là một cuộc chơi. Nước ta nên tham dự như đã từng tham dự mấy chục năm nay. Nhưng lấy đó làm mục tiêu chính cho giáo dục các học sinh ưu tú nhất nước ta, rồi đem rất nhiều tiền bạc, thời gian, công sức của một nước còn nghèo như nước ta để cố tranh giành ngôi thứ với người ta trong cuộc chơi này thì quả là một sai lầm. Vì sao? Vì mục tiêu chính của các trường chuyên là tạo nền móng để đào tạo những học sinh ưu tú nhất của ta trở thành những người có đủ trình độ để giải quyết những vấn đề của Việt Nam trong mọi lĩnh vực, nhằm giúp dân giàu, nước mạnh, văn minh, chứ không nhằm đi thi quốc tế.
Thi quốc tế chỉ là một chút hương vị ban đầu của tài năng, mà sau đó người học sinh phải được đầu tư để học tập, làm việc nghiêm túc trong 10, 20 năm sau họa may mới có thể thực sự đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Không phải có vị trí cao trong các kỳ thi quốc tế mà nền khoa học của ta “ngon” hơn thiên hạ, nền giáo dục của ta “tiên tiến hơn thiên hạ”. Cũng không phải do nhờ dạy các môn Toán, Tin học,... bằng tiếng Anh mà học sinh sẽ được điểm cao trong kỳ thi quốc tế.
Có khá nhiều nước, học sinh Trung học học tiếng Anh như Philippines mà họ có được nhiều giải Toán thi quốc tế như Nga không? (mà hẳn là Nga không bao giờ dạy các môn Toán, Lý, Tin học... cho học sinh của họ hoàn toàn bằng tiếng Anh). Rồi hãy xem nước Nhật, họ có dạy Toán, Tin học,… trong trường Trung học quốc gia của họ bằng tiếng Anh không? Họ có đạt thành tích thi quốc tế Toán cao như ta trong các kỳ thi quốc tế không? Thậm chí, Tin học họ cũng không đạt cao như ta. Nhưng Khoa học, Kỹ Thuật, Kinh tế của ta so với họ thế nào? Họ hơn ta hàng vạn dặm! Ngay cả Hàn Quốc cũng vậy. Mở mắt ra, các vị đều thấy sản phẩm mang hàm lượng chất xám của Nhật Bản và Hàn Quốc đầy rẫy trong nước ta. Không những ở nước ta mà còn ở rất nhiều nước trên thế giới, kể cả Mỹ.
Hơn nữa, thi quốc tế như Toán chẳng hạn, học sinh nước nào làm bài bằng tiếng nước đó, với đề thi đã được dịch ra tiếng nước đó, chứ đâu có đọc đề bằng tiếng Anh và làm bài bằng tiếng Anh. Học sinh Việt Nam ta, từ mấy chục năm nay chưa hề học Toán bằng tiếng Anh ở Trung học mà vẫn có nhiều học sinh được huy chương vàng. Vậy cái lý do để đi thi quốc tế mà trường chuyên phải dạy các môn hoàn toàn bằng tiếng Anh là không đúng.
- Không khả thi: Giả sử mục tiêu là đúng thì kế hoạch cũng không khả thi: thầy của ta có nói tiếng Anh trôi chảy không mà dạy? Theo tôi nghĩ, các thầy giáo của ta, với 4 năm học Đại học sư phạm thì không đủ khả năng dạy các môn học bằng tiếng Anh. Ngay cả thầy dạy tiếng Anh, sau 4 năm học Đại học sư phạm Anh văn, nếu không tu nghiệp với thầy dạy tiếng Anh bản ngữ ít nhất trong 2 năm thì cũng chưa phải là “đủ chuẩn” để dạy Anh ngữ đâu! Mặt khác, học sinh trường chuyên tuy thông minh, nhưng lại phải tiếp thu kiến thức Toán, Tin học, Khoa học Kỹ thuật và Nhân văn qua tiếng Anh, với thầy dạy “không đủ trình độ về ngôn ngữ để trình bày bài dạy một cách lưu loát, tài hoa, hấp dẫn,…” thì lợi bất cập hại! Hơn nữa, học hoàn toàn bằng tiếng Anh thì khi thi Tú tài Việt Nam họ thi chung một đề với đại đa số học sinh Việt Nam ở các trường phổ thông, họ có đủ tiếng Việt để làm bài không? Hay là Bộ sẽ cho họ một kỳ thi riêng?
- Tác hại tâm lý của việc dạy các môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội cho học sinh Việt Nam các trường chuyên bằng tiếng Anh. Học sinh các trường chuyên đa số đều là những học sinh thông minh, có tiềm năng. Đây là lực lượng đáng quý của trí thức tương lai cho đất nước. Việt Nam cần phải giáo dục lực lượng này thành những con người có khả năng cao để phụng sự đất nước. Phải dạy cho họ tinh thông tiếng Việt, yêu tiếng Việt và đồng thời tinh thông ít nhất một ngoại ngữ. Điều này không có nghĩa là phải dạy họ mọi môn học trong chương trình giáo dục Việt Nam bằng tiếng Anh. Trái lại, dạy họ mọi môn học bằng tiếng Việt với một văn phong thuần Việt trong sáng để họ thấy tiếng Việt cũng là ngôn ngữ có khả năng diễn đạt mọi tư tưởng của nhân loại, và về sau, họ sẽ có khả năng và nhiệm vụ giúp làm phong phú thêm tiếng Việt trong chuyên ngành của họ. Chứ nếu dạy họ hoàn toàn bằng tiếng Anh các môn học ấy thì vô tình các vị đã tô bồi cho họ tâm lý:
- Xem nhẹ tiếng Việt, chê tiếng Việt nghèo nàn, họ sẽ không thể diễn tả được chuyên môn của họ bằng tiếng Việt chính trên quê hương của mình. Đó là mầm mống làm giảm đi tình yêu đối với quê hương đất nước. Và họ sẽ mất đi cái khả năng và nhiệm vụ làm giàu tiếng Việt mà tầng lớp trí thức ưu tú như họ đáng lý phải làm.
- Tự kiêu là mình đã ở vào một tầng lớp cao sang hơn những học sinh khác, không cần học bằng tiếng Việt. Đây là mầm mống của sự vọng ngoại. Với tâm lý ấy, không khéo rất có thể trường chuyên của Việt Nam lại trở thành công cụ đào tạo dùm người ưu tú cho các nước khác!
- Nên dạy như thế nào? Phải dạy mọi môn bằng tiếng Việt. Đồng thời, phải dạy cho họ một ngoại ngữ tinh thông có thể từ lớp 3 hay lớp 6 tới lớp 12, chủ yếu nói, nghe, đọc, viết khá thông thạo về những vấn đề chung của xã hội chứ không phải trong một chuyên ngành, và dạy họ thêm một ngoại ngữ thứ hai nữa từ lớp 10 đến lớp 12. Một trong hai ngoại ngữ này phải là tiếng Anh.
Với cái vốn ấy, những học sinh trường chuyên nếu có điều kiện ra nước ngoài học thì không khó khăn gì khi theo học ở Đại học của người ta. Điều này đã từng có tiền lệ từ mấy chục năm nay ở nước ta. Thế hệ của tôi, cũng như trước và về sau này, biết bao học sinh giỏi của nước ta đâu cần học mọi môn bằng tiếng Anh ở Trung học mà đến học Đại học Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Nhật, Nga,... bằng tiếng bản xứ, đã trở thành những Tiến sĩ, những người làm việc trong Khoa học, Kỹ thuật, Văn học ở xứ người.
- Để giúp học sinh nước ta xin được học bổng Đại học như ở Mỹ, cần phải:
+ Dạy tiếng Anh để các em thi TOEFL đạt điểm cao, ít nhất trên 550 điểm.
+ Giúp họ thi SAT, ACT được điểm cao. Chẳng hạn, SAT (gồm 3 phần: Toán, tiếng Anh tổng quát, viết tiếng Anh) cho đạt ít nhất 2100/2400. Với những học sinh giỏi của Việt Nam, nếu được học tiếng Anh tổng quát giỏi, có tài liệu luyện thi SAT để tự luyện hoặc do các trung tâm luyện thi tư nhân luyện trong 2 năm lớp 10 và 11 thì thi SAT phần Toán rất dễ đạt 750-800/800. Nhưng phần tiếng Anh tổng quát, và phần viết là rất khó đạt 770-800/800.
Vậy cái cần là nên giới thiệu với các em các tài liệu luyện thi SAT, ACT... của Mỹ. Nhà trường nên mua một số bộ mẫu về để giới thiệu, các học sinh sẽ tự tìm mua bản photocopy hay bản gốc. Và nhà trường cũng cần soạn ra một tập danh từ đối chiếu Việt-Anh về các môn Toán, Lý, Tin học... để giúp các em đọc các sách về ôn luyện thi SAT, ACT.
Trong vấn đề này, chúng tôi đã từng trải qua một ít kinh nghiệm như sau: Vào những năm trước 1975, chúng tôi dạy mọi môn như Toán, Lý, Hóa, Sinh... ở Đại học Khoa Học Huế hoàn toàn bằng tiếng Việt, nhưng sau mỗi bài giảng đều có danh từ đối chiếu Việt, Anh, Pháp của những thuật ngữ đã dùng trong bài giảng, rồi trong phần bài tập có những đề bằng tiếng Việt, một số đề bằng tiếng Anh, một số bằng tiếng Pháp, và trong hướng dẫn lời giải cũng vậy. Nhờ đó sinh viên dễ dàng đọc, tham khảo tài liệu chuyên ngành trong những sách viết bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, mà không cần học các môn ấy trực tiếp bằng tiếng Pháp hay tiếng Anh với các thầy tại trường.
Ở đây cũng tương tự, nếu nhà trường cung cấp tài liệu tốt về SAT, ACT,… thì học sinh sẽ tự tra cứu, ôn luyện thi hay học thêm ở các trung tâm luyện thi bên ngoài nhà trường, chứ nhà trường không cần phải dạy họ trực tiếp bằng tiếng Anh vì những lý do như đã nêu trên.
Cũng cần biết rằng, học bổng vào các trường Đại học ở Mỹ không những chỉ căn cứ vào điểm thi SAT, ACT, TOEFL mà còn căn cứ vào thành tích học tập tổng quát: vị thứ so với bạn cùng học thường chỉ dành cho những học sinh ở nhóm 5% (do nhà trường và các thầy đánh giá kèm theo trong đơn xin nhập học), thành tích các hoạt động xã hội, thể thao, âm nhạc,... Và cũng nên biết, học bổng cho sinh viên nước ngoài vào năm đầu của Đại học ở Mỹ chỉ có ở những trường Đại học tư. Nếu thành tích học tập xuất sắc mà được nhận vào các trường hàng đầu như Harvard, Princeton,… theo chế độ “need blind” thì sinh viên sẽ được chu cấp đầy đủ tiền ăn, ở, học tập đến nơi đến chốn. Vì vậy, các trường chuyên của ta không phải chỉ lo dạy cho các em luyện thi, mà phải tạo điều kiện cho các em khỏe mạnh, tinh thần sung mãn, tình yêu quê hương sâu đậm qua các hoạt động thể dục thể thao, các công tác xã hội, từ thiện,…
Học bổng vào Cao học - Tiến sĩ thì ngoài TOEFL điểm ít nhất phải 550, ứng viên phải thi GRE ở các ngành Khoa học và GMAT ở ngành như Quản trị kinh doanh. Đặc biệt, sinh viên ban Cử nhân khoa học ở nước ta nên chuẩn thi TOEFL và GRE đạt điểm thật cao, và thành tích học tập cấp Cử nhân thật tốt (trong nhóm 5%) để xin học bổng Tiến sĩ theo dạng TA (Teaching Assistant) mà hiện nay các Đại học Mỹ thường có khoảng trên 50% sinh viên nước ngoài được chọn vào, vì sinh viên Mỹ không đủ nguồn tuyển, và Mỹ rất cần những sinh viên ưu tú của nước ngoài để về sau trở thành nhân tài cho Mỹ sử dụng.
Ngoài ra, tôi đề nghị các trường chuyên nên có các chương trình liên kết liên thông với các Đại học để tạo điều kiện cho các em có khả năng kết thúc sớm chương trình trung học và đại học, để một số em có khả năng có thể hoàn tất đại học (có bằng Cử nhân) vào cỡ tuổi 17, 18 hay 20. Để các em lên ngay chương trình Tiến sĩ và hoàn thành luận án Tiến sĩ ở tuổi 24, 25, 26,... Chúng ta cần đào tạo ra nhiều Tiến sĩ ở tuổi 25-30 trong những ngành khoa học, công nghệ để họ sẽ làm đầu tàu kéo con tàu khoa học, kỹ thuật của đất nước đi lên. Đó mới chính là mục đích của trường chuyên.
Chương trình liên thông này như sau: ở trung học, chẳng hạn môn Toán, nếu các em tỏ ra có đủ khả năng tiếp thu chương trình ở các lớp cao hơn thì cứ tổ chức dạy cho các em không cần phải đợi lên lớp trên mới học. Ở Mỹ, không có Trường chuyên như ở ta. Nhưng những trường cấp 3 (High School, thường từ lớp 9 tới lớp 12), các học sinh vượt trội môn nào có thể được phép ghi tên học các môn ở trình độ đại học (chương trình y như ở đại học, gọi chung là AP (Advanced Placement) tại ngay trường trung học. Những môn này nếu đạt điểm A thì sẽ tính thành 5 điểm trong khi những môn ở trung học thì A tính thành 4 điểm, cho nên nhiều học sinh tốt nghiệp phổ thông với điểm trung bình trong học bạ trên 4 điểm mặc dù mọi môn ở trung học chỉ tối đa 4 điểm. Và đó là lợi thế của các học sinh giỏi khi được các trường Đại học xét tuyển vào đại học.
Có nhiều học sinh trong 3 năm lớp 10, 11 và 12 đã học hết nửa chương trình đại học qua các môn AP, và khi vào đại học các học sinh này chỉ cần trong 2 năm đã có bằng Cử nhân. Vì vậy mà ta thấy ở Mỹ có những sinh viên tốt nghiệp Đại học khi mới 17 tuổi, để bắt đầu vào học chương trình Tiến sĩ (đã có một nữ sinh viên gốc Việt tốt nghiệp xuất sắc Cử nhân khi mới 17 tuổi và được học bổng vào học chương trình Tiến sĩ tại Đại học Harvard cách đây khoảng 2 năm).
Tóm lại, không nên xây dựng nên quốc học nước ta với tư tưởng dạy các môn khoa học tự nhiên và nhân văn cho những học sinh trung học ưu tú nhất Việt Nam hoàn toàn bằng tiếng Anh, mà nên đổi chương trình liên thông lên đại học, tạo điều kiện để học sinh trường chuyên sớm trở thành những chuyên gia vào độ tuổi 24-30, không những giỏi về chuyên môn mà còn sung mãn về sức khỏe, và thấm đượm tình yêu tiếng Việt và đồng thời tinh thông ngoại ngữ trong chuyên ngành. Nhờ vậy, họ mới có thể trở thành những người trí thức phục vụ tốt cho quê hương trong khoảng thời gian dài từ khoảng 24, 30 tuổi trở lên.
Nguon: http://honvietquochoc.com.vn/Giao-duc/Day-hs-truong-chuyen-bang-tieng-Anh-loi-bat-cap-ha.aspx